Những ngày vừa qua, theo hiển thị của ứng dụng điện thoại AirVisual, không khí Hà Nội liên tục được cảnh báo là có hại cho sức khỏe, với nồng độ PM 2.5 vào khoảng 90µg/m3 trung bình mỗi ngày, gấp hơn 4 lần ngưỡng an toàn. Thông tin đó của AirVisual có chính xác không? Chúng ta biết gì về ô nhiễm của Hà Nội và nguyên nhân của nó? Gần như không có gì. Hệ thống quan trắc không khí của Hà Nội vô cùng èo uột và ít ỏi. Những thông tin từ một vài máy đo rải rác ở đủ loại chất lượng khác nhau không đủ để chúng ta biết về bức tranh không khí nơi mình đang sống. Qua việc Hàn Quốc đang đau đầu với việc làm sao để giữ được sự trong lành cho các thành phố của mình, cho thấy cuộc chiến đối phó với ô nhiễm không khí khó khăn hơn chúng ta tưởng nhiều.
Chúng tôi tới Seoul vào cuối tháng 10 năm 2018, đến gần trưa mà trời vẫn âm u, một lớp màng mỏng như sương giăng khắp trời. Kim Taejong, người dẫn đoàn, chuyên viên của một tổ chức toàn cầu về năng lượng và môi trường (GSCC), giải thích rằng, đó không phải là trời sắp mưa mà là do không khí bị ô nhiễm, chứ vào mùa thu, trời Seoul nhiều nắng và trong xanh. Hôm đó, giám đốc cơ quan chính sách về chất lượng không khí ở văn phòng thị trưởng Seoul phải liên tục lùi lịch hẹn phỏng vấn với chúng tôi, vì phải họp khẩn cấp với các cơ quan trong thành phố để đối phó với nồng độ siêu bụi (PM 2.5, PM 10) đang tăng cao.
Siêu bụi (particulate matter) là những hạt gồm cả chất rắn và chất lỏng ô nhiễm thải ra từ các phương tiện giao thông, các khu công nghiệp và nhà máy điện than, có đường kính rất nhỏ, dưới 10 µm. Trước những năm 1980, người ta cho rằng siêu bụi chỉ ảnh hưởng đến các cơ quan hô hấp nhưng từ năm 1990 trở đi, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, với những bụi mịn có đường kính nhỏ hơn 2.5 µm có thể đi xuyên qua các phế nang, vào mạch máu và ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, từ ruột, dạ dày đến xương khớp và cả hệ thần kinh nếu một người có sức đề kháng yếu (như người già và trẻ nhỏ) tiếp xúc với nồng độ bụi quá cao và liên tục trong nhiều ngày. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, WHO, nồng độ siêu bụi trong không khí là 10µµg/m3 và 20µµg/ m3 trung bình mỗi năm, lần lượt với loại bụi PM 2.5 và PM 10 được coi là an toàn. Nhưng chỉ số đó ở Hàn Quốc là gấp hơn hai lần trong những năm gần đây.
Khi chúng tôi gặp được ông giám đốc, Kwon Min, muộn một tiếng so với dự kiến, ông bảo rằng cuộc họp khẩn cấp này vẫn “chưa là gì đâu”. Giai đoạn tháng 1, tháng 2 còn hơn thế khi thành viên trong cuộc họp còn có cả đại diện của các địa phương khác và các đại diện chính phủ. Kể từ năm 2014, khi nồng độ PM 2.5 ở liên tục ở mức 90µg/m3 hoặc cao hơn trong vòng hai ngày ở bất kì khu vực nào, “Đội phản ứng nhanh với PM 2.5”, được dẫn đầu bởi thị trưởng ở khu vực đó sẽ thực hiện một loạt các biện pháp khẩn cấp như cấm tất cả các xe ô tô công, các doanh nghiệp phát thải sẽ phải dừng hoặc hạn chế hoạt động 70 – 80%. Một loạt động cơ cứu hỏa sẽ được huy động để phun nước, làm sạch đường phố. Trường học sẽ đóng cửa và các hoạt động ngoài trời cũng sẽ dừng lại. Kể các giải thi đấu bóng chày – môn thể thao ưa thích của người dân Hàn Quốc, dù lớn đến đâu cũng phải hoãn. Tin nhắn SMS sẽ được gửi đến điện thoại của từng người dân, khuyến cáo họ hạn chế ra ngoài và yêu cầu, nếu ra đường thì không sử dụng phương tiện cá nhân (mà sử dụng phương tiện công cộng, vào thời điểm đó sẽ được miễn phí). Đầu năm 2019 vừa qua, riêng thành phố Seoul đã có ba ngày liên tiếp rơi vào tình trạng như vậy.
Hãy bắt đầu từ nguyên nhân
Nghe cứ như, Hàn Quốc lúc nào cũng sẵn sàng cho một “ngày tận thế”. Nhưng đúng là như thế thật. Theo TS. Ha Jiwon, người sáng lập Ecomom Hàn Quốc, một trong số những tổ chức phi chính phủ hoạt động vì môi trường nổi tiếng nhất nước này, siêu bụi đang là mối quan tâm số một của người dân Hàn Quốc. Một khảo sát toàn quốc vừa diễn ra năm ngoái còn cho thấy, người Hàn còn sợ ô nhiễm không khí hơn cả tên lửa của Triều Tiên. Trên bản đồ vệ tinh chất lượng không khí của NASA, Hàn Quốc có màu đỏ chói, thể hiện đây là quốc gia đáng quan ngại bậc nhất về ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Trong năm 2017, Hàn Quốc có tới ba thành phố nằm trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Hàn Quốc nằm trong nhóm nước có nhiều người dân mất sớm vì siêu bụi (cứ 100.000 người thì có 23 người). Tháng 1 vừa qua, khi nồng độ bụi mịn cao, chỉ trong vòng một tuần, người Hàn Quốc đổ xô đi mua khẩu trang và máy lọc không khí. Mỹ phẩm chống siêu bụi ở đây cũng bán chạy. Cứ mỗi khi bụi mịn trên 90µµg/m3 trong 2 tiếng đồng hồ liên tục, tin nhắn SMS sẽ được gửi về điện thoại của người dân, mang nghĩa “cảnh báo”. Còn nếu chỉ số trên 150µµg/m3, tin nhắn sẽ mang nghĩa “báo động”. Ông Kwon Min nói rằng, các tin nhắn cảnh báo về bụi mịn được coi nghiêm trọng ngang với cảnh báo về thảm họa, không chỉ trên điện thoại, chúng còn xuất hiện trên khắp tất cả các phương tiện thông tin đại chúng và các địa điểm công cộng từ xe buýt đến các bến tàu, tàu điện ngầm.
Nguyên nhân của ô nhiễm không khí Hàn Quốc từ trước đến nay, vẫn được cho là chủ yếu đến từ Trung Quốc và Mông Cổ. (Dễ thấy là “bụi vàng” bay từ sa mạc của hai quốc gia này phủ đầy các bãi gửi xe ở nhiều tỉnh phía Tây Bắc Hàn Quốc vào những tháng mùa xuân). Đến gần đây, người dân và chính phủ nước này mới nhìn sâu hơn vào những nguyên nhân từ nội địa.
Khi chúng tôi hỏi lời khuyên cho Việt Nam về đối phó với ô nhiễm không khí, chị Jeong Hae Min, Phó trưởng phòng Quy hoạch không khí sạch thuộc Bộ Môi trường không mất thời gian suy nghĩ: Hãy bắt đầu từ việc nghiên cứu nguyên nhân. Hàn Quốc đầu tư khá bài bản cho việc này. Họ có mạng lưới khoảng gần 300 các trạm quan trắc không khí có khả năng đo lường siêu bụi trên khắp cả nước, với chi phí đầu tư mỗi trạm khoảng 200.000 USD. Ngoài ra còn có các trạm quan trắc di động, các trạm quan trắc ở các khu công nghiệp, trên đường phố…Hầu hết các viện nghiên cứu và trường đại học công lập ở đây đều có nhóm nghiên cứu ô nhiễm không khí.
Vào năm 2016, Hàn Quốc đã thiết lập một dự án nghiên cứu có quy mô lớn kết hợp với Mỹ, để có một phân tích toàn diện về tình trạng ô nhiễm của nước mình. Dự án này đã quy tụ gần 600 nhà nghiên cứu của hai nước và sử dụng cả máy bay nghiên cứu, bao gồm cả “phòng thí nghiệm biết bay” NASA DC-8 jet bay trên Biển Vàng và bán đảo Triều Tiên. Chính phủ Hàn Quốc ngày càng đổ nhiều tiền vào lĩnh vực nghiên cứu ô nhiễm không khí, ứng dụng những công nghệ tối tân nhất để hướng tới việc phân tích “hoạt động” của bụi mịn chính xác hơn, dự báo trước được nhiều ngày hơn. Đến năm 2022, ngân sách cho lĩnh vực này sẽ tăng lên gấp đôi, chưa tính đến chi phí máy móc – thiết bị, như hệ thống vệ tinh quan sát siêu bụi sẽ ra mắt vào năm 2020 về hệ thống dự báo siêu bụi sử dụng AI.
Vấn đề siêu bụi có lẽ là một trong những chủ đề hiếm hoi dễ dàng đạt đồng thuận về chính trị bởi tất cả các đảng phái ở Hàn Quốc. Nhưng đến khi ông Moon Jae In trở thành Tổng thống, chính quyền nước này mới quyết tâm giải quyết nó. Hơn 50% nguyên nhân ô nhiễm không khí của Hàn Quốc đến từ trong nước. Nước này vừa thông qua luật đặc biệt về siêu bụi vào tháng hai vừa qua và thiết lập một ủy ban riêng thuộc chính phủ, có thẩm quyền huy động các bộ ngành khác nhau thực hiện cùng thực hiện đồng loạt các biện pháp trên quy mô lớn cho những tình huống siêu bụi khẩn cấp. Luật đặc biệt về siêu bụi này hoàn toàn độc lập với những luật và chính sách bảo vệ môi trường đã ra đời cách đây hàng chục năm ở Hàn Quốc.
Về lâu dài, các biện pháp đối phó với ô nhiễm không khí và nói riêng là siêu bụi của Hàn Quốc dựa trên hai nhóm nguyên nhân: nguyên nhân đến từ thành phố Seoul (Seoul chiếm tới 45% không khí ô nhiễm của Hàn Quốc) và từ nơi khác. Ở Seoul, siêu bụi chủ yếu đến từ sinh hoạt của người dân: phương tiện giao thông và hệ thống sưởi ở các tòa nhà (42%). Còn lại, ở khu vực khác, siêu bụi đến chủ yếu từ khu công nghiệp và các nhà máy điện than.
Thế lưỡng nan của Hàn Quốc
Không một nguyên nhân nào là Chính phủ Hàn Quốc không tìm cách giải quyết. Họ đưa ra những hỗ trợ tài chính ngày một hào phóng để người dân có thể thay đổi thói quen và sinh kế. Chính quyền Seoul đã dành hàng tỉ USD ngân sách và sẽ tăng thêm trong những năm tới để chuyển đổi những phương tiện xây dựng đời cũ sang phương tiện và thiết bị đời mới, giảm phát thải. Họ cũng thay toàn bộ xe buýt công cộng, xe buýt chở học sinh chạy xăng thành chạy điện hoặc xe thân thiện với môi trường. Họ miễn phí lắp đặt thiết bị lọc khí (biến HC, NOx, CO thành CO2, N2, H2 ) cho các phương tiện trọng tải lớn như taxi, xe tải; hỗ trợ gần 20.000 USD cho mỗi người muốn đổi ô tô chạy xăng sang ô tô chạy điện; trả 80% giá thành chênh lệch giữa máy sưởi hiệu suất cao, phát thải thấp so với máy cũ nếu người dân muốn đổi. Seoul cũng lắp đặt gần 3000 địa điểm sạc cho xe điện trên khắp thành phố.
Các chính sách dành cho khối công nghiệp thì vừa khuyến khích vừa kiểm soát, nổi bật là việc siết chặt dần định mức phát thải bụi mịn cho các ngành nghề gây ô nhiễm, đặc biệt như sản xuất gang, thép, xi măng, lọc hóa dầu. Các công ty này cũng được yêu cầu phải lắp thiết bị giám sát ô nhiễm và các thanh tra môi trường sẽ được tăng cường, điều động các thiết bị quan trắc di động đến kiểm tra đối chứng. Nếu vượt quá mức cho phép sẽ bị phạt hoặc buộc phải dừng hoạt động. Nhưng nhà nước cũng sẽ hỗ trợ họ cập nhật những công nghệ mới nhất trong việc giảm phát thải, đặc biệt là với doanh nghiệp SMEs bằng cách cho vay ưu đãi 5 triệu USD mỗi công ty.
Trong vòng một năm từ 2017 – 2018, Hàn Quốc đã giảm được khoảng 7.6% lượng khí thải. Tham vọng của Tổng thống Moon Jae In là đến năm 2020 sẽ giảm tới hơn 30% và nồng độ bụi mịn sẽ còn 18µg/m3 vào năm 2022. Seoul không giấu tham vọng rằng mình sẽ tương đương các thành phố như New York hay London với nồng độ bụi mịn đang ở rất gần với chỉ dẫn của WHO.
Hướng đối phó với ô nhiễm không khí của Hàn Quốc là “kêu gọi hợp tác, tạo môi trường thân thiện để mọi người tham gia thay vì ra luật” – theo lời của Jeong Hae Min. Sự thành bại những mục tiêu của nước này, vì vậy sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác của người dân. Khi được hỏi rằng khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện các chính sách môi trường, Kwon Min trả lời ngay là “nghĩ làm sao để người dân có thể tham gia tự giác”. Mặc dù trong tất cả các cuộc điều tra, mọi người dân Hàn Quốc đều coi siêu bụi là mối đe dọa đến tính mạng của mình nhưng liệu họ có dám thay đổi thói quen và sinh kế của mình để giảm thiểu bụi mịn cho cả thành phố lại là câu hỏi không dễ trả lời. Ai muốn đi xe vào thành phố chỉ vào ngày chẵn hoặc lẻ? Lái xe nào sẵn sàng bỏ việc hai ngày để đi thay thiết bị lọc không khí? Ai sẽ muốn dùng xe điện, thân thiện với môi trường hơn nhưng thiết kế không đẹp và sành điệu bằng xe xăng?
Bản thân chính quyền Hàn Quốc cũng luôn muốn tránh sự phản ứng từ khối tư nhân vì e ngại kìm hãm sự phát triển kinh tế. Chính vì vậy, việc kiểm soát phát thải đối với khối công nghiệp vẫn dựa trên tinh thần tự nguyện là chính, theo đó, các doanh nghiệp sẽ kí kết một văn bản thỏa thuận với Bộ Môi trường tự đặt ra mục tiêu phát thải của mình và thực hiện như đã hứa. Hơn nữa, các hạn mức mà Hàn Quốc đặt ra cho các lĩnh vực gây ô nhiễm mới chỉ dừng lại ở giai đoạn I và chưa công bố giai đoạn II với những tiêu chí chặt chẽ hơn. Ngoài ra, mặc dù ông Moon Jae In tuyên bố rằng sẽ giảm tỉ lệ điện than trên tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc trong tương lai thì Hàn Quốc mới chỉ “dám” đóng cửa các nhà máy điện than cũ, tiêu chuẩn lỗi thời (dự kiến sẽ đóng cửa 10 nhà máy đến năm 2022, hiện giờ đã đóng cửa 7 nhà máy) nhưng vẫn cấp phép xây dựng 7 nhà máy mới với công suất gấp đôi 10 cái đã đóng cửa, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2020 – 2022.
Những tổ chức hoạt động về môi trường, dĩ nhiên, không thỏa hiệp với sự “chùng chình” này. Jieon Lee, người điều phối tổ chức Friends of the Earth (tổ chức môi trường toàn cầu) của Hàn Quốc cho rằng, nếu nghĩ đến lợi ích kinh tế ngắn hạn thì về sau sẽ phải bỏ ra chi phí nhiều hơn thế giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến môi trường. “Chính phủ không gây áp lực lên các tập đoàn thì gánh nặng về sau sẽ quay về những người dân. Người dân Hàn Quốc giờ đã phải bỏ ra 22 tỉ USD chỉ cho tiền mua khẩu trang chống bụi và máy lọc không khí”.