Trước thảm trạng phá rừng được đưa ra bởi loạt bài ‘Tội ác dưới những tán rừng xanh,’ thay vì ‘đóng cửa rừng’ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chức năng lại ‘đóng cửa với công luận.’
Trước thảm trạng “phá sơn lâm,” chuyển đổi ồ ạt rừng tự nhiên làm thủy điện, khai thác gỗ trái phép diễn biến phức tạp và gia tăng ở nhiều nơi trên cả nước, gây ra nhiều hệ lụy tai hại, vừa qua, Báo Điện tử VietnamPlus đã triển khai và đăng tải loạt bài “Tội ác dưới những tán rừng xanh…Cửa đóng nhưng ruột vẫn rỗng.”
Nội dung loạt bài phản ánh, bất chấp những quyết tâm và mệnh lệnh của Chính phủ trong suốt ¼ thế kỷ tuyên bố “đóng cửa rừng tự nhiên,” tình trạng “phá sơn lâm,” chuyển đổi ồ ạt rừng làm thủy điện, khai thác gỗ trái phép…vẫn tiếp diễn hết sức phức tạp, thậm chí có nơi “vượt tầm kiểm soát” ở nhiều địa phương.
Loạt bài đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó bao gồm: lỗ hổng của Luật, vướng mắc từ cơ chế chính sách, đặc biệt là tình trạng buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, khi hàng loạt lãnh đạo cơ sở, cán bộ kiểm lâm đã bị cách chức, kỷ luật vì “tiếp tay” cho lâm tặc…
Ngay sau khi đăng tải loạt bài viết, dư luận đã bày tỏ sự lo lắng, bức xúc và đặt ra rất nhiều câu hỏi liên quan đến công tác quản lý, cũng như vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi để rừng liên tiếp bị tàn phá, khiến diện tích rừng tự nhiên suy giảm nghiêm trọng.
Thực trạng trên khiến bất cứ ai quan tâm, xem hình ảnh, video clip, hay đã tận mắt chứng kiến những khu rừng bị tàn phá tan hoang, thiên tai nổi loạn, lũ quét hoành hành, cũng có chung một nỗi hoang mang rằng: Lẽ nào lời nguyền của rừng xanh-“phá sơn lâm, đâm hà bá” đã hiển hiện qua những hậu quả nặng nề như đã thấy?
Từ những băn khoan, lo lắng nêu trên, cuối tháng 11 năm 2018, Báo Điện tử VietnamPlus đã gửi công văn đề nghị được trao đổi cụ thể với lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhằm làm rõ hơn về những vấn đề còn đang bất cập cũng như phương án tháo gỡ vướng mắc, chấn chỉnh công tác thực thi quản lý ở các cấp địa phương… thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, ngăn chặn vấn nạn “phá sơn lâm,” hạn chế những rủi ro tai hại do thiên tai gây ra…
Vậy nhưng, sau hơn bốn tháng gửi công văn nêu rõ chi tiết các nội dung loạt bài phản ánh, nhiều lần liên hệ trực tiếp và thông qua các đơn vị cấp dưới, nhưng Báo Điện tử VietnamPlus vẫn không có được cuộc tiếp xúc để đem câu trả lời đến cho công luận.
Trong khi đó, ”những cánh rừng vẫn tiếp tục chảy máu!”
Sau ¼ thế kỷ Thủ tướng Chính phủ ký văn bản yêu cầu “đóng cửa rừng tự nhiên” rừng vẫn mất, thực trạng phá rừng vẫn xảy ra dai dẳng tại nhiều địa phương trên cả nước, điển hình như các “điểm nóng” ở Yok Đôn, Bắc Quang, Hoàng Liên Sơn… Nghiêm trọng hơn nữa, từ những vụ phá rừng điển hình này đã lộ diện sự tiếp tay cho lâm tặc một cách công khai và ‘tích cực’ của nhiều cán bộ thuộc các cơ quan chấp pháp: kiểm lâm, công an, biên phòng…
Sau mỗi lần rà soát, diện tích nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn lại bị thu hẹp lại, trong khi nhiều khu vực ở Tây Nguyên nằm trong quy hoạch bảo tồn vẫn ở ngoài để ‘mời gọi’ lâm tặc. Chưa hết, thực trạng doanh nghiệp xây dựng thủy điện ngay trong khu vực các khu bảo tồn ngày càng gia tăng bất chấp tất cả các quy định của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo và ban hành.
Điều đáng nói là kể từ năm 2011, nhà nước đã chi hơn 10.000 tỷ đồng cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, nhưng rừng vẫn tiếp tục bị mất. Không có ai trả lời về khoản tiền “khổng lồ” này đã được sử dụng như thế nào, có đúng mục đích và liệu có thất thoát?
Khi “tội ác dưới những tán rừng xanh” chưa được ngăn chặn, xử lý triệt để, thì mỗi năm, hàng loạt cơn lũ, lũ quét, sạt lở đất lại liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương bị mất rừng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, đã có gần 100 người chết và mất tích; hàng ngàn ngôi nhà bị sập, hư hỏng; hàng vạn hécta lúa, hoa màu bị úng ngập; con số gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi lên tới 7 chữ số; cơ sở hạ tầng bị phá hủy nặng nề. Thiệt hại lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Thực trạng này khiến người dân đau xót, bức xúc, nhiều cơ quan chức năng vào cuộc nhưng có lẽ chưa đủ, chưa đúng cách và quan trọng nhất là chưa có sự phối hợp tích cực của cơ quan chủ quản.