Lần theo những tiết lộ động trời của các phu than về việc “ăn dơ,” thông đồng giữa bảo vệ với người mót than, nhóm phóng viên đã tiếp cận được rất nhiều xe tải chở than từ các điểm tập kết “vàng đen” quanh mỏ than Khánh Hòa để đưa đi tiêu thụ tại các nhà máy gạch, bệnh viện, trang trại chăn nuôi… Hoạt động mua bán, vận chuyển than tại đây diễn ra công khai, nên cũng chẳng cần đến hóa đơn chứng từ.
Điều bất ngờ hơn là, có trường hợp trưởng thôn còn khẳng định như đinh đóng cột tới 4-5 lần rằng đã “bắt tay” với lãnh đạo Mỏ than Khánh Hòa để mỗi tháng “tuồn” cả ngàn tấn than ra ngoài bằng “xuất ngoại giao.” Thậm chí, vị này còn vỗ ngực khoe rằng: “Hàng của tôi là vô biên, hai bãi than làm mười năm nay chưa hết.”
Sau nhiều ngày tiếp cận “thiên đường than lậu” giữa thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi quyết định theo chân những chiếc “xe ma” chở than lậu đang vào “ăn hàng” tại các điểm tập kết than ở xung quanh Mỏ than Khánh Hòa, rồi chờ “giờ đẹp” (từ 12 giờ trưa đến 14 giờ chiều) rẽ đi các ngả đường khác nhau.
Theo đó, khoảng 10 giờ sáng 14/12, đi qua moong khai thác của Mỏ than Khánh Hòa, tại địa phận xã Phúc Hà, chúng tôi phát hiện hai xe ôtô tải mang biển kiểm soát 20C-04490 và xe 20L-7438 đang chuyển than cục lên thùng xe. Dù xe đã đầy than nhưng phải đến 12 giờ 25 phút, hai xe này mới rời bãi tập kết. Sau đó một xe đi qua cổng làng Nam Tiền, hướng về phía huyện Đại Từ để giao hàng cho khách.
Xe còn lại là xe 5 tấn mang biển kiểm soát 20L-7438 vào trạm cân ven mỏ rồi đi qua cửa Mỏ than Khánh Hòa đi qua cổng Công ty than Khánh Hòa hướng theo Quốc lộ 3 bốc thêm khoảng chục tải ngô để ngụy trang rồi đi tiếp… Đến xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai, xe bất ngờ rẽ trái vào đường bê tông rồi đi khoảng hơn 1km đường đất đến một trang trại chăn nuôi gà nằm sâu trong núi để đổ than.
Lân la chúng tôi được biết, chủ nhân của chiếc xe chở than tên là Dũng, mua than của một người tên Sơn-chủ một điểm tập kết than ở ngay cạnh Mỏ than Khánh Hòa. Khi tiếp xúc, ông Dũng cho biết mua than với giá 2,2 triệu đồng/tấn. Nguồn than này được mua về để nhóm lửa sưởi ấm cho trang trại gà của ông ở sâu trong núi.
“Trước đó, tôi đã vào liên hệ mỏ Khánh Hòa để mua nhưng kế toán giới thiệu liên hệ với bảo vệ và nhận được giá bán là 2,3 triệu đồng/ tấn. Thấy đắt nên tôi ra ngoài hỏi thì được người dân giới thiệu đến ông Sơn để mua” – ông Dũng, một người mua than chia sẻ.
“Trước đó, tôi đã vào liên hệ mỏ Khánh Hòa để mua nhưng kế toán giới thiệu liên hệ với bảo vệ và nhận được giá bán là 2,3 triệu đồng/ tấn. Thấy đắt nên tôi ra ngoài hỏi thì được người dân giới thiệu đến ông Sơn để mua,” ông Dũng chia sẻ.
Đến chiều 14/12, nhóm phóng viên quay lại điểm tập kết than của ông Sơn thì số than mà chúng tôi vừa ghi nhận trong buổi sáng đã vơi đi hơn một nửa. Những chiếc xe tải 5 tấn thường xuyên đỗ ở đây để chở than đi tiêu thụ cũng không còn hỏi ra thì được cho hay các xe đã chở than đi tiêu thụ tại các nhà máy gạch, bệnh viện…
Đó là hành trình của những chiếc xe ôtô tải trọng từ 5 tấn trở lên, còn những xe nhỏ hơn như 2,5 tấn thì len lỏi khắp các ngõ ngách của các khu dân cư thuộc hai xã Sơn Cẩm và Phúc Hà để thu mua than rồi chở đến những nơi tập kết có đường giao thông thuận tiện cho xe tải trọng lớn vào bốc hàng.
Sau nhiều ngày liên tiếp theo dõi, đến khoảng 12 giờ ngày 16/12, nhóm phóng viên tiếp tục trở lại xóm 1, xã Phúc Hà thì bắt gặp xe ôtô tải mang biển kiểm soát 20K-9340 đang chở đầy than. Ngỏ ý muốn mua than, người lái chiếc xe ôtô tải giới thiệu tên là Thủy, chủ nhân của một điểm tập kết than lậu ở tổ 2, xã Phúc Hà.
“Nếu muốn mua than cục thì tôi bán với giá 1,8 triệu/tấn, hàng nhà tôi chỉ than củ thôi, than lấy từ mỏ Khánh Hòa, lấy mấy chục tấn cũng có. Than củ lấy từ mỏ ra, có đội riêng họ thông đồng với bảo vệ vào tận mỏ mà vác, có ngày tôi giao được mấy chục tấn” – ông Thủy, chủ một điểm bán than nói.
Ông Thủy cho biết: “Nếu muốn mua than cục thì tôi bán với giá 1,8 triệu/tấn, hàng nhà tôi chỉ than củ thôi, than lấy từ mỏ Khánh Hòa, lấy mấy chục tấn cũng có. Than củ lấy từ mỏ ra, có đội riêng họ thông đồng với bảo vệ vào tận mỏ mà vác, có ngày tôi giao được mấy chục tấn. Hàng than bây giờ người ta dùng ít, chứ một hai năm trước tháng nào tôi cũng bán khoảng 200 tấn than củ.”
Khi được hỏi về điểm đến của chiếc xe tải chở “vàng đen” trên, ông Thủy cho biết “hàng” được chở tới một bệnh viện tuyến huyện ở trên địa bàn tỉnh để tiêu thụ.
Trên đường quay trở lại Mỏ than Khánh Hòa, một xe tải khác biển kiểm soát 20C-03750 đã được chất đầy than trên thùng xe chuẩn bị khởi hành đưa than đi tiêu thụ.
Sau nhiều ngày lăn lộn các ngõ ngách quanh Mỏ than Khánh Hòa, nhóm phóng viên còn tiếp cận được những nhân vật cỡ “khủng” đã trực tiếp tham gia vào đường dây “tuồn” than lậu nổi tiếng ở thành phố Thái Nguyên, trong đó có ông H., trưởng một xóm tại xã Phúc Hà và vợ của ông, bà T.,.
Vẫn câu chuyện cũ là muốn mua than để đốt gạch, chúng tôi được vợ ông H. bà T., mời đến nhà trao đổi, nếu thống nhất sẽ làm hợp đồng mua bán luôn. Trước khi vào, chúng tôi được một người đàn ông tên D., xưng là em của ông H., dẫn đi xem một điểm nghiền than lậu rộng lớn ngay sát bãi thải của Mỏ than Khánh Hòa, tại xã Phúc Hà.
Chỉ tay vào đống than đã nghiền sẵn, ông D., cho biết: “Hiện chỗ này còn khoảng trên ngàn tấn, nếu các chú muốn lấy nhiều thì chỉ cần dùng máy múc xúc ở dưới nền lên là có “hàng” thôi. Cả cái nền xưởng này là than cả đấy, toàn là than từ mỏ Khánh Hòa. Đây là than bột, chủ yếu bán cho những người làm gạch để họ trộn.”
Theo quan sát của phóng viên, xưởng nghiền than này cách khu dân cư chỉ vài chục mét, nằm ngay dưới chân bãi thải Mỏ than Khánh Hòa. Sau khi xem hàng, chúng tôi được ông D., dẫn vào nhà ông H.,. Khi nghe chúng tôi ngỏ ý muốn mua than cám với số lượng lớn, bà T., cười bảo: “Yên tâm, hàng nhà cô không thiếu.”
Để tạo niềm tin cho khách hàng, bà T., chia sẻ thêm: “Trước mấy lò gạch ở dưới Bắc Giang đến lấy ‘hàng’ suốt, mấy năm nhà cô không làm xuể phải nhờ cả thằng em làm. Giờ chỉ có hai hộ làm là nhà cô và thằng em. Đất ở Sóc Sơn vẫn phải dùng than trộn, gạch mới tốt được. Các cháu yên tâm, cô biết cô chỉ cho.”
Nếu là than củ thì nguồn “hàng” và giá cả thế nào? Tôi hỏi. “Nếu muốn lấy than củ, cô khắc tìm mối cho. Than của cô lấy từ mỏ Khánh Hòa, dùng để tạo phấn, giảm tốn kém. Mỏ bán đắt hơn bọn cô, chất lượng than chưa chắc đã tốt như của cô. Cô có bãi chứa ở ngoài kia, cho cháu xem đó chỉ là bãi sản xuất. Cháu nên nhớ cô làm từ 2008. Các cháu lấy nhiều, cô cắt bớt cho. Giá rẻ hơn mỏ nhiều.”
“Cô nói thật là đêm cô mới làm. Năm kia, ba bốn thằng bảo vệ Mỏ than Khánh Hòa vừa bị hạ cánh vì chúng nó tham tiền, nó hạ để bao che cho sếp thôi. Còn cô, mùng một mùng hai tết cũng vào lấy được nên hàng không phải lo. Hàng trộn của mỏ hơn cô khoảng 5 giá, nhưng chắc chắn họ không làm. Chúng nó chỉ bán than chất lượng cao cho nhiệt điện và xi măng thôi,” bà T., nói thêm.
“Quản lý trật tự, xây dựng, mỹ quan đô thị chẳng ai làm gì chú. Hàng của chú là vô biên, hai bãi than của nhà chú làm mười năm nay chưa hết” – ông H.,nói.
Trả lời về số lượng, phương thức vận chuyển bà T., khoát tay: “Yên tâm, hàng cô không thiếu. Nhiều khi xe 29 tấn nhưng lúc không có nhà, lái máy nó xúc lên 32 hay 35 tấn cô cũng kệ. Từ đầu năm đến nay, do mùa mưa và mấy nhà máy nghỉ nên nhà cô chỉ bán được có 4.000 tấn. Giờ than còn nhiều chứ năm ngoái, sợ không nghe điện thoại ấy chứ. Người đợi suốt đêm để chờ than, lúc nhiều thì khoảng 15 ngàn tấn/năm, còn túc tắc trung bình cỡ 7-8 trăm tấn/tháng. Cô thề dưới bóng đèn, có người lên lấy một xe 7,5 triệu đồng, và đặt thêm mấy xe nữa, nó đưa cô mấy chục triệu đặt hàng luôn…,” bà T., quả quyết.
Lấy lý do cần tìm hiểu kỹ, chúng tôi hẹn ngày trở lại, nếu thống nhất được giá sẽ làm hợp đồng mua bán luôn, vài ngày sau chúng tôi quay lại hỏi thêm về nguồn gốc của than. Ông H., nói: “Trước đây nhà chú có hai bãi than, một bãi gần mỏ, một bãi trên bãi thải họ mở rộng thu hồi rồi. Trước đây nhiều nhà làm gạch gần bãi rác Nam Sơn lên lấy. Hàng thì nhà chú thiếu gì, hết chú lại vào mỏ lấy, còn cả thằng em nữa. Hàng của bọn chú do mỏ, chúng nó tuồn ra, không có hóa đơn, nhưng hàng đảm bảo,”ông H., chắc chắn.
“Hàng ở đây là hàng ngoại giao, chú đây quản lý cả khu vực này, chú cần hô lên một cái là có ngay, cháu yên tâm chú có đủ hàng. Ở đây, cứ đụng cái, chỉ cần ai kêu là chú bắt mỏ phải dừng, nôm na thế. Chú cho cái đơn cái là bắt mỏ phải dừng ngay,” ông H., khoe về việc sở hữu “xuất ngoại giao.”
Chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên về câu nói “xuất ngoại giao,” ông H., tiếp lời: “Nói thật với các cháu là mua chui, mua không hóa đơn, nhất là cuối năm nhập hàng dễ như không. Còn đầu ra nhiều khách hàng họ tự tìm đến lấy chứ có đi bán hàng đâu. Nguồn hàng của chú lấy từ mỏ, đảm bảo đầy đủ, chất lượng yên tâm, sạch đẹp. Đêm đến, chú cho người đánh ôtô, máy xúc vào bãi của mỏ xúc thôi.”
Để chứng minh điều mình nói là đúng, ông mở cặp lấy ra tờ giấy ghi nội dung biên bản kiểm tra về ô nhiễm môi trường tại Mỏ than Khánh Hòa trong năm 2016, có chữ kỹ của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo mỏ than. Rồi ông đứng dậy với vẻ đầy tự hào nói: “Mỏ sợ chú là lập biên bản cho dừng luôn. Chú làm thẳng với Công ty Khánh Hòa, bắt dừng là phải dừng, cho làm mới được làm, vì thế công ty có kế hoạch cho, chứ không phải mua bán gì.”
Xem biên bản kiểm tra một lúc, rồi ông H., nói tiếp: “Quản lý trật tự, xây dựng, mỹ quan đô thị chẳng ai làm gì chú. Về phía công ty, ông H., phó giám đốc đi uống rượu với chú suốt, bảo lúc nào cũng có xuất ngoại giao cho chú, và cả lãnh đạo xã này. Hàng của chú là vô biên, hai bãi than của nhà chú làm mười năm nay chưa hết.”
Nghĩa là có “xuất ngoại giao” nhưng vẫn phải trả tiền?.
Chúng tôi thắc mắc là than Khánh Hòa họ không bán ra ngoài, liệu “xuất ngoại giao” này có phải mất chi phí “bôi trơn” cho bảo vệ?. Lúc này cả ông H., và bà T., tranh nhau nói: “Thực ra là ông bảo vệ không có quyền để tuồn than ra mà là sếp trên chỉ đạo, bảo vệ chỉ là màn che, bia đỡ đạn thôi. Cô có múc một hai đêm thì cô cho vài triệu, nếu không thì chúng nó phải lờ coi như không biết, sếp trên đã chỉ đạo rồi.”
Vậy mỗi lần nhập về mấy tấn?. Bà T., nói: “Mỗi lần cô nhập hàng về phải 1-2 ngày luôn, chứ mấy tấn là thế nào. Cô không nay một xe, mai một xe đâu, mà liền một lúc 70-80 xe tải, rồi nghiền xong gần hết lại vào bãi của mỏ lấy tiếp, có tháng cả ngàn tấn.”
“Tuồn” lậu than dễ thế này thì nhà mình nổi tiếng nhất vùng này rồi?. “Cô đang giao cho một ông ở Bắc Giang mỗi tháng 900 tấn. Nhưng không phải mình ăn được cả, chỉ được tý ti thôi. Hàng cô lấy 400-500 triệu. Năm ngoái cô nhập một phát 500 triệu, nghĩa là mỏ không đường đường chính chính cho được, nhưng có lượng than nghìn tấn các sếp cho vào kế hoạch cuối năm như đổ thải đổ thiếc đây cũng là ngoại giao đấy, nói chung các cháu không hiểu được đâu,” bà T., nói.
Nghĩa là có “xuất ngoại giao” nhưng vẫn phải trả tiền?. “Mình lên đấy lấy phải trả tiền cho họ chứ, giờ bán than nó hiếm. Phải nói là mình mua được chứ không ai mua được. Tóm lại là các cháu không hiểu được đâu. Sếp to hẳn thì nó không cần, còn quản đốc các thứ nó cần có chi phí để lo việc này việc kia, nhỏ nhất là phải quản đốc mới làm được,” bà T., thông tin thêm.
Để làm rõ thông tin gây “sốc” nêu trên, chúng tôi tìm đến đặt lịch, hẹn gặp lãnh đạo Mỏ than Khánh Hòa, nhưng không có phản hồi. Gần 3 tuần sau, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus trở lại đặt lịch và làm việc, sau đó đã có buổi làm việc với ông Bùi Ngọc Hùng-phó giám đốc Mỏ than Khánh Hòa.
Trao đổi với phóng viên về “xuất ngoại giao” nói trên, ông Hùng cho rằng: “Bên mình không ngoại giao bằng than bất kể cái gì cả. Mình khẳng định không có chuyện đó. Công ty kiểm soát toàn bộ bằng camera, nếu có cá nhân nào làm việc đó thì cá nhân đó quá liều lĩnh.”
Khi truyền đạt thông tin vị trưởng thôn sở hữu “xuất ngoại giao” cho biết có “quan hệ” với cá nhân ông Hùng-phó giám đốc Mỏ than Khánh Hòa, ông Hùng mặt đỏ bừng quả quyết: “Nói thật nhé, có đưa đầu tôi cũng chẳng dám, không ai đi làm việc đó.”
Về thông tin bảo vệ “ăn dơ” với đội quân mót than để tuồn một lượng rất lớn than cục ra ngoài, ông Hùng đề nghị phóng viên gọi cho người mót than để kiểm chứng thông tin. Ngay sau đó, phóng viên đã kết nối với một người mót than tên T.,. Người này trước đó đã trực tiếp đánh xe ôtô tải trọng khoảng 2,5 tấn chở than cục từ bãi Mỏ than Khánh Hòa về bãi tập kết của mình ở ở tổ 2, xã Phúc Hà.
Qua điện thoại, khi chúng tôi ngỏ ý cần một lượng than lớn để mang về đốt gạch, người mót than tên T., nói: “Tôi mới xuất hàng xong. Mấy ngày nay xe 3 chân nó quét nhiều quá. Nếu lấy vài trăm tấn thì ba bốn hôm nữa là có ngay.”
“Vấn đề dân cố tình vào nhặt than đã có clip báo đăng rồi, đây là vấn đề nguy hiểm đã yêu cầu mỏ nghiêm khắc xử lý. Nhưng họ tìm mọi cách để vào, mình không phủ nhận việc đó. Những cái gì còn tồn tại mình biết.”
Vậy than lấy từ mỏ nào, có đảm bảo chất lượng? “Than mót từ Mỏ than Khánh Hòa, chất lượng đảm bảo. Nếu lấy thì ba bốn hôm nữa gọi lại mà lấy,” ông T., nói.
Ngay sau cuộc gọi, ông Hùng nói: “Thông tin đó quá bình thường, không đánh giá được ông này lấy than ở mỏ nào, quanh đây có rất nhiều mỏ.”
Còn về thông tin tuồn than từ moong lên bãi thể để đội quân mót than vào bãi lấy, ông Hùng nói: “Vấn đề dân cố tình vào nhặt than đã có clip báo đăng rồi, đây là vấn đề nguy hiểm đã yêu cầu mỏ nghiêm khắc xử lý. Nhưng họ tìm mọi cách để vào, mình không phủ nhận việc đó. Những cái gì còn tồn tại mình biết.”
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên cho biết, việc mót lại than từ bãi thải và buôn bán than ở ngoài mỏ thì còn liên quan đến nhiều ngành khác như quản lý thị trường, công thương.
“Sở Tài nguyên và Môi trường thì liên quan đến khai thác ngoài phạm vi hay không, ô nhiễm môi trường không. Còn các hoạt động trên bãi cần có sự kết hợp kiểm tra xử lý. Việc này chúng tôi sẽ kết hợp với các ngành kiểm tra, nếu phát hiện sẽ xử lý theo quy định của pháp luật,” ông Giang nói./.