“Khai tử” xe thu gom rác

TP HCM muốn thay thế các phương tiện thu gom rác cũ kỹ, mất vệ sinh và thiếu an toàn nhưng người thu gom rác dân lập cho rằng muốn làm được thì cần nhiều điều kiện đi kèm.

Nhiều HTX thu gom rác dân lập ở TP HCM lo lắng làm cách nào để chuyển đổi phương tiện trong nửa năm tới tại hội nghị trao đổi về công tác tổ chức thu gom chất thải rắn sinh hoạt và chuyển đổi phương tiện thu gom của lực lượng rác dân lập do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP tổ chức ngày 10-4.

Hạn chót là cuối tháng 10-2019

Theo Sở TN-MT TP, thống kê năm 2018 cho thấy khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ở TP là 8.900 tấn/ngày. Số rác này được lực lượng công lập thu gom ở các hộ mặt tiền đường và khu vực công cộng với khối lượng 40%.

Còn lại là hệ thống dân lập (gồm các công ty tư nhân, HTX, nghiệp đoàn) tổ chức lấy rác thu gom từ các hộ nhỏ lẻ trong hẻm.

Dù thu gom lượng rác ở TP nhưng phương tiện của lực lượng rác dân lập chủ yếu là xe ba gác, xe lôi, xe tự chế. Hệ quả là phát tán mùi hôi dọc đường đi, rác rơi vương vãi xuống đường và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Để giải quyết vấn đề này, UBND TP đã chỉ đạo chậm nhất đến tháng 10-2019 phải hoàn thành việc chuẩn hóa mẫu xe thu gom rác. Các phương tiện được áp dụng gồm thùng nhựa hoặc composite dung tích 660 lít thay thế cho các thùng rác tự chế bằng sắt không bảo đảm chất lượng vệ sinh.

Các thùng này có xe đẩy bằng điện hỗ trợ người thu gom đỡ mất sức khi di chuyển từ nhà dân đến điểm hẹn.

Những chiếc xe thu gom rác thế này sẽ bị khai tử

Ngoài việc phải thay thế thùng rác, các xe chở rác với thùng kín, miệng nạp rác có nắp đậy, có hệ thống thu gom nước rỉ rác với tải trọng từ 350 kg đến 5 tấn sẽ thay thế xe tải, xe ben, xe máy kéo thùng rác.

Các phương tiện này phải đáp ứng quy định của Luật Giao thông Đường bộ và được Cục Đăng kiểm cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường loại xe “ôtô chở rác”. Theo tính toán, toàn TP có 880 phương tiện phải chuyển đổi.

Ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn Sở TN-MT TP, cho biết việc chuyển đổi phương tiện là bắt buộc để phù hợp với sự phát triển của một đô thị văn minh như TP.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi, TP có chính sách hỗ trợ cho lực lượng thu gom rác dân lập vay ưu đãi thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường TP gồm: 70% giá trị phương tiện, lãi suất 4,27%/năm trong thời hạn 7 năm.

Ngoài ra, các đơn vị cung ứng cũng có các phương án cải tạo, hoán đổi công năng các phương tiện ôtô tự đổ thành ôtô chở rác và làm thủ tục để được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp phép đúng quy định.

Ủng hộ nhưng cần hàng loạt điều kiện đi kèm

Ông Võ Văn Hùng, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ môi trường Bình Chánh, cho rằng việc chuyển đổi phương tiện là cần thiết nhưng phải phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ sở rác dân lập.

Ông Hùng tính toán nếu chuyển đổi lên ôtô, xã viên phải trả hằng tháng đủ loại chi phí: tiền gốc và lãi hằng tháng, thuê tài xế, thuê người thu gom phía sau để đưa rác lên.

Trong khi đó, số tiền thu được ở mỗi đường dây rác cũng chỉ khoảng hơn 20 triệu thì người thu gom có khi phải chịu lỗ…

Đồng quan điểm, ông Lê Dư Hoàng, Phó Giám đốc HTX Thống Nhất (quận Bình Thạnh, TP HCM) dẫn chứng HTX có hơn 200 thành viên, trước đây có 60 chiếc xe tải nhưng đến nay chỉ còn 7 người dùng xe tải.

Lý do người thu gom phải “từ giã” xe tải là do quá nhiều chi phí như đăng kiểm định kỳ, nhiên liệu, tài xế, nhân công nên đến khi nguồn thu không đủ chi thì họ lại quay về với xe ba gác.

Bên cạnh đó, ông Hoàng cũng đặt vấn đề về việc thu gom rác từ hẻm ra đầu đường thì phải có rất nhiều điểm hẹn, nhiều phương tiện rải rác thì liệu rằng Công ty Dịch vụ Công ích quận Bình Thạnh có đảm đương nổi hay không. Bởi thực tế, công ty này đã nhiều lần trễ hẹn với người thu gom, thậm chí phải chờ 2-3 giờ vì xe hư, chưa quay vòng kịp, lúc đó người thu gom phải ngồi chờ ngoài đường.

Trước những ý kiến trên, ông Lê Trung Tuấn Anh cho biết sẽ sắp xếp phương án thu gom dọc tuyến, thí điểm chuyển đổi thời gian thu gom rác vào ban đêm, cố gắng tạo các điểm rửa xe…

Riêng giá dịch vụ sẽ được điều chỉnh để bù đắp chi phí, bồi dưỡng độc hại cho người thu gom rác dân lập. “Giá dịch vụ phải được tính đúng, tính đủ và người dân phải trả. Khi đó, người dân là bên mua dịch vụ, nếu đơn vị thu gom vi phạm hợp đồng nhiều lần thì người dân có quyền không thuê nữa mà chọn đường dây khác.

Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ kết nối người dân với các đơn vị thu bằng các quy định, nhà nước không lấy lại đường dây rác” – ông Tuấn Anh khẳng định.

Nên có lộ trình cho từng khu vực

Là đơn vị hỗ trợ người thu gom rác dân lập từ nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Hoài Linh, Giám đốc Tổ chức Hành động vì môi trường và phát triển tại Việt Nam (ENDA Việt Nam), đánh giá việc chuyển đổi trước mắt sẽ phù hợp ở khu vực ngoại thành bởi đường phố rộng rãi, ôtô có thể trực tiếp thu gom được.

Như ở quận Thủ Đức, có 65% xã viên ở HTX Liên Minh cho biết họ có khả năng tự chuyển đổi phương tiện. Còn ở khu vực nội thành, việc chuyển đổi sẽ khó thực hiện hơn, do đó cần có lộ trình dài hơn.

Chủ nhiệm HTX Dịch vụ môi trường Bình Chánh Võ Văn Hùng cũng cho rằng trước mắt, TP cần có lộ trình chuyển đổi các xe tự chế, xe lam, xe lôi trước và phải làm từng bước mới bảo đảm chứ làm “đùng một cái” rất khó khăn cho xã viên.

Nguồn: