10 năm Tây Bắc góp đất trồng cao su – Bài cuối: Tìm “cao kiến” cho cao su

Phát triển cây cao su tại Sơn La nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung là chủ trương lớn, được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đổi thay cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Làm thế nào để “cây đa mục đích” này đem lại mùa “vàng trắng” cho đồng bào là điều rất cần những cao kiến từ các chuyên gia.

Người dân góp đất trồng cao su ở Tây Bắc vẫn chờ những quyết sách hợp lý của các cấp có thẩm quyền để ổn định cuộc sống. Ảnh: Lê Sơn

Tới nay, toàn ngành cao su đã đạt giá trị xuất khẩu khoảng 6,2 tỷ USD, tăng trên 27,2% so với kim ngạch năm 2016. Tuy vậy, từ thực tế giá cao su thế giới, theo dự báo thị trường từ nhiều nghiên cứu của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã chỉ ra rằng đến 2030, giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới sẽ khó có thể hồi phục trở lại như mức năm 2011. Trong bối cảnh “cung lớn hơn cầu” do mở rộng sản xuất quá nhanh vào giai đoạn giá mủ cao su cao, các doanh nghiệp và đặc biệt là các hộ trồng cao su sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn về thị trường trong thời gian tới. Đây rõ ràng là vấn đề chung của toàn ngành cao su chứ không riêng gì Tây Bắc. Tuy nhiên, với những diện tích rừng cao su còn “non”, ít hoặc thậm chí chưa thể đem lại lợi ích kinh tế như ở Tây Bắc, những khó khăn trong cuộc sống tác động rất lớn tới các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống cho người dân.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết, trước tình hình giá mủ cao su giảm, các địa phương chủ trương không trồng diện tích mới để tập trung chăm sóc, bảo vệ vườn cây cũ và tiến hành cạo mủ. Dù biết Công ty CP Cao su Sơn La nói riêng và Tổng công ty Cao su Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, nhưng đã hứa với dân thì phải nghĩ cách để cạo mủ đại trà, giúp bà con có thu nhập, ổn định đời sống.

Việt Nam đã trở thành một trong năm quốc gia hàng đầu trên thế giới về lượng cao su tự nhiên xuất khẩu. Đến hết 2012, diện tích cao su của cả nước đạt 910.500ha và hiện diện tích vẫn đang tiếp tục được mở rộng, không chỉ là ở trong nước mà còn cả ở một số nước lân cận như Lào, Campuchia. Diện tích hiện tại đã vượt xa con số 800.000ha, là con số đề ra trong Chiến lược Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt năm 2009.

Trao đổi với phóng viên, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững Việt Nam khẳng định, cần bàn thảo những quyết sách rõ ràng và nhanh chóng để đảm bảo lâu dài cho đời sống của đồng bào Tây Bắc: “Cao su là cây công nghiệp dài ngày, có nguồn gốc nhiệt đới, muốn biết được kết quả, nông dân đã phải đợi sau 5 – 7 năm cây mới ra mủ. Tuy nhiên, sau 10 năm, lượng mủ không đạt 1 tấn/ha thì đã nhìn thấy loại cây này không đạt về lợi ích kinh tế ở Tây Bắc. Có thể nói, với các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Sơn La, nhiều diện tích rừng cao su hiện nay chỉ có thể coi là rừng phòng hộ, giữ đất chứ không thể khai thác mủ thương mại. Đã đến lúc cần có những bàn thảo thật cụ thể giữa địa phương và người dân với sự đóng góp của các nhà khoa học để tìm ra hướng giải quyết những khó khăn trong đời sống cho người dân và định hướng an sinh xã hội lâu dài”.

Trên cơ sở những khảo sát thực tế mô hình người dân góp đất trồng cao su trong 10 năm cao su “về với” Tây Bắc, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia nghiên cứu về rừng của Tổ chức Forest Trends tại Việt Nam cũng kiến nghị: Cần có đánh giá toàn diện về mô hình góp đất trồng cao su hiện nay trên cả ba phương diện kinh tế, xã hội và môi trường như yêu cầu của Thủ tướng trong Quyết định 990/QĐ-TTg. Các kết quả đánh giá này nên được thực hiện liên tục, với kết quả nên được sử dụng bởi các cơ quan quản lý để làm nền cho việc xác định chiến lược giúp các hộ giảm thiểu rủi ro mà thị trường có thể đem lại.

Ông Tô Xuân Phúc trăn trở: “Thị trường thế giới hiện nay “cung lớn hơn cầu” khiến mức giá xuất khẩu khó có thể tăng trở lại cho đến năm 2030. Với thông tin này, chúng ta không thể kỳ vọng mô hình góp đất trồng cao su sẽ có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các bên tham gia mô hình. Điều này đòi hỏi Chính quyền từ Trung ướng đến địa phương, Công ty và Tập đoàn Cao su cần có những giải pháp cấp bách để giảm khó khăn cho bà con tham gia mô hình. Các cơ quan quản lý cần rà soát toàn bộ hiện trạng sử dụng đất trong mô hình cũng như nguồn đất canh tác còn lại của các hộ. Kết quả của rà soát sẽ giúp cho việc xác định các vấn đề có thể là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến các mâu thuẫn về đất đai và bất ổn xã hội trong tương lai để từ đó có giải pháp tháo gỡ. Đối thoại mở với sự tham gia của cả công ty, người dân tham gia mô hình và chính quyền địa phương cần được tiến hành, từ đó đưa ra các hướng, các giải pháp với sự đồng thuận của tất cả các bên”.

Cũng đồng tình với ý kiến phải tìm hướng giải quyết ngay để ổn định đời sống người dân, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên – Môi trường chia sẻ: “Khi vận động các hộ tham gia góp đất, chính quyền xã và công ty đã đưa ra những lời hứa về hiệu quả của mô hình đối với người dân góp đất, cũng như những hỗ trợ đối với người dân nhằm đảm bảo họ tham gia mô hình ổn định. Hiện tại, mô hình không hiệu quả và người dân cảm thấy bị bỏ rơi. Vì vậy, ở giai đoạn hiện tại, dù doanh nghiệp có thất thu thì cũng không để người dân phải chịu rủi ro”.

Vì thế theo GS Đặng Hùng Võ, cách duy nhất hiện nay để tháo gỡ vấn đề là hai bên cùng nhau điều chỉnh hợp đồng dưới sự giám sát của chính quyền. Trước đây, người dân đã tự nguyện góp đất để trồng cao su, giờ không đạt kết quả như mong muốn thì hai bên phải ngồi lại để bàn cách xử lý. Chính quyền tham gia cùng công ty cao su đối thoại trực tiếp với người dân để khắc phục, sao cho cuộc sống của người dân được đảm bảo tốt nhất.

Trong khi đó, Báo cáo “Ngành cao su Việt Nam về Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững” – sản phẩm hợp tác nghiên cứu của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) và Tổ chức Forest Trends – cũng đưa ra các giải pháp về khía cạnh chính sách để ngành cao su phát triển bền vững trong hội nhập, vượt qua những khó khăn về thị trường. Trong đó có hai giải pháp là: Xây dựng thương hiệu ngành cao su Việt Nam, thông qua Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” được Hiệp hội Cao su Việt Nam; Thực hiện cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo việc kiểm định mang tính chất độc lập và đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm cung ra thị trường.

Cùng với đó, ngành cao su cũng cần có những bước đi chuyển dịch hiệu quả để tái cơ cấu chuỗi cung, từ việc tập trung vào xuất khẩu các sản phẩm thô sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, và quan tâm phát triển thị trường nội địa. Thực hiện các bước này sẽ góp phần giảm rủi ro cho ngành, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập thị trường, thúc đẩy ngành cao su phát triển bền vững trong tương lai.

Có thể thấy, cho đến lúc này, khi chưa có một nghiên cứu thật cụ thể về tính bền vững của cây cao su tại Tây Bắc như yêu cầu của Thủ tướng trong Quyết định 990/QĐ-TTg, rất khó có thể đưa ra hướng giải quyết rốt ráo. Tuy vậy, việc cùng tìm ra cách khắc phục những khó khăn hiện đang gặp phải của người dân để ổn định an sinh, đản bảo cuộc sống của đồng bào dân tộc là việc phải làm ngay, không thể để kéo dài tình trạng người dân Tây Bắc mỏi mòn chờ dòng “vàng trắng” khơi nguồn.