Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song công tác quản lý nước thải còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhất là việc phân công trách nhiệm về quản lý nước thải được giao theo lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành và địa phương.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chung trong kiểm soát ô nhiễm trong lĩnh vực thóat nước, xả nước thải ra môi trường trên phạm vi cả nước; Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về thoát nước, xử lý nước thải tại đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung và khu công nghiệp trên toàn quốc; Bộ Y tế quản lý và xử lý nước thải y tế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và xử lý nước thải chăn nuôi, xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi; Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý hoạt động của các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó bao gồm hoạt động xử lý nước thải của các đối tượng này.
Sự phân tán trong phân công trách nhiệm quản lý đã khiến cho việc theo dõi, báo cáo tổng hợp về hoạt động quản lý nước thải nói chung gặp rất nhiều khó khăn. Vẫn còn những chồng chéo về chức năng quản lý nước thải của khu công nghiệp giữa Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số liệu báo cáo của 2 bộ về tình hình xử lý nước thải tại các khu công nghiệp cũng chưa thống nhất.
Tồn tại trong quy hoạch và xử lý
Khá nhiều vấn đề còn tồn tại đối với công tác quy hoạch và xử lý nước thải. Với nước thải đô thị, cùng với sự phát triển nhanh chóng của các đô thị, lượng nước thải phát sinh ngày càng lớn trong khi hệ thống thoát nước, xử lý nước thải thiếu đồng bộ, chưa tách biệt hệ thống thoát nước thải khỏi hệ thống thoát nước mưa dẫn đến sự kém hiệu quả của các dự án xử lý nước thải đô thị. Việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật về môi trường đi cùng các dự án phát triển và công tác quy hoạch phân bổ, quản lý các nhà máy xử lý nước thải tập trung còn chưa hợp lý. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý còn rất thấp, việc ứng dụng các công nghệ trong xử lý nước thải sinh hoạt đô thị chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
Với nước thải công nghiệp, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát chất lượng nước thải trước khi thải ra môi trường song trên thực tế, ở nhiều nơi, nước thải công nghiệp vẫn là nguồn gây ô nhiễm chính tại các dòng sông. Việc tuân thủ các quy định của các doanh nghiệp còn mang tính hình thức, việc vận hành các hệ thống xử lý nước thải tập trung mang tính đối phó và chưa thực sự hiệu quả.
Do tính chất và quy mô của các cụm công nghiệp và làng nghề nhỏ, thường nằm xen kẽ trong khu dân cư với nhiều đặc trưng khác nhau về tính chất và thải lượng nước thải nên việc quy hoạch xử lý nước thải gặp nhiều khó khăn. Cho đến nay vẫn chưa có mô hình nào xử lý hiệu quả nước thải làng nghề; công tác quản lý nước thải các cụm công nghiệp chưa thực sự được chú trọng, số lượng các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung còn rất thấp.
Đầu tư tài chính còn thiếu và chưa cân đối. Mặc dù trong giá nước cấp cho sinh hoạt đã có tính đến phí xử lý nước thải (800 đồng/m3) nhưng đây là con số rất thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 10% chi phí xử lý thực tế. Thêm vào đó, số tiền này cũng không được chi trực tiếp cho xử lý mà còn sử dụng cho các mục đích khác, chi phí xử lý nước thải sinh hoạt hầu hết vẫn do nhà nước bao cấp. Do không đáp ứng nguồn lực, số lượng các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt được xây dựng, lắp đặt và duy trì vận hành trên cả nước ít. Hiện mới bắt đầu có đầu tư chi phí xử lý nước thải từ các doanh nghiệp lớn và các khu công nghiệp, vẫn còn bỏ ngỏ các đối tượng khác như cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở khai thác khoáng sản, sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ…. Thực tế cho thấy, chi phí đầu tư của các chủ nguồn thải cho xử lý nước thải công nghiệp vẫn còn quá nhỏ so với yêu cầu thực tế.
Tính đến năm 2017, đã có 202 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp và hơn 6.900 giấy phép được cấp ở cấp địa phương. Tuy vậy, việc giám sát tuân thủ giấy phép xả thải còn hạn chế do công tác giám sát chỉ thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra định kỳ hàng năm. Nhiều tổ chức, cá nhân chưa nghiêm túc tuân thủ các quy định của giấy phép xả nước thải được cấp.
Việc xây dựng, vận hành hệ thống kết nối, truyền nhận dữ liệu quan trắc nước thải tự động liên tục vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trong vận hành hệ thống ổn định, thống nhất, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về giám sát nguồn thải trong điều kiện khối lượng dữ liệu truyền về theo thời gian thực là rất lớn, kéo theo các yêu cầu về hạ tầng công nghệ thông tin cao, kinh phí đầu tư lớn, năng lực của cán bộ vận hành hệ thống có đáp ứng nhu cầu…
Kiểm soát chặt chẽ nguồn thải trọng điểm
Theo các báo cáo, điều tra thực tế tại một số khu vực trọng điểm, mặc dù số lượng nguồn thải được thống kê là rất lớn, tuy nhiên, chỉ có 15-20% là các nguồn thải trọng điểm có lưu lượng nước thải lớn hoặc mức độ ô nhiễm cao. Vì vậy, việc tập trung giám sát và kiểm soát các nguồn thải trọng điểm là vấn đề ưu tiên trong tình hình hiện nay. Ở cả cấp quốc gia và tại một số địa phương có các nguồn thải trọng điểm cũng đang triển khai các hương trình, nhiệm vụ điều tra, thống kê các nguồn thải để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý và kiểm soát nguồn thải.
Hiện nay, Thủ tướng đang xem xét, ban hành khung chính sách, pháp luật về phát triển dịch vụ môi trường ở Việt Nam, đề án phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường đến năm 2020 và một số cơ chế, chính sách tài chính phát triển dịch vụ môi trường ở Việt Nam.
Các giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và tăng cường hiệu lực tổ chức giám sát; kiểm soát và hạn chế các nguồn thải; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường phù hợp với thực tế; quy hoạch và lựa chọn các cong nghệ xử lý phù hợp; tăng cường và đa dạng hóa nguồn đầu tư tài chính; nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến khích hoạt động phân loại chất thải tại nguồn.
Để hoạt động kiểm soát nước thải được hiệu quả hơn, cần tiếp tục rà soát và bổ sung các quy định, đồng thời xây dựng mô hình quản lý tổng hợp các nguồn thải, bao gồm việc đánh giá sức chịu tải của môi trường tiếp nhận và xác định, phân bổ hạn ngạch xả thải vào nguồn nước.
Tổng cục Môi trường cho rằng cần tăng cường đầu tư, xây dựng và vận hành hiệu quả các nhà máy, trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại các khu vực đô thị, khu dân cư tập trung để đảm bảo kiểm soát chất lượng nước thải khi xả thải vào môi trường tiếp nhận. Kiểm soát cũng như không cấp phép đầu tư cho các loại hình dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước cao; rà soát và cập nhật danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc xây dựng và triển khai các chương trình điều tra, thống kê, kiểm kê các nguồn nước thải cần sớm được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc. Vấn đề cần ưu tiên là việc xác định các nguồn thải trọng điểm để kiểm soát chặt chẽ và có những biện pháp xử lý phù hợp.
Tăng cường hiệu quả xử lý nước thải công nghiệp từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất công nghiệp lớn; thực hiện tốt các yêu cầu về lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục tại các nguồn thải có lưu lượng từ 1.000m3/ngày đêm, truyền nhận kết quả quan trắc về cơ quan quản lý môi trường địa phương phục vụ việc theo dõi, giám sát nguồn thải; tiếp tục nghiên cứu xây dựng, áp dụng triển khai các mô hình xử lý nước thải làng nghề phù hợp với đặc điểm và điều kiện thực tế; nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ xử lý nước thải mới phù hợp với điều kiện của Việt Nam để tăng cường hiệu quả xử lý.
Tổng cục Môi trường tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm soát ô nhiễm, tập trung vào các khu công nghiệp đang hoạt động nhưng chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh giá công tác bảo vệ môi trường trong các khu, cụm công nghiệp trên phạm vi cả nước; triển khai các hoạt động khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng và suy thoái nặng; chủ động phối hợp xây dựng đề án về cơ chế đột phá huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa bảo vệ môi trường; triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016-2020.