Việc quản lý, sử dụng than “vô tội vạ” như một thứ tài nguyên có thể tái tạo không chỉ gây thất thoát than, lãng phí tài nguyên, làm suy giảm ngân sách của quốc gia mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh của người dân vùng mỏ.
Thực trạng dòng suối quanh năm đầy ắp “bùn than” chảy ra từ khu vực khai thác “vàng đen” của các mỏ than Cọc 6, Đèo Nai, Cao Sơn (thuộc TKV) qua khu dân sinh rồi đổ ra vịnh Bái Tử Long tại thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh là minh chứng có hồn nhất cho thấy điều này.
Ngay giữa thành phố Cẩm Phả có một con suối kỳ lạ có tên là “suối hóa chất.” Dòng suối này có chức năng tiêu nước lũ cho 3 mỏ lộ thiên của ngành than (gồm Cao Sơn, Đèo Nai và Cọc Sáu). Vì thế, cứ mỗi khi mưa xuống, thủy triều lên, con suối dài gần 2 km chạy qua hai phường Cẩm Phú và Cẩm Sơn, thành phố Cẩm Phả lại chất chứa đầy bùn than, nước đen như mực.
Hỏi người dân nơi đây, hầu như ai cũng biết và kể hàng năm mỗi khi mưa xuống, nước mưa lại cuốn theo dòng than trên các khai trường đổ xuống suối trở thành “phù sa” nuôi sống không ít người hành nghề đãi “vàng đen.” Nhiều người coi thứ tài nguyên này là “lộc trời cho,” nên đã dùng máng, máy bơm, máy xúc, thậm chí xô, chậu xuống suối múc than như công việc hàng ngày. Có thời điểm “lộc trời” tràn xuống suối quá nhiều, người đi múc than cũng đông như trảy hội, thậm chí lên tới cả vài trăm người, tập trung ở các khu vực đầu nguồn gần các mỏ than bất chấp cả việc đã có trường hợp tử vong trong lúc vớt “lộc.”
Đơn cử như đợt mưa lũ lịch sử hồi giữa năm 2015 đã cuốn trôi nhiều bãi chứa than của các công ty than Cọc 6, Mông Dương, Cao Sơn, đặt tại phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả khiến hàng nghìn mét khối than đá, than cám đổ xuống suối và theo dòng nước xiết trôi ra biển…
Ngay giữa thành phố Cẩm Phả có một con suối kỳ lạ có tên là “suối hóa chất.”
Được biết, thời gian gần đây phường đã tuyên truyền để người dân hạn chế đi vớt than, bên dòng suối than đã được dựng những tấm bê tông khắc rõ dòng chữ “cấm hút than,” nhưng hiện tượng này vẫn còn khá rầm rộ. Điều này nhóm phóng viên chúng tôi đã tận mắt chứng kiến khi có mặt tại đây vào những ngày cuối tháng 12/2018 và tháng 2/2019.
Tại dòng suối hóa chất, khu vực giáp ranh giữa hai phường Cẩm Phú và Cẩm Sơn. Mặc dù số người dân lao xuống suối vớt than thì không nhiều, nhưng thay vào đó, số lượng các máy hút than được lắp đặt giữa dòng “suối than” đen như mực thì san sát. Phía hai bên bờ là những “ao than” được be để chứa than bùn, đợi than khô đưa lên xe vận chuyển đi tiêu thụ. Mỗi khi thủy triều xuống, dòng suối hóa chất chứa “lộc trời” này lại “phơi mình” cùng hàng chục cái ao lớn, nhỏ được đắp vuông vắn nhìn y như những thửa ruộng muối, chỉ khác là trong “ruộng” chứa đầy than bùn.
Thực trạng “vàng đen” từ khu vực khai thác của các mỏ than trên địa bàn Cẩm Phả trôi xuống dòng suối, rồi người dân đổ xô đi vớt như một thứ “lộc trời” nêu trên không chỉ gây thất thoát tài nguyên của quốc gia, bộc lộ những “lỗ hổng” trong trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, mà còn tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng người dân, đến các vấn đề an sinh xã hội, môi trường nhưng đang chưa được chính quyền địa phương nhận thức đúng.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Lâm Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Cẩm Phú cho rằng “việc than trôi xuống suối nếu không khai thác để chảy ra biển cũng là lãng phí…” Khẳng định là vậy, nhưng khi phóng viên đề cập đến vai trò của chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự tại địa bàn, nhất là khi đã có trường hợp người đi vớt than bị tử nạn, ông Dũng lại phân bua: “Những năm trước vào mùa mưa thì từ mỏ nó chảy xuống, người dân có tận thu, còn năm nay có thể nói là tuyệt đối không có tình trạng mưa gió người dân nhảy xuống vớt than nữa. Thi thoảng nước biển dâng lên, có thể họ hút bùn dưới suối lên để đóng than thôi.”
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Cẩm Phú cho rằng “việc than trôi xuống suối nếu không khai thác để chảy ra biển cũng là lãng phí…”
Tuy nhiên, khi chúng tôi thông tin về việc nhiều máy hút than từ dưới suối với công suất lớn vẫn hoạt động trong suốt những ngày qua thì ông Dũng lại nói: “Các cơ sở xung quanh, phường cả công an, quân sự tiến hành kiểm tra suốt nhưng chúng tôi chưa xử lý được biên bản. Mỗi tháng đích thân Chủ tịch đi kiểm tra 3 đêm và trực ba buổi vì vậy về quản lý nhà nước thì rất yên tâm, không có bến bãi trái phép gì cả. Như tại cụm công nghiệp 10/10 tỉnh và thành phố vừa kiểm tra xong, từ đất cát đến bến bãi đều ‘sạch tinh.’”
“Tình trạng hút than, múc than dưới suối lên đều đã bị ngăn chặn rồi,” ông Dũng khẳng định chắc chắn như đinh đóng cột.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Cẩm Phú phụ trách môi trường cho biết: “Các hệ thống nước thải của các mỏ muốn thải ra môi trường phải xử lý trước khi thải ra môi trường. Đặc biệt năm 2018, Quảng Ninh có chủ đề nâng cao chất lượng môi trường, theo đó, phường Cẩm Phú được thành phố và tỉnh khen làm tốt công tác môi trường, giờ không còn hút than đâu.”
Không những chối bỏ hoạt động bốc, hút than “vô tội vạ” trên dòng suối hóa chất, ông Quân còn “khóc thay” cho các điểm tập kết xít, than rằng: “Người ta làm khổ nhục lắm, làm được cân than thì nhảy xuống nước ngập đến tận cổ. Về nguyên tắc nghiêm cấm toàn bộ không có bến bãi chế biến, chứ bây giờ cho ra biển mà sục rất nhiều than,” Phó chủ tịch Cẩm Phú nói.
“Người ta làm khổ nhục lắm, làm được cân than thì nhảy xuống nước ngập đến tận cổ. Về nguyên tắc nghiêm cấm toàn bộ không có bến bãi chế biến, chứ bây giờ cho ra biển mà sục rất nhiều than…”
Trong khi đó, trao đổi với phía doanh nghiệp, một cán bộ Văn phòng Công ty Cổ phần than Cọc 6 – TKV cho biết, Công ty đã cải tạo khu vực khai thác, bãi thải nhiều lần rồi, đồng thời đã hạn chế tới mức tối đa để khi nước mưa xuống than không bị chảy ra ngoài như những năm trước đây nữa.
“Cách đây hơn 10 năm, hiện tượng người dân nhảy xuống mương, suối xúc than là có, còn 5-7 năm gần đây không có nữa. Nếu còn thì qua hệ thống nước mình bơm từ moong nó chảy vào khu xử lý nước thải của công ty rồi thải ra cũng chỉ còn một ít. Đó gọi là mương hóa chất, nước sau khi qua xử lý mới xả theo suối chảy ra vịnh Bái Tử Long,” vị cán bộ Văn phòng Công ty Cổ phần than Cọc 6 nói. Tuy nhiên, khi nhóm phóng viên đề nghị được tới xem khu xử lý nước thải để đảm bảo rằng “nước sau khi qua xử lý mới xả theo suối chảy ra vịnh Bái Tử Long” thì cán bộ văn phòng của Công ty cổ phần than Cọc 6 lại đưa ra lý do “khu xử lý nước do bộ phận khác quản lý, nếu muốn xem thì phải liên hệ lên trên tập đoàn.”
Để rõ hơn về công tác quản lý than, cũng như các biện pháp giảm thất thoát nguồn than mỗi khi xảy mưa lũ, có thể dẫn tới các sự cố trôi “lộc trời” nêu trên, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã nhiều lần đề nghị được gặp trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Công ty cổ phần than Cọc 6, nhưng câu trả lời chúng tôi nhận được luôn là “lịch của lãnh đạo đã kín hết, không thể sắp xếp được.”
Theo “quy trình” của những người vớt “lộc trời,” than sau khi được hút từ dưới suối lên sẽ được máy xúc bốc lên ôtô tải chở đến những điểm tuyển rửa than trái phép để bán, hoặc bán cho những cơ sở đốt gạch…
Ngoài ra, dọc hai bên suối có hàng chục hộ gia đình làm nghề đóng than hoa, và thu gom lại để đem bán cho những cơ sở thu mua lớn. Tuy nhiên, trong quá trình ghi nhận thực tế trên địa bàn hai phường Cẩm Phú và Cẩm Thịnh, nhóm phóng viên còn nhận thấy ở nhiều điểm tập kết và những khu xưởng chế biến than dọc đường chính vào các khu mỏ than trên địa bàn, nguồn than không chỉ được lấy từ tình trạng than bùn trôi, vớt, hút trái phép từ dòng suối hóa chất trên mà còn có rất nhiều than củ, than cám.
Thông thường những điểm tập kết này được quây bạt kín cổng, khi đã tập kết đủ than thì đóng cửa cho xe tải có thùng kín vào chở đi khắp nơi tiêu thụ. Trong quá trình tìm hiểu, nhóm phóng viên được một “trùm” than lậu trên địa bàn thành phố Cẩm Phả tiết lộ rằng nguồn than này được “lấy từ các mỏ than trên địa bàn…”.