AFGC chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngày 20/3, tại TP. Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị thường niên lần thứ 19 Tổ chức Hợp tác nông dân châu Á (AFGC) với chủ đề: “Vai trò của các tổ chức hợp tác nông dân nhằm giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu đối với nông dân châu Á”.

Hội nghị do Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với AFGC tổ chức.

Giáo sư Kazuyuki Yagi Trường Đại học Công nghệ Thonburi King Mongkut’s (KMUTT) Thái Lan cảnh báo tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã rất rõ ràng tại các khu vực trên thế giới. Khí hậu châu Á đang nóng lên (từ 1 độ C trở lên), nếu không có biện pháp ứng phó sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sản lượng, chất lượng cây trồng (lúa mì, gạo, ngô…) ở các khu vực nhiệt đới và ôn đới.

Theo ông U.G. Dayananda, Chủ tịch Mạng lưới Nông dân độc lập của Sri Lanka (IFN), BĐKH gây tác động xấu tới sản xuất lương thực của Sri Lanka do thiếu nước. Trong thập kỷ qua, sản lượng lúa đã giảm khoảng 30%-40%. Do đó, Sri Lanka phải nhập khẩu lúa gạo, điều này ảnh hưởng đến nông dân, gây khó khăn cho họ trong việc duy trì nguồn thu nhập.

Từ đó, ông khuyến nghị các nước trong khu vực cần chủ động hướng dẫn nông dân thay đổi cơ cấu vụ mùa, thay đổi vòng đời của nguyên liệu sản xuất, ứng dụng công nghệ để hướng tới nền nông nghiệp bền vững trong bối cảnh dân số tăng. Các nước như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia cần kiểm soát độ ẩm và độ khô thích hợp nhằm giảm thiểu khí nhà kính từ ruộng lúa.

Chủ tịch Liên đoàn HTX Thái Lan Poramate Intarachumnum cho biết, BĐKH đe dọa cả 3 lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Thái Lam gồm: Nông nghiệp, du lịch và thương mại. Nhiệt độ bề mặt ấm lên sẽ phá huỷ các vụ lúa, mực nước biển dâng cao vài cm sẽ nhấn chìm TP. Bangkok và tàn phá du lịch ven biển.

Nhằm hạn chế tác động bất lợi này, năm 2012 Liên đoàn HTX Thái Lan với 4.500 HTX và 10 triệu hộ thành viên đã thực hiện dự án “Trồng cây để tiết kiệm nước: Mỗi HTX một cây”. Chúng tôi đã triển khai chiến dịch trồng cây rừng ở những vùng nước đầu nguồn, trên vùng đất của những thành viên HTX và những khu rừng bị huỷ hoại. Dự án đã nâng cao nhận thức cộng đồng, khôi phục cây xanh trong khu vực HTX để bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường sản xuất nông nghiệp; bảo vệ nước đầu nguồn, rừng tự nhiên, cung cấp các vành đai che chở, giúp duy trì và bảo vệ độ ẩm của đất.

Ngoài mô hình trên, Thái Lan đã nỗ lực triển khai kế hoạch hành động nhằm giảm thiểu khí nhà kính, bức tường lũ để bảo vệ Bangkok và công nghệ King West tạo mưa nhân tạo hoặc Fon Luang, có thể nhân rộng ra các quốc gia khác ở khu vực châu Á.

Ông Ved Prakash Setia, Trưởng ban Liên đoàn HTX quốc gia Ấn Độ (NCUI) cho biết, BĐKH là thách thức lớn đối với Ấn Độ, xu hướng nhiệt độ tăng lên đã tác động rất lớn đến việc bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng cho dân số ngày càng tăng. Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ triển khai nền nông nghiệp thích ứng với BĐKH, các HTX phát triển lâm nghiệp Ấn Độ cũng tích cực tham gia phục hồi sinh thái và phát triển đất hoang; phát triển rừng đầu nguồn để phục hồi và bảo tồn tài nguyên đất, nước nhằm phát triển khả năng thích ứng trước BĐKH, bảo đảm an ninh lương thực và sinh kế cho nông dân.

Ngoài ra, HTX Dhundi tại bang Gujarat đã triển khai các dự án thu hoạch năng lượng mặt trời để phục vụ đời sống và sản xuất như chạy máy bơm tưới nước cho cánh đồng nông nghiệp, cấp nước cho nông dân với giá rẻ, thay thế dần các máy bơm chạy bằng diesel và điện. Giải pháp này có tính bền vững, giảm chi phí cho nhu cầu mua nước và điện. Nhiều ngôi làng đã nhân rộng mô hình này.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết hiện nay, ở Việt Nam có 22.456 HTX, 74 liên hiệp HTX và 103.435 tổ hợp tác, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 13.712 HTX và 68.000 tổ hợp tác, với 7 triệu thành viên là đại diện hộ gia đình.

Các thành viên của Liên minh HTX đã hỗ trợ ứng phó với các vấn đề liên quan đến BĐKH, an ninh lương thực tại Việt Nam. Một số HTX điển hình như HTX chăn nuôi Mộc Bắc (Duy Tiên, Hà Nam) ứng dụng công nghệ sinh học xử lý ô nhiễm môi trường chuồng trại chăn nuôi bò sữa; HTX chăn nuôi Bình Thành (Duy Tiên, Hà Nam) với mô hình nuôi cá “sông trong ao” tiết kiệm nguồn nước; HTX Long Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) sản xuất thanh long theo công nghệ Israel…

Tại Hội nghị, ngoài việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về giải quyết những thách thức của BĐKH đối với ngành nông nghiệp, nông dân châu Á, đại biểu các nước còn chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp, mô hình HTX nông nghiệp, nhất là mô hình HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, HTX ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp, HTX gắn với các sản phẩm thế mạnh của địa phương theo mô hình “Mỗi xã/làng một sản phẩm (OCOP)”; đồng thời hỗ trợ cho Liên minh HTX Việt Nam tham gia các hoạt động liên quan đến nông nghiệp, nông dân khu vực châu Á trong thời gian tới.

AFGC thành lập tại Nhật Bản năm 1999 với mục đích trao đổi các thông tin và kinh nghiệm phát triển nông nghiệp và HTX nông nghiệp, hỗ trợ cải thiện thu nhập và đời sống nông dân, ứng phó với các vấn đề liên quan đến BĐKH, an ninh lương thực.

Thành viên của AFGC bao gồm các tổ chức HTX và tổ chức đại diện nông dân cấp quốc gia từ 10 nước châu Á là Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam.

Nguồn: