Liên hợp quốc đã mô tả vùng biển sâu là nguồn gốc lớn nhất của đa dạng các loài và hệ sinh thái trên trái đất.
Cuộc sống dưới đáy đại dương đặc biệt phát triển mạnh trên những vùng biển rộng lớn được gọi là đồng bằng thăm thẳm, giữa những ngọn núi ngầm mọc lên từ biển và xung quanh những dòng hải lưu siêu nóng.
Sự khắc nghiệt của nhiệt độ và áp suất chứng tỏ không có trở ngại nào đối với các sinh vật nơi đây. Tuy nhiên, các kế hoạch khai thác thương mại dưới đáy biển thì khác – chúng là mối đe dọa nghiêm trọng cho sự sống còn của các loài dưới đáy đại dương.
Đồng bằng biển thẳm là những nơi bằng phẳng nhất trên hành tinh và là chốn cư ngụ của nhiều loài sinh vật biển như cá, lươn, động vật giáp xác, động vật thân mềm, bọt biển, hải sâm, sao biển và sao giòn. Có hơn 800 loài cá đã được phát hiện tại các khu vực này cùng với các vườn san hô và bọt biển thu hút vô số loài giáp xác, động vật thân mềm và hải sâm.
Các loài động vật ngoài biển như cá ngừ, cá mập và rùa biển cũng thường xuyên ghé thăm. Hơn 500 loài đã được phát hiện ở các hệ sinh thái miệng phun thủy nhiệt bao gồm các loài hến, cua, tôm hùm ngồi xổm, sên biển, giun vảy, cá vược và bạch tuộc.
Tuy nhiên, các công ty khai khoáng đang rất háo hức với việc khai thác triệt để nguồn tài nguyên kim loại dưới đồng bằng biển thẳm, bao gồm các mỏ sunfua giàu kim loại tại các miệng phun thủy nhiệt. Hoạt động này không chỉ trực tiếp tiêu diệt nhiều loài sinh vật mà còn khuấy động trầm tích và phá hủy bọt biển cùng các rạn san hô.
Đến nay, chỉ có 5% đáy đại dương được khám phá. Các nhà khoa học cho rằng cần có nhiều nghiên cứu hơn để hiểu cuộc sống phi thường ở đây cũng như tầm quan trọng của nó đối với đại dương cùng các tác động từ hoạt động khai thác khoáng sản.