Từ tháng 7/2018 đến nay, nhiều hộ dân sản xuất cá giống ở xã Kha Sơn và Trại cá Hòa Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên phát hiện tình trạng cá chết bất thường.
Qua theo dõi, người dân nghi ngờ nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này do hoạt động khai thác khoáng sản phía thượng nguồn các con suối đổ ra sông Đào, làm cho nước sông bị ô nhiễm.
Bà Kiều Thị Phú (xóm Bình Định, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, gia đình bà phát triển nghề ương nuôi cá giống đã hơn 20 năm nhưng chưa năm nào có tình trạng cá chết nhiều như năm nay. Từ tháng 7/2018 đến nay, khoảng 600 kg cá giống trong hồ (cá bố mẹ) bị chết bất thường, trong đó có nhiều cá lớn 5 – 8 kg. Cá chết vớt lên kiểm tra có hiện tượng bùn đỏ bám đầy vào mang cá.
Xóm Bình Định, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình có 8 hộ gia đình chuyên ươm nuôi cá giống với diện tích mặt nước gần 9 ha. Nghề nuôi cá giống giúp các hộ dân có việc làm, thu nhập ổn định, thoát nghèo. Nhưng đến nay, trước tình trạng cá chết bất thường, nhiều hộ dân không dám mở rộng diện tích nuôi cá. Ông Nguyễn Hữu Khang (xóm Bình Định, xã Kha Sơn) chia sẻ, gia đình ông có 1,2 ha ao nuôi cá. Trước đây, gia đình ông ương nuôi 8 bể cá giống, mỗi bể 40 vạn con nhưng nay chỉ dám ương nuôi 3 bể cá giống/lứa. Nguồn nước sử dụng cho ao hồ ở đây đều lấy từ sông Đào, từ lúc nước sông bị đục đỏ cũng là lúc xuất hiện cá chết. Do đó, gia đình ông Khang và người dân nghi nguồn nước đang bị ô nhiễm.
Tại Trại cá giống Hòa Sơn, thuộc Trung tâm Khai thác thủy sản Thái Nguyên (thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình) chuyên về sản xuất cá giống và cá thương phẩm cũng xuất hiện tình trạng cá chết bất thường. Theo chị Lương Thị Út Tư, cán bộ Trại cá giống Hòa Sơn, khi thấy hiện tượng nước sông đục đỏ, các cán bộ của Trại cá đã cho nước chảy qua bể lắng, bể lọc, rồi mới dẫn vào bể ương cá nhưng nước vẫn đục, bể lắng nhiều bùn đỏ.
Để hạn chế tình trạng cá chết, các hộ dân thực hiện nhiều phương pháp khác nhau như dùng vôi bột rắc xuống bể để bùn lắng xuống đáy, dùng thuốc… nhưng cá con vừa nở ra vẫn bị bùn đất bám vào thân, nhiều bể cá giống chuẩn bị được xuất bán, lượng cá giống vẫn chết đến 80%.
Đi dọc sông Đào, theo ghi nhận của phóng viên, nước sông có màu đục ngầu, đỏ quạch. Đến khu vực Cống 10 cửa (xã Đồng Liên, thành phố Thái Nguyên), nguồn nước đục đỏ chảy ra từ suối Ngàn Me. Suối Ngàn Me bắt nguồn từ khu vực xã Cây Thị, và thị trấn Trại Cau của huyện Đồng Hỷ. Hiện nay, suối bị ô nhiễm nghiêm trọng, dòng nước đỏ cuốn theo nhiều bùn. Ông Đặng Quốc Tuấn (tổ 14 thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ) cho biết, sở dĩ có hiện tượng nước đục đỏ như trên là do các hoạt động khai thác, tuyển rửa quặng của các doanh nghiệp khai khoáng xả ra suối. Hiện nay, người dân không thể sử dụng nước suối phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau (huyện Đồng Hỷ) khẳng định, trên địa bàn có một số doanh nghiệp khai thác tuyển rửa quặng. Quá trình tuyển rửa quặng đã thải nước đục đỏ ra suối gây ô nhiễm. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị với các cấp nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Người dân mong muốn, các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn cần có nghiên cứu đánh giá để tìm ra nguyên nhân cụ thể tình trạng cá chết bất thường, đặc biệt cần xử lý tình trạng xả thải nguồn nước ô nhiễm ra sông suối, trả lại môi trường trong sạch cho nguồn nước suối Ngàn Me và sông Đào.