Từ chó hoang đến ếch sừng, tất cả các loại động vật vẫn có khả năng thoát khỏi tầm nhìn của chúng ta, thậm chí, một số ẩn mình trong hơn 100 năm.
Ếch sừng có túi
Tuần trước, các nhà khoa học ở Nam Mỹ phát hiện ra một loài ếch quý hiếm mà trước đây từng bị cho là đã tuyệt chủng. Nhóm nghiên cứu Tropical Herving đã tìm thấy một đàn ếch sừng có túi trong một chuyến thám hiểm gần đây vào rừng nhiệt đới Chocó. Loài này đã được nhìn thấy lần cuối ở Ecuador vào năm 2005. Môi trường sống tự nhiên của chúng nằm trong tán rừng nhiệt đới cao, bị đe dọa bởi nạn phá rừng.
Rùa khổng lồ Fernandina
Sau hơn 100 năm “ở ẩn”, loài rùa khổng lồ Fernandina (Chelonoidis phantasticus) gần đây đã được tái phát hiện tại quần đảo Galapagos. Cá thể rùa cái trưởng thành đơn độc này đã được đưa đến trung tâm nhân giống dành cho những con rùa khổng lồ. Các nhà bảo tồn hy vọng “người bạn đời” của rùa sẽ sớm được tìm thấy.
Cá vây tay
Loài cá lớn này bị coi là tuyệt chủng trong 65 triệu năm cho đến khi một người phụ trách bảo tàng Nam Phi tái khám phá được trên một tàu đánh cá vào năm 1938. Tuy nhiên, hiện chúng đang bị đe dọa tuyệt chủng vì hoạt động khai thác dầu ngoài khơi Nam Phi. Đây là một loài cá khổng lồ, dài tới 2 mét và nặng tới 90 kg.
Chó hoang vùng cao New Guinea
Năm 2017, các nhà khoa học đã có thể xác nhận sự tồn tại của loài chó hoang New Guinea – loài đã không được nhìn thấy trong hơn 50 năm – bằng hình ảnh của ít nhất 15 cá thể chó hoang sống ở một địa điểm xa xôi trong dãy núi Sudirman thuộc Indonesia. Đây là một trong những loài răng nanh nguyên thủy nhất còn sống và có liên quan đến loài chó dingo ở Úc.
Thằn lằn bóng lớn nhất thế giới
Loài thằn lằn đặc biệt này được tái phát hiện tại New Caledonia vào năm 2003 sau khi không được nhìn thấy kể từ năm 1876. Các cá thể của loài lần lượt được tìm thấy vào năm 2009, 2013 và 2018. Đây là loài thằn lằn bóng lớn nhất thế giới với đặc điểm răng dài, cong và cơ thể chúng có thể phát triển lên đến 50 cm.
Minh Hiền (Theo The Guardian)