Vùng biển, đảo Quảng Trị hiện có đến năm trong số bảy loài rùa quý hiếm của thế giới có tên trong Sách đỏ, sinh sống. Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đang tìm mọi cách bảo vệ những con rùa quý hiếm như báu vật của đại dương trước nguy cơ tuyệt chủng trên toàn thế giới.
Hạnh phúc của người cứu hộ rùa
“Anh ơi, em đang cứu hộ rùa biển ở Cửa Tùng”. Nghe kỹ sư Trần Khương Cảnh gọi điện thông báo, tôi tức tốc lên xe vượt qua 40 km trên đường quốc phòng ven biển kịp có mặt ở làng Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, đoạn cuối của con sông Bến Hải, để cùng tham gia cứu hộ rùa. Mồ hôi trên khuôn mặt nhễ nhại giữa trưa nắng, nhưng anh Cảnh vô cùng hạnh phúc khi cứu được con rùa quý hiếm. Ôm con rùa vào lòng, lật sang trái, sang phải tìm xem nó có lành lặn không. Bỗng nhiên vẻ mặt anh Cảnh bất ngờ vì phát hiện trước đó một tháng anh và đồng nghiệp đã từng cứu hộ con rùa này tại bờ biển cách vị trí này chừng 30 km về phía nam và gắn thẻ định danh VN(C)00182. Thì ra con rùa này lang thang theo đàn sứa để kiếm ăn và vô tình bơi ngược dòng vào Cửa Tùng lên sông Bến Hải tới hơn 2 km rồi bị mắc vào lưới của ngư dân đánh cá. Sau một tháng, chú rùa đã tăng từ 12 kg lên 13,7 kg. Ðấy là lần đầu tiên anh Cảnh và đồng nghiệp cứu hộ hai lần cho một cá thể rùa. Con rùa này đã vô cùng may mắn, tuy lọt vào vùng chưa có các tình nguyện viên, nhưng lại được người dân kịp thời báo cho khu bảo tồn để cứu hộ, thả về biển an toàn.
Anh Cảnh kể lại, thú vị nhất là có lần cứu hộ rùa ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh. Ngư dân Nguyễn Văn Ðoàn ở thôn Bắc Sơn khi đang khai thác nghề lưới mức cách bờ khoảng một hải lý, phát hiện con rùa vô tình mắc vào lưới, nặng 12 kg và đã lập tức thông báo cho cơ quan chức năng. Ngày thả rùa về biển, anh Ðoàn xin đội cứu hộ cho người con trai của mình được tham gia cùng và xem đó như một bài học giáo dục môi trường cho con. Nghe anh Ðoàn đề đạt nguyện vọng quá chính đáng, Ban quản lý Khu bảo tồn đã trân trọng mời con trai anh Ðoàn đưa con rùa thả lại biển. Khi bơi ra biển, con rùa kịp ngoái đầu ba lần nhìn vào bờ như muốn cảm ơn. Còn cháu bé thì sung sướng bảo rằng, từ nay cháu rất muốn được tham gia bảo vệ rùa cùng các chú, các bác.
Rong ruổi suốt từ tháng này sang tháng khác đi cứu hộ rùa, anh Cảnh nhớ nhất là ngày cuối năm 2018, hai anh em ngư dân Nguyễn Văn Thoàn và Nguyễn Văn Ðải ở thôn Bắc Sơn, xã Trung Giang phát hiện cùng lúc hai con rùa mắc vào lưới, có trọng lượng lần lượt 9 và 10 kg. Hai ngư dân liền chụp hình, đo kích cỡ của rùa gửi về Ban quản lý Khu bảo tồn để báo cáo và quyết định tạm thời không tiếp tục đánh cá nữa, cho tàu chạy nhanh vào bờ để kịp bàn giao rùa cho Ban quản lý gắn thẻ định danh, cứu hộ. Ðây là lần đầu tiên Ban cứu hộ cùng lúc hai con rùa đi cùng nhau, chuyện này rất khó xảy ra do rùa chủ yếu bơi và kiếm ăn một mình. Theo kết quả nghiên cứu của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cứ 1.000 con rùa từ khi ra đời cho đến khi trưởng thành thì chỉ sống sót một con. Vì vừa ra đời rùa con bơi ra biển kiếm ăn, sinh sống, phải đối mặt biết bao nhiêu địch hại để tồn tại và chúng đã trở thành mồi ngon của các loài khác. Việc hai con rùa cùng đi kiếm thức ăn với nhau cho thấy môi trường biển ở Quảng Trị được loài rùa chọn để sinh trưởng, phát triển.
Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ được thành lập 10 năm trước, có nhiệm vụ bảo tồn sinh cảnh khu vực biển đảo, trong đó có nội dung bảo vệ rùa quý hiếm. Biển Việt Nam có năm loài rùa được chia thành hai họ chính, là họ vích gồm vích, đồi mồi, đồi mồi dứa, quản đồng và họ rùa da, chỉ có một loài rùa da. Trong năm loài rùa quý hiếm nêu trên, có hai loài quý nhất là đồi mồi và rùa da thì chủ yếu chỉ sinh sống ở vùng biển đảo Quảng Trị. Có lần một con rùa da nặng 450 kg vào đẻ ở bờ biển thôn Một, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong. Phát hiện loài rùa to, lạ, người dân lật ngửa, không cho con rùa tiếp tục bò đi và chuẩn bị mổ thịt. Rất may, có một người dân kịp thời báo cơ quan chức năng đến giải cứu. Khi có mặt, cơ quan chức năng phát hiện con rùa bị thương nhẹ trong quá trình giằng co với con người để bảo vệ sự sống cho nên phải tiến hành cấp cứu vết thương trước khi thả về lại biển an toàn. Ðây là con rùa có trọng lượng lớn nhất tại Quảng Trị được Khu bảo tồn cứu hộ. Nhớ lại chuyện cũ này, anh Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ cho biết, nếu chậm chân chút nữa chắc con rùa da chẳng còn cơ hội trở về với biển. Gần đây nhất, năm 2014, tại vùng bờ biển thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, các tình nguyện viên phát hiện con rùa da nặng hơn 300 kg đẻ được 132 quả trứng. Ngay lập tức, Ban quản lý phân công bốn tình nguyện viên thay nhau canh gác bảo vệ ổ trứng trong hơn hai tháng trời. Nhiều nhà khoa học nước ngoài tìm về Hải Khê nghiên cứu, đáng tiếc là sau đó toàn bộ số trứng rùa bị hỏng, không thể nở.
Việc rùa xuất hiện liên tục tại vùng biển Quảng Trị, theo anh Hòa, ngoài việc Ban quản lý chủ động tuyên truyền, vận động người dân góp sức bảo vệ rùa thì còn chứng tỏ môi trường biển của Quảng Trị đã trở lại bình thường sau sự cố ô nhiễm vào năm 2016. Các nhà khoa học gọi rùa biển là động vật chỉ thị môi trường. Ở đâu có rùa sinh sống là ở đó có môi trường biển trong sạch, ít ô nhiễm và ít có tác động của con người. Từ đầu năm 2018 đến nay, có 26 con rùa vô tình mắc vào lưới ngư dân và được cứu hộ thả trở lại biển an toàn. Biển đảo Cồn Cỏ hiện là nơi sinh sống rất tốt cho rùa, nhất là hai khu vực có rạn san hô, rong cỏ quanh đảo Cồn Cỏ và vùng bãi ngang từ thị trấn Cửa Tùng ngược ra phía bắc đến xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh), cách bờ khoảng 5 km có rạn đá ngầm nên rùa rất thích sinh sống vì có nhiều thức ăn.
Ước mơ có một bãi biển cho rùa sinh sản
Bảo tồn rùa biển có nhiều nội dung như tuyên truyền ngư dân cùng tham gia bảo vệ, cứu hộ rùa thả về môi trường biển và điều tra, bảo vệ bãi rùa sinh sản. Nhờ sự giúp đỡ của Chương trình bảo tồn rùa biển của IUCN tại Việt Nam, Quảng Trị có nhiều tiến bộ về công tác này. Trở về sau một đêm điều tra bãi sinh sản của rùa, anh Nguyễn Văn Hòa không giấu được nỗi lo âu. Trước đây, đến mùa sinh sản từ tháng 3 đến tháng 8 rùa lên bãi rất đông, nghe rõ tiếng rùa đào hang để đẻ trứng và thở phì phò. Bây giờ do con người nuôi tôm ven biển, phát triển du lịch, xây dựng cho nên không còn chốn yên tĩnh để rùa chọn làm nơi sinh sản. Ban quản lý khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đi điều tra nhiều đêm không phát hiện được rùa lên bờ làm tổ. Ðiều anh Hòa lo lắng nhất là chung quanh đảo Cồn Cỏ đã bị xây kè bảo vệ cho nên không còn là nơi sinh sản lý tưởng cho rùa. Loài rùa ứng xử với thiên nhiên rất đặc biệt, chỉ lên bờ sinh sản khi trời sắp có mưa dông và sau khi đẻ xong thì trời sẽ mưa, nước mưa xóa đi dấu chân rùa trên bãi cát cho nên ngụy trang và tránh được các địch hại chuyên rình tiêu diệt trứng rùa và rùa mẹ. Kỳ diệu hơn, cho đến khi trưởng thành con rùa vẫn luôn tìm về nơi sinh cảnh ban đầu nó được sinh ra để làm tổ đẻ trứng.
Anh Hòa cho biết: Trước đây, rùa biển phân bố hầu hết các vùng biển từ bắc đến nam, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân hiện chúng chỉ còn được tìm thấy ở một số khu vực Quảng Ninh, Quảng Trị, từ Quảng Nam đến Phú Quốc có số lượng rất ít. Rùa biển là loài động vật chỉ thị môi trường, đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của hệ sinh thái biển, có giá trị không thể đong đếm được về mặt văn hóa. Thí dụ, loài rùa da như Quảng Trị phát hiện được ở các xã Triệu Lăng và Hải Khê, nặng từ 300 đến 450 kg, di chuyển xa nhất, lặn sâu nhất và thích ăn sứa biển. Do đó rùa da giúp kiểm soát được lượng sứa trong tự nhiên, tạo điều kiện cho trứng cá và cá con, thức ăn chủ yếu của sứa, có cơ hội phát triển. Nếu số lượng rùa giảm sẽ là cơ hội phát triển của sứa và khi đó sẽ giảm số lượng cá trong tự nhiên.
Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ cần đến 18 vị trí việc làm, đến nay sau 10 năm thành lập mới có được bảy người, do đó mỗi cán bộ của ban phải hoạt động gấp đôi công suất mới hoàn thành công việc. Khi tôi hỏi ước mơ lớn nhất của anh là gì, không ngần ngại anh Hòa liền chỉ tay về phía bờ biển xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh) và xã Gio Hải (huyện Gio Linh) và nói: Ước rằng tỉnh Quảng Trị quan tâm, sớm quy hoạch một trong hai vị trí trên bãi sinh sản cho rùa để góp phần bảo tồn đa dạng, bài bản hơn. Khi đó có thể xin chuyển vị trứng rùa từ các khu bảo tồn lớn khác về bảo vệ, nuôi trứng nở con, để 30 năm sau rùa lại quay về nơi ra đời đầu tiên sinh sản.