Sau gần 3 năm triển khai mạnh mẽ thực hiện Đề án “Phòng chống khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Hải Dương”, việc khai thác cát trái phép (KTCTP) trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã giảm.
Theo Công an tỉnh Hải Dương, số phương tiện KTCTP hoạt động giảm hơn một nửa, không dám ngang nhiên hoạt động như trước, nhưng vẫn còn đó một số khu vực còn diễn biến phức tạp, gây mất an ninh trật tự, bức xúc của người dân mất đất và những thủ pháp mới của “cát tặc” hòng rút ruột tài nguyên đất nước.
Ra quân quyết liệt
Trước việc cát tặc hoành hành trên tất cả các tuyến sông, tỉnh mất khoáng sản, mất hàng trăm ha đất đai, nhà nước thất thu, ngày 12-7-2016, UBND tỉnh Hải Dương đã ra Quyết định số 1895/QĐ-UBND xây dựng Đề án “Phòng chống khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Hải Dương”.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương đã giao cho Công an tỉnh chủ trì tham mưu xây dựng và thực hiện đề án này.
Công an tỉnh chỉ đạo các phòng chức năng có liên quan và Công an các huyện, thành phố, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện đồng bộ các biện pháp, tích cực phối hợp các huyện, thành phố trong quá trình kiểm tra xử lý, ngăn chặn KTCTP. Triển khai kế hoạch cao điểm phòng chống KTCTP từ 16-4 đến 15-6, lập chốt tại một số vị trí.
Công an tỉnh Hải Dương đã phối hợp tốt với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện hàng trăm cuộc kiểm tra, bắt giữ, xử lý các tàu KTCTP, chủ phương tiện, chủ bến bãi vi phạm pháp luật về khai thác tài nguyên khoáng sản, về thương mại; phối hợp với lực lượng công an các tỉnh giáp ranh bắt giữ các trường hợp vi phạm.
Trước tình trạng KTCTP diễn ra phức tạp, Giám đốc Công an tỉnh đã giao cho Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC05) chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, công an và chính quyền các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, xử lý KTCTP trên địa bàn.
Lực lượng chức năng rà soát, nắm tình hình, lập danh sách các “điểm nóng” và các đối tượng nghi vấn để xây dựng phương án bắt giữ đạt hiệu quả.
Các ngành chức năng như Sở Nông nghiệp và nông thôn rà soát các bến bãi, kiến nghị UBND cấp huyện xử lý vi phạm. Lực lượng quản lý đê phân công cán bộ phụ trách từng xã ven đê, mỗi năm phát hiện hàng trăm phương tiện KTCTP, thông tin cho lực lượng chức năng và chính quyền địa phương biết, bắt giữ, xử lý.
Lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra phương tiện, chủ bến cảng, bến thủy nội địa, người điều khiển phương tiện thủy nội địa, xử lý trên 100 vụ việc, đối tượng vi phạm, góp phần giảm thiểu KTCTP.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành tuần tra, kiểm tra phát hiện ngăn chặn xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. UBND TP Chí Linh, huyện Kinh Môn ký quy chế phối hợp với Thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng)…
Trong năm 2018, các lực lượng chức năng tỉnh cũng đã phát hiện, bắt giữ 294 trường hợp khai thác cát trái phép, xử phạt hành chính tổng số tiền 5,68 tỷ đồng. Trong đó, Đoàn kiểm tra liên ngành các huyện, thành phố tổ chức 351 cuộckiểm tra định kỳ, đột xuất, phát hiện bắt giữ 281 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 4,2 tỷ đồng.
Riêng huyện Thanh Hà phát hiện xử lý 139 trường hợp, xử phạt trên 1,8 tỷ đồng.Cũng trong năm 2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Chí Linh đã khởi tố hình sự 1 vụ KTCTP. Đây là trường hợp KTCTP đầu tiên trong tỉnh bị xử lý hình sự.
Từ năm 2016 đến hết năm 2018 thực hiện Đề án“Phòng chống khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Hải Dương”, tỉnh Hải Dương đã phát hiện, xử lý 777 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 14,4 tỷ đồng.
Trong 3 tháng đầu năm 2019, riêng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đã bắt giữ 22 trường hợp khai thác cát trái phép, xử phạt hành chính 16 trường hợp với số tiền trên 670 triệu đồng, còn 6 trường hợp đang chờ xử lý. So với cùng kỳ năm trước, số vụ khai thác cát trái phép bị bắt giữ tăng 11 vụ, tiền phạt tăng 126 triệu đồng.
Tuy đã từng bước ngăn chặn và có kết quả, nhưng hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông, đất bãi sông trái phép,mua bán, vận chuyển, tiêu thụ, tàng trữ cát sỏi lòng sông, đất bãi sông không có nguồn gốc hợp pháp vẫn còn xảy ra, vi phạm Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, Luật Thương mại và pháp luật khác có liên quan, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Còn đó những điểm “nóng”
Theo ông Phạm Văn Nhởn, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương, những năm qua, UBND tỉnh Hải Dương, các ngành chức năng triển khai phòng chống KTCTP quyết liệt, song vẫn chưa ngăn chặn được hết nạn “cát tặc”.
Tình trạng KTCTP vẫn còn tái diễn tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh bạn, giáp ranh các huyện, thành phố. Đặc biệt, tại một số địa phương thuộc các huyện Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Kinh Môn, Kim Thành, TP Chí Linh còn có những thời điểm diễn biến phức tạp, gây sạt lở nhiều diện tích bãi sông, có điểm sạt lở sâu trong hành lang bảo vệ đê điều, đe dọa trực tiếp an toàn hệ thống công trình đê điều.
Mới đây, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường phát hiện một điểm vi phạm đặc biệt. Do khai thác cát lòng sông xuống sâu, cộng với dòng chảy mạnh đổi chiều đã gây sạt lở rất nghiêm trọng bãi sông tại Km 16+040 đến Km 16+125 đê tả sông Kinh Thầy, thuộc phường Đồng Lạc, TP Chí Linh.
Điểm sạt này nằm đối diện với khu neo đậu chờ tàu của Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương, nơi đây đã nạo vét thu hồi bùn, đất, cát hết sức phức tạp, thực hiện nạo vét khi chưa đầy đủ thủ tục pháp lý.
Khi mới sạt, cung sạt dài gần 90 m, lấn sâu vào bãi sông 20 m, đỉnh cung sạt cách chân đê phía sông 17 m, xuất hiện vết nứt cách chân đê 12 m. Đến ngày 4-4-2019, sau 20 ngày bị sạt đã sạt thêm hơn 4 m, tiếp tục uy hiếp khu vực đê tại đây.
Trên tuyến sông Kinh Thầy, thời gian gần đây, tình trạng KTCTP không xử lý triệt để, diễn biễn khá phức tạp. Từ tháng 11-2018 đến hết tháng 3-2019, riêng Hạt quản lý đê Chí Linh đã phát hiện 33 lần KTCTP, với tổng số 81 phương tiện khai thác. Các điểm thường xuyên có tàu KTCTP lòng sông như phường Văn An, Cổ Thành, Đồng Lạc… TP Chí Linh diễn ra thường xuyên vào ban đêm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đã nhiều lần gửi công văn tới UBND các huyện, thành phố, các ngành chức năng chỉ đạo các đoàn kiểm tra liên ngành chống KTCTP các huyện, thành phố và các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các hoạt động KTCTP trên địa bàn. Tuy nhiên hoạt động KTCTP vẫn diễn ra.
Một điểm nhức nhối khác có trên 50 hộ dân đã mất trên 40.000 m2 đất bãi ven sông đó là xã Lạc Long, huyện Kinh Môn đã giao lâu dài (đất 03) cho người dân canh tác. Chỉ tính riêng gần 2 năm trở lại đây, “cát tặc” đã hút bay hơn 20.000 m2 đất, làm tan hoang một vùng đất bãi ven sông Kinh Môn.
Trớ trêu thay chiếc lều canh đất của lực lượng chức năng của xã được phân công canh giữ đất chỉ cách mép nước 10 m. Người dân đặt câu hỏi xã cử người ra trông đất hay ra canh cho “cát tặc” hút cát?
Trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn nhiều điểm thường xuyên xảy ra tình trạng KTCTP như khu vực phường Nhị Châu, xã An Châu (TP Hải Dương); khu vực xã Đại Đồng (huyện Tứ Kỳ); các xã Tiền Tiến, Thanh Hải, Phượng Hoàng (huyện Thanh Hà); các xã Minh Tân, Thái Tân, Cộng Hòa (huyện Nam Sách); Nhân Huệ, Đồng Lạc, Văn An, Cổ Thành (TP Chí Linh), Lạc Long, Thượng Quận (huyện Kinh Môn); xã Đại Đức (huyện Kim Thành)…
“Cát tặc” ở Hải Dương hiện hoạt động khá tinh vi và có nhiều phương thức mới, thường chọn địa bàn giáp ranh để dễ di chuyển sang địa phương khác. Thời gian hút chủ yếu vào ban đêm và gần sáng.
Về cách thức hút, có loại tàu vừa chạy chậm vừa hút cát dưới đáy sông (hút rùa). Đi hơn chục km trên sông sẽ đầy tàu.
Với loại tàu hút chõ, ống chõ sắt dài cả chục mét, cắm thẳng vào bờ. Đường kính lên tới 300 mm, dùng máy công suất lớn, loại tàu 300 m3, hút 1 giờ là đầy tầu, nhiều tầu có tải trọng chở 500 m3, 700 m3, 1000 m3 cát.
Máy được đưa xuống hầm tầu, đóng kín chỉ tạo ra tiếng nổ ầm ì, khi tầu hút gần đầy tiếng máy càng nhỏ do tầu đã chìm sâu trong nước. Nhiều tàu nối đường ống hút dài 40 đến 50 m, cắm chõ vào bờ rồi lùi tàu ra xa hút cát hòng đánh lừa người dân tầu hút xa bờ, những thực chất đang khoáy sát bờ.
Chúng sử dụng tầu hút sang mạn cho tàu vận tải. Khi có động chúng di chuyển mỗi tàu mỗi nơi, tầu hút thì không có cát, tàu chở thì không có máy hút, chày cối, lỳ lợm, chối tội với lực lượng chức năng.
Các chủ tầu thường thuê người KTCTP để trốn tránh trách nhiệm khi bị bắt giữ, xử lý. Khu vực hút cát chúng cử người canh gác hai bên bờ sông, trên đê, chủ yếu là “dân xã hội đen” dữ dằn, bặm trợn, làm cho dân lành sợ không dám tố giác.
Khi lực lượng chức năng phát hiện chúng thông tin cho nhau di chuyển sang địa phương khác, dùng mọi cách khống chế không cho lực lượng chức năng lên tàu, hoặc tắt máy, khóa cửa, trốn khỏi tàu. Chúng mua đất ven sông với giá cao của người dân hoặc thuê đất của người dân để làm nông nghiệp rồi dễ bề đưa tầu đến hút mà không có ai đuổi tàu, giữ đất…
Đâu là nguyên nhân
Theo đánh giá của Công an tỉnh Hải Dương, một trong những nguyên nhân khiến “cát tặc” còn phức tạp là do việc quản lý đất ven sông của một số chính quyền địa phương bị buông lỏng. Trong khi đó công tác kiểm tra, xử lý có nơi chưa thực sự quyết liệt hoặc phó mặc hoàn toàn cho lực lượng công an. Có hiện tượng người dân ở một số nơi được giao đất bãi ven sông để canh tác nhưng bán đất cho các đối tượng KTCTP. Vì vậy, khi có phương tiện KTCTP họ không thông báo cho cơ quan chức năng kịp thời xử lý.
Nguyên nhân còn tình trạng KTCTP là do nhu cầu về cát san lấp mặt bằng, cát xây dựng trên địa bàn tỉnh rất lớn. Lượng cát cấp phép mỏ khai thác chỉ đáp ứng được 2% nhu cầu, còn lại 98% phải lấy từ các nguồn khác. Bên cạnh đó công tác chỉ đạo tổ chức tuần tra, kiểm tra của một số địa phương chưa thường xuyên, chưa quyết liệt. Việc thiếu phương tiện, trang thiết bị để bắt giữ tầu trên sông ban đêm là khó khan của nhiều địa phương. Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý có lúc, có nơi chưa thường xuyên, chặt chẽ…
Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về yêu cầu các địa phương tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ, tàng trữ cát sỏi lòng sông, đất bãi sông trái phép, ngày 14-3-2019, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành liên quan như Công an tỉnh, các Sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Thông tin Truyền thông, Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, Cục thuế tỉnh, các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân, theo chức năng nhiệm vụ phối hợp tốt việc tuyên truyền thực hiện pháp luật về đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ, tàng trữ cát sỏi lòng sông, đất bãi sông trái phép.
Thời gian tới, mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát sỏi trái phép tại các địa phương nhằm ngăn chặn bằng được tình trạng KTCTP trên địa bàn toàn tỉnh.