Là xã có nhiều tiềm năng về khoáng sản (cát), những năm trước đây người dân xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên tự do khai thác cát trái phép, gây thất thoát nguồn tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường sống và trực tiếp là sản xuất nông nghiệp của người dân.
Từ năm 2015 trở lại đây, nhờ sự vào cuộc xử lý quyết liệt của chính quyền xã, những hành vi khai thác cát trái phép đã được xử lý triệt để, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản và không làm mất đi diện tích đất hoa màu của người dân.
Xã Thanh Chăn nằm ở phía tây huyện Điện Biên, là một xã biên giới giáp Lào, với 1.245 hộ, 5.220 nhân khẩu thuộc 21 đội, bản. Xã có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó, dân tộc Thái chiếm khoảng 50% dân số xã, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp hoặc kinh doanh nhỏ, lẻ.
Trước những năm 2014, việc khai thác cát diễn ra bừa bãi ở khu vực bản Co Mỵ, bản Pa Lếch và đội 15 xã Thanh Chăn kéo dài, trải dọc hơn 1km bờ sông Nậm Rốm và hoạt động thường xuyên trên địa bàn không có sự kiểm tra, giám sát hay quản lý của cơ quan chức năng và chính quyền xã. Đối tượng khai thác cát ở đây chủ yếu là người dân bản địa, dân khai thác cát một phần vì lợi ích kinh tế mà cát mang lại, một phần để phục vụ đời sống như: xây nhà, xây các công trình phụ khác…
“Trước đây, người Thái chủ yếu làm nhà sàn nên nhu cầu sử dụng cát còn ít. Nay, người dân chuyển sang xây nhà bằng bê tông nên đã tự ý khai thác cát một cách bừa bãi, khiến một số diện tích đất nông nghiệp bị sụt lún. Ban đầu người dân chủ yếu khai thác cát trên đất hoa màu của nhà mình, sau khi lượng cát hết người dân lại thu mua đất của những nhà khác để tiếp tục khai thác cát làm thất thoát lượng lớn tài nguyên cát trên địa bàn xã. Mặt khác, người dân trên địa bàn xã chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên trình độ hiểu biết còn chưa cao, chính quyền xã cũng chưa có những biện pháp quản lý, xử phạt nên tình trạng khai thác cát bừa bãi đã diễn ra kéo dài trong nhiều năm qua” – Ông Lò Đức Vượng – Phó chủ tịch UBND xã Thanh Chăn cho biết.
Năm 2014, xã Thanh Chăn là 1 trong 11 xã của toàn quốc được Trung Ương lựa chọn thực hiện thí điểm chương trình xây dựng nông thôn mới. Ý thức trước vai trò của địa phương trong việc xây dựng nông thôn mới và việc quản lý nguồn tài nguyên cát, quỹ đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Trong năm 2015, Thanh Chăn đã đưa ra kế hoạch bảo vệ môi trường và bảo vệ tài nguyên đất, ngăn chặn các hành vi xâm phạm nguồn tài nguyên đất và nạn khai thác cát bừa bãi. Vận động người dân tham gia ký hương ước thôn bản, không khai thác cát trái phép để giữ vững nguồn tài nguyên đất, nhằm phát triển diện tích đất nông nghiệp bảo đảm đời sống cho người dân bền vững lâu dài.
Nhờ đó, năm 2015, xã Thanh Chăn đã về đích nông thôn mới. Ông Lò Đức Vượng – Phó chủ tịch UBND xã Thanh Chăn phấn khởi: Từ khi được chọn là xã thí điểm chương trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã luôn quyết liệt tuyên truyền, chỉ đạo người dân nỗ lực hơn nữa trong công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường, đặc biệt là cát. Sau khi trình UBND cấp huyện, tỉnh, xã đã đưa ra những quy định nghiêm cấm khai thác cát trái phép và có những quyết định xử lý với những hành vi cố tình làm trái quy định. Thực hiện tuyên truyền, vận động người dân không xả rác bừa bãi ra sông và các bãi cát ngoài bờ sông để luôn giữ môi trường xanh- sạch- đẹp.
Từ năm 2015 đến nay, tình trạng khai thác cát bừa bãi trên địa bàn xã Thanh Chăn đã được xử lý dứt điểm và không còn tái diễn, chất lượng nông sản tăng nhờ những bãi đất màu phù sa, môi trường sống được bảo vệ, đời sống đồng bào dân tộc trên địa bàn xã ngày càng nâng cao. Nguồn tài nguyên đất, cát được bảo vệ nhờ sự quyết tâm vào cuộc mạnh mẽ của địa phương.