Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhìn thấy nhiều rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Nền kinh tế toàn cầu đã có chuyển biến đáng kể kể từ những ngày tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế năm 2009. Nhiều người lo lắng về một cuộc suy thoái lớn khác. Nhưng ít ai có thể dự đoán chắc chắn liệu điều đó có thể xảy ra hoặc khi nào điều đó xảy ra.
Vừa qua, IMF đã công bố một đánh giá không mấy khả quan trong dự báo 6 tháng sắp tới, điều chỉnh lại dự báo về tăng trưởng GDP thế giới.
IMF đã hạ con số dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 3,3% vào năm 2019, giảm so với mức 3,7% đã dự đoán vào tháng 10 (và giảm so với mức 3,6% được ghi nhận vào năm 2018). Đây sẽ là tốc độ tăng trưởng hàng năm thấp nhất kể từ năm 2009, khi GDP toàn cầu bị sụt giảm với tỷ lệ hàng năm là 3%.
Trong khi IMF đưa ra các số liệu hàng năm cho tăng trưởng toàn cầu, The Economist đã tính toán một loạt các số liệu hàng quý, dựa trên dữ liệu từ 73 quốc gia, được xem xét bởi tỷ lệ GDP thế giới của các quốc gia này. Tổng cộng các quốc gia này chiếm 95% GDP toàn cầu. Điều này cho thấy sự suy thoái bắt đầu vào nửa cuối năm 2018.
Trong quý IV.2018, GDP quý này đã tăng trưởng ở mức 2,8%, thấp hơn khoảng 0,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước đó. Đây là sự suy giảm sâu nhất trong hai năm rưỡi qua.
Sự tăng trưởng đã chậm lại ở các nước giàu, đáng chú ý nhất là ở châu Âu, cũng như những nước nghèo. Trong khi đó, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ lại duy trì được mức tăng trưởng nổi bật. Nhưng điều này sẽ kéo dài được bao lâu nữa?
IMF nhìn thấy nhiều điểm rủi ro bất lợi. Một là sự tăng nhiệt của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Niềm tin thị trường càng bị đe dọa hơn nữa khi vào ngày 8 tháng 4 Mỹ đã đe dọa áp thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu trong một tranh chấp kéo dài về trợ cấp cho máy bay.
Một mối nguy hiểm khác là triển vọng của một Brexit không thỏa thuận (Brexit cứng), khi bà Theresa May vận động các nhà lãnh đạo EU trì hoãn Brexit để tránh Brexit cứng vào ngày 12.4.
Mối lo ngại thứ ba là những thị trường mang tâm lý quá lo sợ có thể một lần nữa đẩy chi phí vay nợ của các quốc gia mắc nợ cao (ví dụ như Ý), gây ra sự bất ổn trong hệ thống tài chính của các nước trong khu vực đồng Euro.
Trong một tương lai xa hơn, IMF cũng lo ngại rằng biến đổi khí hậu và bất bình đẳng toàn cầu có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng trong dài hạn. Một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng năm 2009, IMF đang rất lo lắng về sức khỏe của nền kinh tế thế giới.