Năm 2016, tổ chức bảo tồn động vật hoang dã quốc tế (FFI) đã có cuộc khảo sát trên địa bàn huyện KonPlông tỉnh Kon Tum, đã phát hiện 500 cá thể voọc chà vá tại khu vực này.
Quần thể voọc chà vá nói trên phân bố rải rác trên nhiều lâm phần rừng thuộc nhiều đơn vị khác nhau trên địa bàn như lâm phần Công ty TNHH KonPlông; Ban Quản lý rừng phòng hộ thạch Nham; các khu rừng cộng đồng và rừng sản xuất do UBND các xã trên địa bàn quản lý.
Tuy nhiên, do công tác bảo tồn và duy trì sự sinh tồn của quần thể voọc chà vá mới phát hiện đòi hỏi nhiều nỗ lực và các hành động cụ thể từ cơ quan quản lý địa phương cũng như hỗ trợ của các nhà khoa học và các tổ chức xã hội.
Nhằm tham vấn, bảo tồn loài voọc chà vá này trên địa bàn, chiều 25-3, tại khu du lịch sinh thái Măng Đen huyện KonPlông, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum phối hợp Trung tâm Green Viet và tổ chức FFI, các đơn vị, công ty, các xã trên địa bàn huyện Kon Plông tổ chức Hội thảo “Tham vấn bảo tồn loài chà vá chân xám trên địa bàn tỉnh Kon Tum”.
Tại Hội thảo, đã có 5 tham luận và ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý và chính quyền địa phương nêu ý kiến về các giải pháp khả thi nhằm bảo tồn quần thể voọc chà vá chân xám trên địa bàn. Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã được cập nhật thông tin về hiện trạng quần thể voọc chà vá chân xám trên địa bàn, những thuận lợi, khó khăn và cơ hội bảo tồn loài voọc này.
Voọc chà vá chân xám là loài đặc hữu có phân bố tự nhiên hạn hẹp trong các khu rừng tự nhiên thuộc năm tỉnh miền trung Việt Nam, gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai và Kon Tum. Loài này được xếp hạng cực kỳ nguy cấp trong danh mục đỏ thế giới từ năm 2008 và Sách đỏ Việt Nam năm 2007.
Hiện nay, số lượng cá thể của loài này đang tiếp tục trên đà suy giảm nghiêm trọng bởi áp lực về giảm diện tích rừng, nạn săn bắn trái phép và sinh cảnh sống bị chia cắt, cách ly.