Hiện nay tỉnh Đồng Tháp có nhiều hỗ trợ khuyến khích người dân đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà và đã có 58 cơ sở sản xuất và hộ dân sử dụng với tổng công suất 1.874 kWp.
Qua đó, giúp giảm áp lực hệ thống lưới điện quốc gia, cũng như tiết kiệm chi phí trong sinh hoạt của người dân.
Ông Đào Hữu Điền – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đồng Tháp cho biết, lợi ích của điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo, không bị cạn kiệt như nguồn năng lượng hóa thạch như: than đá, dầu mỏ… Giúp tiết kiệm chi phí tiền điện do không phải sử dụng nguồn điện lưới, ngoài ra còn có thể bán phần điện không sử dụng hết cho ngành Điện đối với các hệ thống điện mặt trời nối lưới.
Ông Điền cho biết thêm, theo số liệu thống kê, miền Nam nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, số giờ nắng trung bình là 6 – 8 giờ/ngày và liên tục trong suốt cả năm. Cường độ bức xạ mặt trời trung bình của miền Nam là khá cao, đạt từ 4 – 4,5 kWh/ngày/kWp nên tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời để phát điện là rất lớn.
Số giờ nắng ở tỉnh Đồng Tháp đạt từ 2.200 – 2.500 giờ/năm, việc khai thác nguồn điện năng lượng mặt trời rất thích hợp. Công ty Điện lực Đồng Tháp đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái cho toàn bộ Văn phòng Công ty làm việc với công suất 410 kWp.
Hộ ông Nguyễn Văn Nương có cơ sở sản xuất bột ở Phường 2, thành phố Sa Đéc cho biết, năm 2018 ông đầu tư Điện năng lượng mặt trời với kinh phí 154 triệu đồng; trong đó, được hỗ trợ 40 triệu đồng. Mỗi tháng gia đình ông tiết kiệm trên 1 triệu đồng, nếu nắng nhiều ông tiết kiệm điện càng nhiều, dư điện bán lại cho Điện lực.
Tại Cụm Công nghiệp Vàm Cống, huyện Lấp Vò, Tập đoàn Sao Mai đã xây dựng được Nhà máy năng lượng mặt trời Sao Mai 1 với công suất 1,06 MW. Nhà máy đi vào hoạt động góp phần làm giảm chi phí 20% điện năng tiêu thụ mà Công ty IDI – thành viên của Tập đoàn Sao Mai phải trả mỗi năm.
Điện lực Đồng Tháp phấn đấu đến cuối năm 2019 đạt công suất 4.500 kWp từ điện mặt trời.