Hàng chục năm nay, khu vực núi Đá Bia thuộc địa phận xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa là nơi mưu sinh của hàng trăm thợ đá người địa phương và một số vùng lân cận khác. Công trường khai thác đá lớn nhỏ hoạt động miệt mài mỗi ngày đã phá hủy môi trường, cảnh quan thiên nhiên và gây nhiều hệ lụy.
Núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn) hay còn gọi là Núi Ông có độ cao tuyệt đối là 706m, là ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh, thuộc dãy núi Đèo Cả, án ngữ cửa ngõ phía Nam tỉnh Phú Yên, thuộc địa phận xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa. Núi nổi tiếng vì tảng đá khổng lồ có khắc chữ (đá bia) cao gần 80m trên đỉnh núi.
Núi Đá Bia được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia năm 2008. Gắn với núi Đá Bia không chỉ là cảnh quan núi non của một danh thắng mà còn có khu rừng Văn hóa – Lịch sử – Môi trường rộng gần 5.700ha với kiểu rừng đặc trưng của vùng khí hậu nhiệt đới đồi núi ven biển.
Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Đèo Cả, tỉnh Phú Yên đến năm 2020, diện tích bảo tồn của khu rừng Văn hóa – Lịch sử – Môi trường là 5.689,4ha.
Thế nhưng, hàng chục năm qua, núi Đá Bia luôn là mục tiêu của nạn khai thác đá trái phép để sản xuất vật liệu xây dựng. Từ lâu, khu vực này đã trở thành một trong những “trung tâm” sản xuất đá chẻ, “vựa” đá chẻ lớn của Phú Yên.
Qua khỏi đèo Cả là đến khu dân cư xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa đã nghe tiếng khoan đục đá chát chúa lẫn tiếng động cơ. Triền núi bị loang lổ, lở lói nham nhở, thợ đá khoét núi tạo thành những hàm ếch, tảng đá lớn treo lơ lửng trên đầu, có những đoạn núi sạt lở đất đá tràn xuống mặt đường, cùng với tấm bạt che nắng liêu xiêu thấp thoáng dưới tảng đá.
Ngoài khai thác đá không đúng kỹ thuật, hầu hết người lao động tại các mỏ đá không được trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động. Bởi vậy, đã có nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra tại các điểm khai thác đá trái phép.
Dọc chân núi Đá Bia có đến vài chục điểm khai thác đá lớn nhỏ nằm gần nhau. Trong đó, có những điểm nằm sát trụ sở UBND xã Hòa Xuân Nam và cách trụ sở Ban quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả – đơn vị quản lý rừng và đất lâm nghiệp tại Nam Đèo Cả chỉ chưa đầy có 100m.
Để ngăn chặn tình trạng này, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo lực lượng Công an, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở TN&MT và UBND huyện Đông Hòa tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện.
Trong đó tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật về khoáng sản trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả trực tiếp đến các điểm khai thác đá trái phép để tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân ký cam kết dừng ngay việc khai thác đá trái phép; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, trên thực tế khi đoàn kiểm tra xuất hiện, các đối tượng khai thác đá bỏ chạy và khi đoàn rời đi, hoạt động khai thác đá trở lại.
Trao đổi với PV Báo TN&MT, lãnh đạo UBND xã Hòa Xuân Nam cho biết: UBND xã nhiều lần tổ chức kiểm tra, truy quét và mời người dân lên làm việc, vận động, tuyên truyền ký cam kết không được khai thác đá trái phép tại núi Đá Bia, nhưng vì mưu sinh họ tiếp tục làm. Chưa kể người dân còn gây sức ép với chính quyền không cho con đến trường do không có tiền nộp học phí. Thợ đá phần lớn người dân của xã, nếu họ không được làm đá thì không biết làm nghề gì để sinh sống.
UBND huyện Đông Hòa và UBND xã hướng người dân chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp hoặc thành lập HTX xin khai thác đá tại xã Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Tây được quy hoạch mỏ đá chẻ. Tuy nhiên, Sở TN&MT Phú Yên đã có văn bản gửi Hợp tác xã khai thác đá chẻ Hòa Xuân về việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường mỏ đá chẻ viên xây dựng tại xã Hòa Xuân Tây, Hòa Xuân Đông, nên chúng tôi đang gặp khó khăn khi giúp người dân chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp để họ không bất chấp nguy hiểm tính mạng mà làm đá nữa.
Theo quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Đèo Cả đến năm 2020, tỉnh Phú Yên đặt mục tiêu bảo vệ bền vững toàn bộ diện tích rừng và đất rừng, khai thác dịch vụ du lịch sinh thái gắn với các điểm di tích lịch sử, cảnh quan, tiến đến hình thành các khu du lịch sinh thái gắn với việc bảo tồn phát triển rừng, bảo vệ nguồn gen quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học. Bởi vậy, việc giữ gìn và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên núi Đá Bia là trách nhiệm của hệ thống chính quyền và ngành chức năng tỉnh Phú Yên.
Nạn khai thác đá chẻ tại núi Đá Bia diễn ra hàng chục năm, trở thành nghề truyền thống của hàng trăm gia đình thợ đá sinh sống tại đây. Sự buông lỏng trong công tác quản lý khai thác khoáng sản để người dân tự ý khai thác đá trái phép là trách nhiệm của chính quyền và cơ quan chức năng huyện Đông Hòa.
Việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân cũng không thể giải quyết một sớm một chiều, đồng nghĩa là nạn khai thác đá tại núi Đá Bia sẽ không biết khi nào mới chấm dứt.