Trong khi phong trào dọn rác đang được các bạn trẻ Việt Nam ủng hộ và thực hiện rầm rộ thì cái gốc của vấn đề là làm sao để ngăn rác ra môi trường vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Một phần do các chính sách liên quan đến hạn chế, phân loại rác nhất là rác nhựa, túi nylon vẫn còn khá chậm chạp.
Vì sao túi nylon vẫn được ưu đãi về thuế?
Có thể nhìn thấy rõ nhất: Thủ phạm đầu tiên gây ra “nạn rác” chính là các loại túi nylon khó phân hủy đang được sử dụng tràn lan.
Báo Lao Động đã từng phản ánh thực tế: Ô nhiễm môi trường do chất thải túi nylon hay còn gọi là “ô nhiễm trắng”, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người. Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia xả rác hàng đầu ra biển, đóng góp tới 60% lượng rác thải nhựa trong các vùng biển trên thế giới. Các con số cũng chỉ ra rằng riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nylon, trong đó phần lớn là túi nylon khó phân hủy. “Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nylon không được tái sử dụng mà thải bỏ, lượng chất thải nhựa và túi nylon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm” – đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin.
2,5 triệu tấn đó đi đâu? Xin thưa chỉ một phần dùng cho việc tái chế, hoặc đốt. Còn lại là hàng triệu tấn vẫn bị đẩy ra môi trường, vứt xuống biển hoặc chôn lấp.
Ở nhiều nước việc hạn chế túi nylon khá triệt để: Hoặc cấm hẳn túi nylon không thân thiện với môi trường, thay thế bằng những vật liệu thân thiện, có khả năng tự phân hủy hoặc đánh thuế thật cao để người dân hạn chế sử dụng.
Ở Việt Nam, các giải pháp thay thế túi nylon khó phân hủy chưa phát huy hiệu quả trong khi túi nylon vẫn được quá ưu ái về thuế.
Theo Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1.1.2019 thì việc áp thuế BVMT đối với túi nylon từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg. Thế nhưng nghịch lý là việc thu thuế môi trường đối với túi nylon lại rất nhỏ giọt. Bộ Tài chính cho biết số tiền thu thuế từ túi nylon chỉ khoảng 54 tỉ đồng/năm. Khi áp mức trần mới là 50.000 đồng/kg thì ngân sách dự kiến sẽ thu 67,5 tỉ đồng, tăng 13,5 tỉ đồng. Đây là con số quá nhỏ.
Nói cách khác, doanh nghiệp sản xuất túi nylon đang được hưởng lợi rất nhiều từ chính sách thuế. Theo Bộ Tài chính, các quy định về thuế đối với túi nylon hiện nay nhằm đảm bảo nguyên tắc thuế BVMT chỉ thu đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích sản xuất và sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, quy định này cũng dẫn tới việc các doanh nghiệp lách luật khi kê khai nộp thuế BVMT, từ đó dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước. Ngoài ra, hiện nay các cơ sở sản xuất túi nylông không thân thiện với môi trường, chất lượng thấp chủ yếu là các cơ sở sản xuất nhỏ, thực hiện nộp thuế khoán (số thuế này không được thống kê vào số thu thuế BVMT).
Các đơn vị sản xuất túi nylon cũng không ngần ngại lách luật ví dụ như doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng túi nylon thuê doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa gia công cho mình để không phải chịu thuế.
Thất thu thuế là một chuyện nhưng từ ưu đãi và những lỗ hổng này dẫn đến tình trạng giá túi lylon khó phân hủy trên thị trường cực rẻ, chỉ 40.000-50.000 đồng/kg, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, sử dụng và đẩy ra môi trường.
Trước những thông tin báo chí đăng tải về “Lỗ hổng pháp luật từ thuế bảo vệ môi trường: Thất thu nghìn tỉ đồng với túi nylon”, vào tháng 10.2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ những nội dung được báo phản ánh nêu trên.
Tuy nhiên cho đến nay, chưa có điều chỉnh cụ thể nào về vấn đề trên. Nhiều chuyên gia khẳng định phải tăng thuế thật cao cho túi nylon khó phân hủy để tác động lên ý thức từ bỏ thói quen này ở người dân.
Tạo chính sách cho xử lý rác
Tháng 12.2018, hình ảnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nán lại sân Mỹ Đình sau trận đấu ở AFF Cup để cùng các bạn trẻ dọn rác trên khán đài là một hình ảnh đẹp, có tính chất động viên, khích lệ và tạo phong trào, ý thức dọn rác.
Thế nhưng, chính những doanh nghiệp tham gia quá trình xử lý rác thải cũng cần những chính sách khích lệ, động viên tạo hành lang thông thoáng để đầu tư công nghệ, máy móc nhằm xử lý triệt để rác thải.
Trên tờ VnExpess.net ông Đặng Huy Đông – nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cũng đã nêu những bất cập của các doanh nghiệp khi đầu tư vào việc xử lý rác ở một số địa phương. Theo ông Đông, công nghệ đốt rác và chôn rác là lạc hậu và cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường nhưng khi đầu tư vào công nghệ mới thì gặp khó khăn.
“Tôi được biết các tỉnh luôn có từ 15-40 hồ sơ đăng ký đầu tư với các công nghệ ở khắp nơi trên thế giới, việc này khiến các địa phương rất lúng túng vì không biết chọn loại công nghệ nào. Các hội đồng thẩm định được lập ra để xét duyệt hồ sơ tuy nhiên lại thiếu tính thực tế. Công nghệ có thể rất hiện đại nhưng khi áp dụng vào Việt Nam thì không thành công. Chúng ta không bàn về công nghệ mà cần bàn về chất lượng đầu ra thực tế sau quá trình xử lý rác. Trước nay vì đánh giá theo công nghệ nên mới có chuyện các nhà đầu tư chạy chứng nhận thẩm định ở bộ nọ, sở kia mà thực tế lại không làm được như mục tiêu ban đầu”.
Theo ông Đông: “Nên có một bộ quy chuẩn quốc gia về phương pháp xử lý rác do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý. Qua đó, cho phép các nhà đầu tư với các công nghệ khác nhau được tham gia cạnh tranh, với các hồ sơ chưa có nhà máy thì phải cho chạy thử trên nền rác thực tế của Việt Nam. Và cơ quan đến đo đếm phải làm theo tiêu chuẩn của Việt Nam chứ không theo tiêu chuẩn mà họ giới thiệu. Các thông số đo bằng máy sẽ không biết nói dối và giúp chúng ta chọn được nhà đầu tư.
Nếu làm được như vậy thì việc quản lý các nhà máy rác trên cả nước sẽ thuận lợi hơn và có thể quy trách nhiệm nếu để xảy ra vấn đề. Trong trường hợp có công nghệ mới thì chúng ta lại cho thử nghiệm và nếu đạt được hiệu quả tốt hơn công nghệ cũ thì sẽ cho thay thế. Điều này tạo được động lực cạnh tranh trong chính các doanh nghiệp xử lý rác vì anh có thể sẽ bị loại nếu để tụt hậu”.
Xử lý rác, bên cạnh việc xã hội hóa là nâng cao ý thức người dân, để dân chủ động phân loại, xử lý rác thì phía chính quyền cũng cần có những quy hoạch và dành quỹ đất phù hợp cho các điểm tập kết, khu xử lý, giờ thu gom… một cách đồng bộ, tương ứng với bài toán phát triển đô thị của mình; có chính sách ưu đãi, ngân sách hỗ trợ cho tổ chức cá nhân tham gia chuỗi xử lý, thu gom phù hợp với tình hình tài chính của mình… Cần có chế tài với người dân, doanh nghiệp không tuân thủ quy định hay mục tiêu yêu cầu của chính quyền. Có như thế, việc xử lý rác mới không rơi vào cái vòng luẩn quẩn như hiện nay.