Quỹ dầu mỏ nghìn tỷ đô la của Na Uy, quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới, sẽ đổ hàng tỷ USD vào các dự án điện gió và mặt trời.
Ngày 5/4, Chính phủ Na Uy đã chấp thuận cho Quỹ đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo không được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Các dự án chưa được niêm yết chiếm hơn 2/3 thị trường cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo và trị giá hàng nghìn tỷ USD.
Quyết định này tiếp nối quyết định của Quỹ dầu mỏ của Saudi Arabia trong việc bán hết tài sản dầu khí của mình.
Ngoài ra, các quỹ quốc gia khác được xây dựng từ lợi nhuận dầu mỏ cũng được cho là đang tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo. Những động thái này cho thấy các quốc gia trở nên giàu có bằng nhiên liệu hóa thạch đang đa dạng hóa các khoản đầu tư và tìm kiếm lợi nhuận trong tương lai bằng năng lượng sạch để chống biến đổi khí hậu. Các nhà phân tích cho rằng những khoản đầu tư sẽ thúc đẩy năng lượng xanh tăng trưởng nhanh hơn.
Trước đây, người ta cảnh báo rằng các khoản đầu tư như vậy có thể gặp rủi ro do bị can thiệp chính trị. Nhưng bây giờ, số tiền mà quỹ có thể đầu tư vào các dự án xanh đã tăng gấp đôi lên 14 tỷ USD.
“Ngay cả một quỹ được xây dựng trên dầu cũng thấy rằng tương lai là màu xanh”, Jan Erik Saugestad, CEO của Storebrand Asset Management cho biết.
Tháng 3 năm nay, Quỹ đầu tư quốc gia Na Uy cho biết sẽ chuyển nhượng các khoản đầu tư trị giá gần 8 tỷ USD ở 134 công ty thăm dò và khai thác dầu khí, nhưng vẫn giữ cổ phần tại các công ty dầu mỏ có phân khúc năng lượng tái tạo như Shell và BP.
Na Uy cũng tuyên bố Quỹ sẽ bán bớt cổ phần tại nhiều công ty than, đã đặt ra giới hạn dự trữ mới là 20 triệu tấn. Điều này cho thấy các khoản đầu tư vào các công ty nhiên liệu khổng lồ Glencore và RWE bị bán phá giá. Năm 2015, quỹ đã thoái vốn 6,5 tỷ USD đầu tư liên quan đến than.
Trên khắp thế giới, gần 1000 nhà đầu tư tổ chức, quản lý hơn 6 nghỉn tỷ USD, hiện đã cam kết thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch do lo ngại về sự nóng lên toàn cầu và tổn thất tài chính nếu hành động khí hậu làm giảm giá trị của đầu tư vào than, dầu khí.
Tom Sanzillo, Giám đốc tài chính của Viện nghiên cứu Kinh tế năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) thừa nhận: “Năng lượng tái tạo không niêm yết là một ngành công nghiệp đang tăng trưởng. Đầu tư của quỹ quốc gia Na Uy hiện cho phép quỹ tận dụng lợi thế của sự tăng trưởng này và sử dụng các nguồn lực của mình để phát triển thị trường trong nhiều thập kỷ. Đây là một bước tiến mạnh mẽ cho sức khỏe của quỹ và cho hành tinh”.
Sverre Thornes, CEO của quỹ hưu trí Na Uy KLP, cho biết: “Động thái này rất có thể sẽ mở rộng thị trường sâu hơn và nhanh hơn. Tỷ lệ hoàn vốn tổng thể của chúng tôi từ đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo là khoảng 11% trong năm ngoái. Năng lượng sạch là thứ sẽ đưa chúng ta ra khỏi con đường nguy hiểm và tàn khốc đang đi hiện nay”.
Per Kristian Sbertoli, thuộc thinktank khí hậu Zero của Na Uy, cho rằng quyết định đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo chưa niêm yết là “bước đột phá lịch sử” và hoan nghênh việc thoái vốn khỏi than. “Những hành động của quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới là đáng lưu ý và đóng góp cho việc giảm giá thành năng lượng tái tạo, trong khi đẩy nhanh sự chuyển đổi khỏi than ở cấp độ toàn cầu”.
Charlie Kronick, thuộc tổ chức Greenpeace UK, cho biết những động thái như vậy thực sự là “tin tốt lành” nhưng mọi nhà đầu tư sẽ phải theo bước để chống lại biến đổi khí hậu.
Đầu tháng 4, Quỹ đầu tư công của Saudi Arabia đã bán cổ phần trị giá 69 tỷ USD trong Saudi Basic Industries Corp cho công ty dầu lửa quốc gia Aramco – khoản đầu tư cuối cùng của quỹ này liên quan đến dầu khí.
Theo Reuters, các quỹ dầu mỏ khác ở Trung Đông đang chuyển sang năng lượng tái tạo để đa dạng hóa nguồn đầu tư nhưng không theo chân Na Uy trong việc dừng đầu tư vào dầu khí.
Các quỹ đầu tư cá nhân ít công khai thông tin về các khoản đầu tư nhưng dữ liệu về tổng đầu tư vốn cổ phần tư nhân liên quan đến các quỹ kiểu này cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Theo công ty dữ liệu PitchBook, trong năm 2018 có tới 6,4 nghìn tỷ USD được đổ vào hydrocarbon so với 5,8 nghìn tỷ vào năng lượng tái tạo. Đáng lưu ý là năm 2017, tới 18,8 nghìn tỷ USD đã được đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch so với chỉ 0,4 nghìn tỷ vào năng lượng tái tạo.
Mark Lewis, làm việc cho BNP Paribas Asset Management cho biết: “Năng lượng tái tạo là mối đe dọa mới cho ngành dầu khí và nếu ngành này không thích ứng với thực tế mới này thì sẽ ăn mòn lợi nhuận trong tương lai giống như các giàn khoan dầu rỉ sét”.
Nhật Anh (Theo Theguardian)