Xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn là chủ trương đúng đắn để tạo sự đột phá cho ngành nông nghiệp nhưng vì nhiều lý do nên ban đầu triển khai rầm rộ, về sau giảm dần diện tích.
Mô hình cánh đồng lớn (CĐL – trước đây gọi là “cánh đồng mẫu lớn”) là sự hợp tác, liên kết giữa nông nghiệp với nông dân, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chủ trương thí điểm tại các tỉnh ĐBSCL lần đầu tiên là trong vụ hè thu năm 2011.
Quá nhiều cái lợi
Ở mô hình thí điểm này, diện tích CĐL khoảng 8.000 ha. Sang vụ đông xuân 2011-2012, diện tích CĐL đạt gần 20.000 ha, vụ hè thu 2012 là 26.000 ha, tăng hơn 3 lần so với vụ hè thu 2011. Đến năm 2014, tổng diện tích sản xuất của mô hình CĐL ở ĐBSCL đạt 146.000 ha, đến năm 2015 lên khoảng 196.000 ha.
Đồng Tháp là tỉnh thuần nông với sản lượng lúa đứng tốp đầu ở ĐBSCL. Tuy nhiên, đời sống nông dân vẫn rất bấp bênh bởi liên tục “được mùa, mất giá” và ngược lại. Thấy được lợi ích của sản xuất tập trung có thể mang lại chuỗi giá trị mới cho ngành nông nghiệp nên từ năm 2004, Đồng Tháp đã triển khai những CĐL hiện đại, nhờ đó, trình độ nhận thức và kỹ thuật sản xuất của xã viên trong các HTX được nâng cao, việc áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng ngày càng nhiều, năng suất và chất lượng lúa gạo ngày càng tăng.
Điển hình như nông dân Nguyễn Văn Khanh (49 tuổi; ngụ xã Phú Cường, huyện Tam Nông). Năm 2005, ông lập gia đình, ba mẹ chia cho mỗi người con 10 ha đất ruộng để làm ăn riêng. Ông Khanh đề nghị người thân trong nhà cho ông thuê lại toàn bộ diện tích để tạo cánh đồng liên kết, canh tác lúa tập trung. Sau khi được giao 80 ha đất, để chủ động trong việc áp dụng kỹ thuật, giảm giá thành, ông đầu tư hơn 5 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị máy móc gồm: 2 máy cày, 2 máy xới, 2 máy gặt đập liên hợp, 2 máy Kobe, 4 máy bơm điện, lò sấy 20 tấn, xây dựng kho chứa lúa 400 tấn. “Tôi khẳng định kinh doanh có thể làm giàu thì làm nông nghiệp cũng giàu, nếu chúng ta có kiến thức, sản xuất bài bản và liên kết đồng ruộng” – ông Khanh quả quyết.
Thực hiện CĐL, cán bộ kỹ thuật luôn bám sát đồng ruộng, hướng dẫn nông dân cặn kẽ việc sử dụng các giống lúa chất lượng cao, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, hướng dẫn nông dân ghi chép tình hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP… Đặc biệt, nông dân không còn lo đầu ra, bị thương lái ép giá bởi được doanh nghiệp (DN) bảo đảm bao tiêu sản phẩm xuất khẩu.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, xây dựng CĐL chính là tạo mối liên kết chặt chẽ giữa đầu vào cho sản xuất và đầu ra cho sản phẩm chất lượng cao, ổn định giữa các HTX và DN; đồng thời giúp nông dân an tâm và hợp tác sản xuất hoạt động có hiệu quả. Tổ chức sản xuất với quy mô lớn tập trung mang tính khoa học cao, ứng dụng cơ giới hóa vào trồng lúa từ khâu gieo sạ đến thu hoạch nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng lúa gạo.
Chậm phát triển vì thiếu vốn, thiếu niềm tin
Hiệu quả thiết thực của mô hình CĐL là thế nhưng những năm gần đây, diện tích CĐL phát triển chậm lại, không còn tăng trưởng nhanh như những năm trước. Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, vụ đông xuân 2017-2018 ở ĐBSCL, tổng diện tích lúa sản xuất theo mô hình CĐL chỉ đạt 170.000 ha, chiếm hơn 10% tổng diện tích sản xuất lúa trong vụ đông xuân 2017-2018 (khoảng 1,68 triệu ha)
Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, cho biết trong vụ đông xuân 2018-2019, đơn vị này đã thực hiện được 5 mô hình CĐL (khoảng 2.237 ha) liên kết giữa DN với các HTX. Ngoài ra, nông dân trong tỉnh còn liên kết DN canh tác 22 CĐL với gần 20.000 ha. Như vậy, so với con số hơn 289.000 ha lúa đã xuống giống trong vụ này thì diện tích liên kết theo mô hình CĐL còn quá bé.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), đánh giá: “Mô hình CĐL là chủ trương đúng đắn của Chính phủ và Bộ NN-PTNT; là mô hình sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị rất hữu hiệu nhưng những năm gần đây ít được mở rộng do DN thiếu vốn, ngân hàng không cho vay hoặc cho vay rất ít. Lúc đầu, diện tích CĐL của công ty khoảng 8.000 ha nhưng nay chỉ còn khoảng 5.000 ha”. Ông Bình cho rằng cơ chế chính sách đã có nhưng ngân hàng lại không tham gia, ngành hàng lúa gạo ít được ngân hàng chú ý, thậm chí có khi còn tránh né.
Ông Nguyễn Văn Hinh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, nhìn nhận dù nhiều nông dân đã nhận thức được lợi ích và hiệu quả từ mô hình CĐL nhưng chưa thật sự tin tưởng nên còn dè dặt. Chính việc sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ nên rất dễ gặp rủi ro mỗi khi thị trường tiêu thụ có biến động bất lợi. Nông dân vẫn chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật của DN đưa ra, gây khó khăn và ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ của DN nên dẫn đến việc mở rộng diện tích qua các năm còn hạn chế.
Nông dân phải bắt tay doanh nghiệp
GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho rằng các DN luôn muốn có vùng lúa nguyên liệu lớn với cùng một loại giống để phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Do vậy, người trồng lúa cũng nên thay đổi tư duy làm ăn nhỏ lẻ sang hợp tác với các DN để vừa được cung ứng vật tư đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cả đầu ra ổn định cho sản phẩm bằng các hợp đồng được liên kết. Thậm chí, các DN còn đầu tư hệ thống thủy lợi khoa học để giúp tăng năng suất cũng như chất lượng theo nhu cầu thị trường xuất khẩu. |