Có một thực tế là thời gian qua, số lượng cáp treo tới các khu du lịch của Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Không ít ý kiến lo ngại rằng việc xây dựng như vậy sẽ là “lợi bất cập hại”, bởi những hậu quả khó lường của việc tác động tới thiên nhiên.
Trước hết sẽ tác động tới thiên nhiên
Theo bà Trần Thị Hoàng Mai – Đại sứ Việt Nam tại Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO), cần phải tuân thủ các quy định liên quan đến việc triển khai xây dựng các công trình tác động tới tự nhiên nói chung và xây dựng cáp treo nói riêng. Trên thế giới đã có nhiều khu vực làm cáp treo. Việc này giúp con người có thể đi tham quan một cách thuận lợi hơn, tăng số lượng người đến du lịch.
Tuy nhiên, trước khi bắt tay vào triển khai ý định xây dựng một hệ thống cáp treo thì cần phân biệt khu vực định làm thuộc nhóm nào. Nếu đó là di sản thế giới đã được công nhận thì theo quy định của Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa và Thiên nhiên thế giới (Công ước Di sản Thế giới 1972), bất cứ tác động nào đến vùng lõi đều không được khuyến khích, thậm chí là không cho phép.
“Mục tiêu cao nhất mà UNESCO hướng tới khi công nhận các di sản thế giới là nhằm tăng cường nhận thức và hành động để bảo vệ, bảo tồn các di sản đó. Bất cứ các mục tiêu nào khác, kể cả phát triển du lịch, giải trí… mà làm tổn hại đến việc bảo tồn giá trị của di sản thế giới đều không được chấp nhận và đây cũng là điều các nước phải cam kết ngay khi nộp hồ sơ đề nghị xét di sản thế giới”, bà Mai cho hay.
Vẫn lời bà Mai, vùng lõi di sản là nơi tập trung các giá trị của di sản thế giới nên phải được bảo vệ nghiêm ngặt, tránh mọi tác động thay đổi cấu trúc làm nên các giá trị được công nhận. Trong trường hợp vẫn có ý định xây dựng các công trình mới thì phải nghiên cứu tác động môi trường, cảnh quan, xã hội và báo cáo UNESCO.
Đối với những nghiên cứu như vậy, các nhà nghiên cứu, những nhà chuyên môn phải được hỏi chứ không phải chỉ lấy ý kiến của một vài người: “Nếu thực sự các tác động là không đáng kể, UNESCO đồng ý cho phép làm thì ta mới được làm. Chúng ta cần hiểu, một khi đã được công nhận là Di sản thế giới, di sản đó không còn chỉ của địa phương có di sản, của Việt Nam mà đã trở thành tài sản chung của nhân loại và chúng ta phải tuân thủ các quy định của UNESCO”, bà Mai thông tin.
Còn đối với các khu khác không phải là di sản thế giới, bà Mai vẫn khuyến cáo phải cân nhắc. “Làm bất cứ thứ gì đều phải cân nhắc bởi việc phá đi thì rất dễ, rất nhanh nhưng để hình thành được một thiên nhiên như vậy phải mất hàng triệu năm. Thêm vào đó, khi phá đi như thế sẽ có những tác động không lường hết trước được”, bà Mai nhấn mạnh.
Đại sứ Việt Nam tại UNESCO chỉ ra rằng, hoạt động xây dựng nói chung và xây dựng cáp treo nói riêng trước hết sẽ có tác động tới thiên nhiên. Trong khi đó, hiện tượng biến đổi khí hậu, lũ lụt hiện nay bên cạnh yếu tố chu kỳ của thiên nhiên có phần do con người tác động. Bên cạnh đó, những hoạt động xây dựng như vậy còn tác động tới đời sống của người dân địa phương, tới tập quán của xã hội ở khu vực đó. Việc người dân địa phương đã sống ở đó từ lâu, có những tập tục lâu đời nhưng phải chuyển đi để phục vụ việc xây dựng cũng là một vấn đề cần phải xem xét.
Phải cân nhắc kỹ
Đặc biệt, theo Đại sứ Mai, các hoạt động xây dựng cáp treo hay bất cứ một công trình thường là để phục vụ chính những người dân sống ở khu vực diễn ra hoạt động xây dựng. “Cộng đồng người dân có lợi gì trong việc đó hay không? Nếu người dân ở đó phải bỏ đất, bỏ rừng, bỏ tất cả các tập quán của họ nhưng không được hưởng lợi mà chỉ có một số người hưởng lợi thôi thì phải cân nhắc xem có nên không. Đó là những điều cần phải xét, bao gồm cả về kinh tế cả về xã hội”, bà Mai nói.
Từ những phân tích như vậy, nữ chuyên gia cho rằng, khi xây dựng các công trình nói chung cần phải tính toán làm sao để tránh nhất những tác động của con người đối với thiên nhiên, phải cân nhắc giữa những tác động với những lợi ích đối với con người.
Bà Mai cho rằng, việc xây dựng cáp treo hay các hình thức vận chuyển khác để việc trải nghiệm các tour du lịch thám hiểm trở nên dễ dàng hơn nếu đáp ứng được các yêu cầu nói trên. “Nếu có cáp treo thì chuyện du lịch bằng cáp treo rất bình thường, không có vấn đề gì. Nguyên tắc làm cáp treo bao giờ cũng phải nhớ là với di sản thế giới, quy định của UNESCO rất nghiêm, chúng ta phải làm theo. Song, tôi vẫn muốn nói một câu là thực ra phá thì rất dễ, phá để xây một cái mới thì rất dễ nhưng có những cái thiên nhiên phải mất cả triệu năm để hình thành, rất khó và mình phá đi rồi thì không còn nữa cho nên làm cái gì cũng phải cân nhắc rất kỹ”, bà Đại sứ Việt Nam tại UNESCO nhấn mạnh.
Ông Phạm Văn Hòa – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – cho rằng việc làm cáp treo chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường, đến sinh hoạt của người dân, đến hệ sinh thái động thực vật ở những khu vực đó và tác động là lớn chứ không phải là nhỏ. “Ví dụ những đỉnh núi trước đó còn rất hoang sơ, hoang dã nhưng khi có con người đặt chân tới, đương nhiên họ phải xây dựng các công trình hay nhà hàng, khách sạn trên đó”, ông Hòa nhận định.