Trong khi vụ tàn phá 20 cây gỗ chuồn trăm tuổi chưa được làm rõ thì mới đây, một khu rừng phòng hộ khác ở Quảng Nam cũng lâm vào tình cảnh bị “xẻ thịt”.
Ngày 11/4, trả lời PV VTC News, ông Nguyễn Quảng (Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) xác nhận, chính quyền địa phương đang vào cuộc điều tra, xử lý vụ phá rừng phòng hộ thuộc địa phận thôn 4, xã Phước Đức.
Theo ông Quảng, trong ngày hôm qua (10/4), lãnh đạo huyện tổ chức cuộc họp với BQL rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm và đã có báo cáo ban đầu gửi UBND tỉnh về vụ phá rừng vừa xảy ra tại địa phương.
“Sau khi nắm bắt thông tin, tôi đã trực tiếp có mặt ở hiện trường để ghi nhận số gỗ bị chặt phá. Loại gỗ chủ yếu là chuồn, chò. Trước mắt, huyện sẽ đưa ra hình thức kiểm điểm đối với BQL rừng phòng hộ và Hạt Kiểm lâm, trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của tỉnh”, ông Quảng nói.
Cụ thể, hàng chục cây gỗ cổ thụ có chiều dài 50m, đường kính hơn 1m bị chặt hạ nằm ở khoảnh 12, tiểu khu 675 thuộc lâm phận rừng phòng hộ Đắk Mi.
Trong số này, có 4 cây gỗ có dấu hiệu vừa mới bị “xẻ thịt” và nằm ngổn ngang.
Ông Quảng thông tin thêm, tại buổi làm việc với người dân địa phương thì một số người dân thừa nhận, thời gian qua, họ vào rừng phòng hộ và có khai thác cây gỗ về phục vụ cho việc cất nhà.
“Tuy nhiên, số gỗ hiện tại đang bị đốn hạ nằm la liệt giữa rừng có phải do người dân khai thác về để làm nhà hay không thì chưa thể khẳng định. Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc làm rõ, nếu phát hiện lâm tặc ngang nhiên tàn phá rừng thì sẽ xử lý nghiêm”, ông Quảng khẳng định.
Trước đó, vào tháng 3 vừa qua, chính quyền huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) phát hiện một vụ phá rừng xảy ra ở tiểu khu 752 thuộc rừng phòng hộ Sông Tranh.
Khoảng 20 cây gỗ chuồn có tuổi đời cả thế kỷ (đường kính khoảng 40cm/cây) bị chặt hạ nằm la liệt.
Lực lượng chức năng đã thống kê tổng khối lượng gỗ đo được từ 15-17 m3. Đây chủ yếu là loại gỗ chuồn thuộc nhóm 3. Loại gỗ này phần lớn dùng để sản xuất đũa.