Gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội, chất lượng không khí nhiều ngày ở ngưỡng kém và xấu. Đâu là nguyên nhân, người dân cần làm gì để bảo vệ sức khỏe… là những vấn đề được trao đổi giữa phóng viên Báo Hànộimới và ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội.
– Hiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội như thế nào, thưa ông?
Những ngày qua, bằng trực quan, chúng ta cũng có thể thấy, Hà Nội luôn bị bao phủ bởi một lớp sương mù ở tầng thấp, không khí ngột ngạt… Từ kết quả quan trắc chất lượng không khí tại 10 trạm quan trắc trên địa bàn thành phố thời gian gần đây cho thấy, số ngày chất lượng không khí ở mức kém, xấu có xu hướng tăng; chỉ số PM 2.5 (bụi mịn) cao hơn giới hạn cho phép, còn các chỉ số khác như: CO, NO2, SO2, O3… vẫn ở ngưỡng cho phép. Điển hình, các ngày 26 và 27-3 vừa qua, chất lượng không khí chủ yếu ở mức kém và xấu.
– Nguyên nhân nào khiến chất lượng không khí giảm, thưa ông?
Theo đánh giá của chúng tôi, nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng không khí xấu đi là điều kiện khí tượng bất lợi. Trong 3 tháng đầu năm nay, Hà Nội vẫn còn chịu tác động mạnh của gió mùa đông bắc mang theo bụi từ các nơi khác kết hợp khí hậu khô, lạnh, áp suất cao khiến nồng độ bụi trong không khí tăng cao. Hoặc, có hôm trời hửng nắng, ban ngày nhiệt độ cao nhưng về đêm nhiệt độ giảm mạnh.
Thời điểm đó có thể xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, tạo lớp sương mù bao phủ toàn thành phố. Sương mù tác động bất lợi đến sự lưu thông khí quyển, các chất ô nhiễm không thể phát tán lên cao mà bị giữ lại tại tầng sát mặt đất làm tích tụ chất ô nhiễm khiến chất lượng không khí xấu đi rõ rệt.
Ngoài ra, điều kiện khí tượng bất lợi kết hợp với khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng tại Hà Nội hoặc nguồn thải từ các khu công nghiệp lân cận… cũng là yếu tố khiến không khí ở Hà Nội tích tụ thêm chất ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến chất lượng.
– Liệu tình trạng này có còn tiếp diễn trong những ngày tới không, thưa ông?
Dựa trên những kết quả quan trắc trong 2 năm qua kết hợp việc đánh giá và phân tích chất lượng không khí ở những thời điểm ô nhiễm tăng cao bất thường, chúng tôi nhận thấy, hầu hết chất lượng không khí liên quan đến điều kiện khí tượng. Theo thông tin dự báo khí tượng, trong những ngày tới, trên địa bàn thành phố sẽ có mưa rào, có thể kèm theo gió mạnh nên chất lượng không khí sẽ được cải thiện. Cùng với đó là bắt đầu mùa hè – đây là thời điểm chất lượng không khí thường tốt nhất trong năm.
– Vậy theo ông, người dân nên làm gì để bảo vệ sức khỏe?
Để bảo đảm sức khỏe, trong những thời điểm chỉ số chất lượng không khí ở mức kém, xấu, người dân đặc biệt là trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp nên hạn chế ở ngoài trời. Khi ra đường, nên sử dụng khẩu trang loại tốt, có thể lọc bụi mịn PM 2.5 để giảm thiểu sự độc hại…
Để cải thiện chất lượng không khí, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện các việc cụ thể như: Tăng cường hệ thống trạm quan trắc không khí, trồng thêm cây xanh, hạn chế phương tiện tham gia giao thông, đưa phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch vào hoạt động… Tuy nhiên, trước hết, người dân Thủ đô cần nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, như: Không đun đốt than tổ ong, không đốt rơm rạ trên đồng ruộng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng để giảm phương tiện cá nhân…
– Trân trọng cảm ơn ông!
Trong tuần từ ngày 24 đến 30-3, chỉ số chất lượng không khí ghi nhận tại 10 trạm quan trắc trên địa bàn thành phố dao động trong khoảng từ 45 đến 220, tăng nhẹ so với tuần trước. Cụ thể: Trong ngày 24-3, có 5 trạm quan trắc chất lượng không khí ở mức tốt, 5 trạm quan trắc ở mức trung bình. Ngày 25-3, tất cả 10 trạm quan trắc chất lượng không khí ở mức trung bình. Ngày 26-3, 10 trạm quan trắc chất lượng không khí ở mức kém. Ngày 27-3, có 5 trạm quan trắc chất lượng không khí ở mức xấu, 5 trạm quan trắc ở mức kém. Ngày 28-3, cả 10 trạm quan trắc chất lượng không khí ở mức kém. Ngày 29-3, có 3 trạm quan trắc chất lượng không khí ở mức kém, 7 trạm ở mức trung bình và ngày 30-3 có 1 trạm quan trắc chất lượng không khí ở mức kém, 9 trạm quan trắc ở mức trung bình. |