Nhân kỉ niệm ngày Đại dương thế giới (8/6), với chủ đề “Cùng chung tay giữ màu xanh của biển”, “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam” được diễn ra từ ngày 1/6 đến 8/6/2018 tại Quảng Ninh.
Đây là hoạt động hưởng ứng ngày Đại dương thế giới, với mục tiêu khơi dậy lòng tự hào, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tập trung phát triển kinh tế biển, khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Một trong những chiến dịch ra quân vệ sinh môi trường biển, thu gom xử lý rác thải, chất thải, trong đó có rác thải nhựa.
Như chúng ta đã biết, chất thải nhựa là một thành phần chủ yếu của rác thải biển, chiếm khoảng 50 – 80% lượng rác thải biển. Ước tính, hơn 80% chất thải nhựa có nguồn gốc từ đất liền, phần còn lại là nhựa được xả trực tiếp trên biển. Hiện nay, lượng rác thải nhựa trên biển ngày càng gia tăng, gây tác hại cho môi trường và các loài động vật biển.
Thống kê của Tổ chức Bảo vệ Môi trường biển Ocean Conservancy cho thấy, 90% lượng rác thải trôi nổi trên biển là rác thải nhựa gồm: vỏ bánh kẹo, chai lọ nhựa, túi nilon, thìa, dĩa, ống hút…
Theo kịch bản xấu nhất mà Ocean Conservancy và công ty tư vấn McKinsey dự báo,tới năm 2025, cứ có 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa trên đại dương. Lượng nhựa được tiêu thụ hàng năm tại châu Á được dự kiến sẽ tăng tới 80% trong 10 năm tới, vượt ngưỡng 200 triệu tấn vào năm 2025. Số rác thải này không những “sinh sôi” thêm hàng năm mà còn tồn tại rất lâu. Ước tính, chúng mất hơn 400 năm để có thể phân hủy.
Rác thải nhựa không chỉ chiếm một phần môi trường sống của các sinh vật biển mà còn là nguyên nhân gây ra các bệnh gây tử vong cho các cá thể sống tại đây. Đặc biệt, nghiên cứu y khoa cho thấy, các loài cá ăn phải hạt nhựa trên biển sẽ mắc bệnh về gan và dẫn đến tử vong do cơ thể không có khả năng tiêu hóa hay lọc độc (hợp chất chống cháy, chất độc PCB…) từ các hạt này. Bởi vậy, rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng chính là “tử thần” của các sinh vật biển.
Không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh vật biển, sức khỏe của con người, sự gia tăng rác thải nhựa còn ảnh hưởng đến kinh tế các nước. Nghiên cứu mới nhất của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á -Thái Bình Dương (APEC) cho thấy, các nước thành viên đang phải chi trả tới 1,3 tỷ USD/năm để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trên biển. Trong khi đó, mỗi năm, thế giới chi tới 80 tỷ – 120 tỷ USD để sản xuất bao bì nhựa.
Có nhiều biện pháp để kiểm soát chất thải nhựa biển, trong đó có một biện pháp được gọi là công cụ kinh tế thị trường (MBI). Công cụ này có thể thay đổi chi phí hay giá cả thị trường để tạo động lực kinh tế; có thể tập trung vào các sản phẩm (túi nhựa), dịch vụ (thu gom rác thải), hoạt động (đổ rác), đầu vào (nguyên vật liệu)… giúp thay đổi hành vi và gây quỹ.
Đáng lưu ý có biện pháp kỹ thuật/công nghệ hiện có (BATs) để hạn chế chất tác hại của ngư cụ thất lạc, bỏ đi : Bắt buộc gắn đèn trên lưới kéo, sử dụng pin mặt trời; đánh dấu lưới (hóa học, màu, đính nhãn, thiết bị phát tín hiệu); kỹ thuật làm lưới chìm hoặc trôi nổi ở một số độ sâu ít ảnh hưởng đến sinh vật nhất; lưới làm từ vật liệu phân hủy sinh học; sử dụng cáp thép để cố định phao. BATs để thu gom và loại bỏ rác ở sông và càng còn có rào cắn nổi và máy gắp rác.
Ngoài ra, có thể áp dụng xử lý chất thải nhựa (chôn lấp, đốt rác) và tái chế, thu hồi chất thải (biến nhựa thành nhiên liệu, biến lưới cá thành điện). Cùng với đó là việc tuyên truyền, giáo dục, đây được coi là bước quan trọng nhằm thay đổi hành vi và từng bước xây dựng thái độ có trách nhiệm hơn về bảo vệ môi trường.
Ô nhiễm nhựa trên biển đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng nên rất cần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng nhằm sử dụng các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa, giảm thiểu việc thải bỏ chất thải nhựa ra biển. Cạnh đó, phải thực hiện phân loại rác tại nguồn, thúc đẩy việc tái sử dụng tái chế chất thải nhựa. Đồng thời, xây dựng chính sách pháp luật về chất thải nhựa biển và áp dụng công cụ kinh tế góp phần giảm thiểu chất thải nhựa tràn ra đại dương.