Ngày 8/4, các bộ trưởng đến từ hơn 30 nước đang phát triển hối thúc chính phủ những nước phát triển tăng cường đóng góp cho những nguồn quỹ tài trợ các dự án chống biến đổi khí hậu trong bối cảnh cạnh tranh để nhận nguồn tài trợ hạn chế dự kiến gia tăng trong năm nay.
Được thành lập năm 2008, Quỹ đầu tư khí hậu (CIF) với trị giá 8,3 tỷ USD, hiện là công cụ tài chính đa phương lớn nhất thế giới, giúp các nước đang phát triển hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, người đứng đầu CIF Mafalda Duarte cho biết sau 10 năm hoạt động, quỹ này có nguy cơ cạn kiệt trong năm nay khi chưa nhận được khoản đóng góp mới nào kể từ năm 2014 và các khoản cam kết chưa đầy 1 tỷ USD.
Trong một tuyên bố, bộ trưởng của 33 chính phủ, trong đó có các nước Bangladesh, Colombia, Ai Cập, Kenya, Liberia và Ukraine, nêu bật những thành tựu của 300 dự án được CIF hỗ trợ tại 72 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các dự án đang tạo ra nguồn năng lượng sạch với công suất 26,5 gigawatt, cung cấp năng lượng cho 8,5 triệu người, hỗ trợ 45 triệu người ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý 36 triệu hécta rừng bền vững hơn. Từ đó, các bộ trưởng nhấn mạnh cần duy trì mô hình CIF như là thành phần then chốt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
CIF không phải là nhà tài trợ lớn duy nhất đang “khát” khoản đóng góp mới trong năm nay cho hoạt động chống biến đổi khí hậu. Quỹ Khí hậu xanh (GCF) với trị giá nhiều tỷ USD cũng đang tích cực kêu gọi các nhà tài trợ tăng thêm nguồn đóng góp.
Cuối tuần qua, GCF đã tổ chức hội nghị tại Oslo, Na Uy với sự tham dự của 27 nhà tài trợ tiềm năng nhằm hối thúc các nước giàu “bơm” thêm tiền cho quỹ. Chính phủ các nước Na Uy và Đức tuyên bố sẽ tăng gấp đôi các khoản đóng góp.
Trong một thông điệp bằng video gửi tới hội nghị trên, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết GCF cần trở nên lớn mạnh và đóng vai trò quyết định hơn trong việc hỗ trợ hành động chống biến đổi khí hậu. Ông Guterres kêu gọi các nước thể hiện cam kết toàn cầu, theo đó hỗ trợ tài chính cần thiết theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 nhằm hạn chế tình trạng Trái Đất nóng lên.
Năm 2014, GCF đã nhận được cam kết đóng góp tổng cộng hơn 10 tỷ USD từ một số nước phát triển. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối chuyển 2/3 số tiền 3 tỷ USD mà chính quyền Mỹ cam kết ban đầu cho quỹ trong khi tỷ giá hối đoái dao động đã khiến quỹ giảm thêm khoảng 1 tỷ USD tiền mặt có thể huy động.
Chuyên gia tài chính Joe Thwaites thuộc Viện Tài nguyên thế giới tại Washington cho biết hàng loạt quỹ quốc tế về biến đổi khí hậu đã được thành lập trong vài thập kỷ qua nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, ông cho rằng với những nước giàu hạn chế “rót tiền” vào những quỹ trên, họ lo ngại số tiền bỏ ra có thể quá ít ỏi để tạo nên sự khác biệt lớn. Theo chuyên gia này, các nước trên thế giới cần phải tìm cách phân bổ nguồn tài chính để hỗ trợ triển khai hiệu quả Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.