Các hoạt động trong khuôn khổ dự án “Phụ nữ ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu ở Trà Vinh” rất hữu ích và phù hợp với điều kiện của địa phương, đã góp phần giải quyết các vấn đề về nước sạch một cách bền vững; đồng thời tăng cường vai trò trong công tác phòng ngừa giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đó là một trong những nội dung đã được đưa ra tại Hội thảo giới thiệu về dự án “Phụ nữ ứng phó với thiên tai và biến đối khí hậu ở Trà Vinh” do ActionAid Việt Nam tổ chức ngày 22/3, tại thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
Dự án là sáng kiến hợp tác giữa tổ chức ActionAid Việt Nam, ActionAid Thụy Điển và ForumSyd – cơ quan kết nối tài trợ của Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế của Chính phủ Thụy Điển (SIDA) dành cho các chương trình hỗ trợ phụ nữ ở hơn 70 nước trên thế giới.
Theo đó, dự án sẽ hỗ trợ những phụ nữ phải đối mặt với các vấn đề về nước sạch do ảnh hưởng bất lợi của thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra tại thành phố Trà Vinh có giải pháp tại chỗ và bền vững xử lý các vấn đề, góp phần xây dựng cộng đồng có khả năng chống chịu; cải thiện tiếp cận dịch vụ công về cấp thoát nước. Cụ thể là, dự án sẽ hỗ trợ thành lập và nâng cao năng lực của các nhóm phụ nữ phát triển cộng đồng; thực hiện các sáng kiến lọc nước bằng năng lượng mặt trời và thủy sinh, góp phần giải quyết các vấn đề về nước sạch tại cộng đồng chịu ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu; vận động nhân rộng các mô hình và sáng kiến của dự án. Dự án được thực hiện từ tháng 1/2019 đến tháng 6/2020.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt trong bối cảnh Đồng bằng sông Cửu Long phải ứng phó với hạn hán, nhập mặn, và nguồn nước bị ảnh hưởng. Quá trình lập kế hoạch giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ chưa thể thành công nếu không có sự tham gia và đóng góp của phụ nữ. Cộng đồng cần phát huy khả năng và sáng kiến của phụ nữ khi phòng ngừa giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, từ những kết quả đã đạt được khi dự án triển khai, cần nhân rộng, chuyển đổi kinh nghiệm từ cơ sở thành chính sách, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực phụ nữ, để họ trở thành người thúc đẩy sự phát triển bền vững tại địa phương.
Chị Thạch Thị Xinh ở khóm 1, Phường 9, thành phố Trà Vinh chia sẻ: “Khu vực tôi sinh sống cũng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu như nắng hạn kéo dài, thiếu nước sạch… Chị em phụ nữ trong phường cũng muốn khắc phục nhưng còn thiếu thông tin và giải pháp.
Khi biết dự án phụ nữ ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu tại Trà Vinh có nhiều hoạt động thiết thực, tôi và các chị em liền đăng ký tham gia vào nhóm phụ nữ phát triển cộng đồng. Sắp tới nhóm sẽ tham gia nhiều sáng kiến, chúng tôi hy vọng sắp tới sẽ đỡ phải dùng nước không sạch”.
Nhấn mạnh ý nghĩa của dự án đối với người dân địa phương, đồng chí Nguyễn Nam Cường – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Long Đức (thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) cho biết, các hoạt động trong khuôn khổ dự án rất hữu ích và phù hợp với điều kiện của xã Long Đức, đặc biệt là các ấp ở vùng sâu vùng xa chưa tiếp cận được nguồn nước sạch.
Các giải pháp lọc và xử lý nước sạch bằng phương pháp thủy sinh và năng lượng mặt trời mà dự án hỗ trợ sẽ góp phần giải quyết các vấn đề về nước sạch một cách bền vững ở địa phương. Có thể nói, dự án đã giúp phụ nữ địa phương tăng cường vai trò trong công tác phòng ngừa giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.