Việc Việt Nam trở thành điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực cũng là yếu tố để bất động sản công nghiệp có đà phát triển.
Từ lúc Việt Nam chỉ có khoảng 335 ha đất dành riêng cho các khu công nghiệp thời kỳ mở cửa năm 1986, đến nay con số này tăng lên 80.000 ha và là minh chứng sinh động nhất về tăng trưởng mạnh mẽ của khu công nghiệp.
Việc Việt Nam trở thành điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực cũng là yếu tố để bất động sản công nghiệp có đà phát triển.
Theo các chuyên gia, với chính sách cho các nhà đầu tư thuê đất cũng sẽ tạo ra “bước đột phá trong thu hút đầu tư nước ngoài”.
Nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ, phân khúc công nghiệp đang đạt được hiệu suất mạnh mẽ, sẽ tiếp tục phát triển, nâng cao hình ảnh quốc gia là một cơ sở và thị trường hấp dẫn cho sản xuất, hậu cần có giá trị cao.
Dưới góc độ của một trong những nhà phát triển bất động sản công nghiệp “cho thuê” lớn nhất tại Việt Nam, ông Greg Ohan – Phó Tổng Giám đốc BW Industrial nhận xét, kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng đang trở thành một trong những điểm đến thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế vĩ mô tích cực và ổn định.
Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản công nghiệp, kho vận đang nhận được sự quan tâm từ nhiều phía nhất là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) với nhiều tiềm năng phát triển.
Về phía doanh nghiệp, BW Industrial khẳng định cũng sẽ thực hiện sứ mệnh nâng tầm phát triển bền vững bất động sản công nghiệp tại Việt Nam bằng việc thúc đẩy sự tăng trưởng của quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phía BW Industrial kỳ vọng sẽ trở thành nhà vận hành công nghiệp và kho vận hành đầu cho sự phát triển của các lĩnh vực như sản xuất, thương mại điện tử – ông Greg Ohan chia sẻ.
Đánh giá về sự tăng trưởng mạnh mẽ và phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng có 4 lý do. Trước tiên là nhờ Việt Nam đang phát triển ngành kinh tế xuất khẩu.
Tiếp đó, sự phát triển của các khu công nghiệp và kinh tế chuyên biệt đã có quy hoạch cụ thể; Việt Nam cũng đã tham gia vào nhiều Hiệp định Thương mại tự do. Đặc biệt, những năm qua, kinh tế Việt Nam cũng có những bước tăng trưởng khá mạnh mẽ.
Những yếu tố này đã góp phần thu hút một lượng vốn đầu tư đáng kể từ các tập đoàn nước ngoài. Điển hình như khi Samsung công bố đã đầu tư hơn 17 tỷ USD vào Việt Nam thì sự kiện này cũng đã tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng của thị trường này trong mắt nhà đầu tư trên khắp thế giới.
Việt Nam đang phát triển nền kinh tế theo hướng xuất khẩu và khuyến khích kinh doanh trong lĩnh vực này. Điều này được thể hiện rõ qua việc phát triển các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm tại ba miền Bắc, Trung và Nam.
Đồng thời, việc tham gia vào 18 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cũng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh cho các công ty nội địa và nước ngoài.
Hiện thị trường bất động sản công nghiệp ở Việt Nam, bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và các bất động sản hậu cần khác, đang trong giai đoạn mới phát triển.
Nếu Khu kinh tế trọng điểm miền Nam được xem là khu vực tiên phong trong thị trường này với sự tập trung của rất nhiều ngành hàng truyền thống thì với lợi thế phát triển sau, khu kinh tế trọng điểm miền Bắc lại thu hút nhiều nhóm ngành công nghệ cao và tiên tiến hơn. Khu kinh tế trọng điểm miền Trung là khu vực mới được tập trung phát triển gần đây.
Tính đến cuối tháng 6/2018, Thành phố Hồ Chí Minh đạt tổng diện tích khu công nghiệp là 4.206 ha với tỷ lệ lấp đầy 77%, Đồng Nai là 9.813 ha và tỷ lệ lấp đầy đạt 85%; Bình Dương là địa phương có diện tích khu công nghiệp lớn nhất với 10.931 ha và tỷ lệ lấp đầy 88%; Bình Phước 1.305 ha, tỷ lệ lấp đầy 85%.
Đáng chú ý, theo Công ty TNHH Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL), nước láng giềng Trung Quốc đang dần chuyển từ nền công nghiệp cơ bản sử dụng nhiều lao động sang một nấc thang mới trong chuỗi giá trị đã tạo ra một làn sóng dịch chuyển công xưởng ra khỏi nước này đến các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.
Nhờ vào vị trí chiến lược của mình, Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi và cơ hội cần phải nắm bắt kịp thời với làn sóng dịch chuyển của các công ty từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Ông Stephen Wyatt – Tổng Giám đốc JLL Việt Nam nhận định, với tham vọng thúc đẩy Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp mới tại Đông Nam Á và cũng tương tự như quá trình phát triển ở các nước khác trong khu vực, thị trường công nghiệp Việt Nam sẽ sớm chuyển mình và phát triển lên một tầm cao mới.
Việt Nam sẽ chuyển dịch từ một thị trường sử dụng nhiều lao động (labour-intensive) sang thị trường phát triển tập trung nhiều vốn (capital-intensive).
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh đi kèm với sự dịch chuyển trong chuỗi giá trị đã và đang mở ra tương lai tươi sáng cho thị trường bất động sản khu công nghiệp, nhất là khi dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn chuyển động theo chiều hướng tăng tích cực.
Thực tế gần đây cho thấy, các nhà sản xuất châu Á muốn tận dụng lợi thế của Việt Nam với lực lượng lao động trẻ trung, có tay nghề và mức lương chỉ bằng một nửa so với đội ngũ sản xuất của Trung Quốc.
Nếu so với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan, giá nhân công của Việt Nam thấp hơn rất nhiều.
Theo ông Troy Griffiths – Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh đi kèm với sự dịch chuyển trong chuỗi giá trị đã và đang mở ra tương lai tươi sáng cho thị trường bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để phát triển bất động sản công nghiệp, thị trường logistics (kho vận) cũng là một trong những yếu tố có vai trò quan trọng. Rất nhiều chuyên gia cho rằng thị trường logistics sẽ phát triển “nổi bật” trong vòng 5-10 năm nữa.
Tầng lớp trung lưu với thu nhập khả dụng tăng cao và sự lan tỏa mạnh mẽ của thương mại điện tử ngày nay sẽ là những xung lực, nguồn cầu thúc đẩy thị trường logistics phát triển.
Ông Jeffrey Perlman – Giám đốc Điều hành và Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Warburg Pincus – đơn vị tiên phong trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam cho rằng, với sự dịch chuyển cơ sở sản xuất từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam cũng như sự gia tăng nhanh chóng của sản lượng tiêu thụ nội địa, thị trường bất động sản khu công nghiệp và dịch vụ logistics đã đến thời điểm chín muồi cho tăng trưởng vượt bậc.
Trong xu thế mở cửa hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam đang gia tăng, nhất là các đơn vị muốn đặt cơ sở sản xuất để tận dụng nguồn nhân công rẻ thì khu công nghiệp lại “đắt khách”.
Phát triển bất động sản công nghiệp cũng sẽ tỷ lệ thuận với dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp. Một số doanh nghiệp ngoại cũng nhìn ra đích ngắm ở phân khúc này, tạo nên làn sóng mới trong phát triển bất động sản khu công nghiệp. Điểm nổi bật của nhà đầu tư ngoại là cách tổ chức, sắp xếp cơ cấu ngành hàng cho từng khu công nghiệp.
Muốn thành công, chủ đầu tư bất động sản khu công nghiệp bắt buộc phải nắm được nhu cầu của từng khách hàng, nhóm các ngành hàng thích hợp vào với nhau, bố trí tỷ trọng hợp lý… Điều này sẽ giúp doanh nghiệp thuê đất khu công nghiệp hoạt động thuận lợi hơn.