Điển hình của vi phạm trên đất rừng phải kể đến xã Minh Phú (Sóc Sơn), xã Yên Bài, huyện (Ba Vì) đã và đang tồn tại công trình xây dựng với quy mô lớn trên đất rừng.
Theo quyết định phê duyệt quy hoạch rừng số 710/QĐ-UBND thành phố Hà Nội, diện tích rừng trên địa bàn là 26.621 ha; trong đó, tiện tích đất có rừng 25.217 ha, diện tích đất chưa có rừng 1.404 ha. Có 3 loại rừng ở Hà Nội là rừng đặc dụng: 11.143 ha; rừng phòng hộ: 8.970 ha; rừng sản xuất: 6.508 ha.
Tuy nhiên, hiện nay một số diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp đang bị sử dụng sai mục đích làm công trình nhà ở kiên cố, vi phạm trật tự xây dựng; sang nhượng đất rừng trái thẩm quyền diễn ra tràn lan.
Báo cáo số 77/BC- UBND thành phố Hà Nội chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên là do tồn tại nhiều cấp quản lý rừng, không đồng bộ. Hiện đang có các đơn vị quản lý rừng như: Ban quản lý rừng phòng hộ – đặc dụng Hà Nội; Vườn Quốc gia Ba vì; đơn vị quân đội; UBND xã quản lý đất rừng. Trong khi đó, việc cắm mốc giới rừng chưa được thực hiện đầy đủ, rõ ràng.
Ngoài ra, diện tích đất rừng còn chồng lấn với diện tích đất khác như đất nông nghiệp, nhà ở, đất vườn… của một số địa phương cũng gây khó khăn cho công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp. Một số chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với rừng và đất lâm nghiệp. Điều này dẫn đến xảy ra lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất rừng.
Tại phiên giải trình Hội đồng nhân dân thành phố về trật tự xây dựng diễn ra vừa qua, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thời gian tới tiếp tục chỉ đạo huyện Sóc Sơn, Ba Vì, các sở ngành liên quan triển khai thực hiện nội dung kết luận thanh tra của cấp có thẩm quyền để xử lý dứt điểm đối với các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất rừng.
“Mặt khác, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên Môi trường tổ chức giao đất gắn với giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức để rừng và đất lâm nghiệp thực sự có chủ. Đây là giải pháp cực kỳ quan trọng và là khâu then chốt để giải quyết dứt điểm các tranh chấp”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhìn nhận.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Chung, thành phố đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch lại rừng và đất lâm nghiệp đảm bảo phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Đồng thời, tiến hành đo đạc lại toàn bộ đất rừng, đất nông nghiệp, xây dựng bản đồ địa chính để cắm mốc giới rừng ngoài thực địa.
Trước việc có quá nhiều đơn vị cùng quản lý rừng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thông tin, sẽ thực hiện điều chỉnh phân cấp quản lý về cho địa phương quản lý rừng, hạn chế chuyển đổi diện tích các loại rừng và diện tích đất lâm nghiệp sang mục đích khác.
Liên quan đến buông lỏng quản lý và sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn thời gian qua, Thanh tra thành phố đã đề nghị UBND thành phố cho phép cơ quan này chuyển hồ sơ vụ việc tới cơ quan công an đối với những vụ việc có chứng cứ rõ ràng để xử lý.
Đồng thời, Thanh tra thành phố kiến nghị UBND thành phố Hà Nội giao huyện Sóc Sơn kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể và cá nhân qua các thời kỳ từ năm 2006 -2018 do buông lỏng quản lý về đất đai, trật tự xây dựng để xảy ra các vi phạm.
Đặc biệt, huyện Sóc Sơn cần tổ chức tháo dỡ đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng từ năm 2017 – 2018 tại các xã: Quang Tiến, Tiên Dược, Phù Linh, Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, Hiền Ninh, để trả lại nguyên trạng ban đầu.
Thanh tra thành phố cũng chỉ ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng phải kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với những thiếu sót của các bộ phận liên quan; trong đó, tập trung kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ – đặc dụng Hà Nội và Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Chi nhánh huyện Sóc Sơn trong việc để xảy ra những vi phạm kể trên, làm thủ tục chuyền quyền sử dụng đất không đúng quy định; xét cấp Giấy chứng nhận không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.