Lãnh đạo Sở GTVT TP Hà Nội cho rằng người dân có thể sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay cho xe máy.
Mới đây, Sở GTVT TP Hà Nội cho hay sẽ dự kiến đề xuất thí điểm cấm xe máy tại hai tuyến phố Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi. Thông tin này khiến dư luận dậy sóng vì đây là hai tuyến đường độc đạo từ Hà Đông đi vào các quận trung tâm. Nếu cấm thì người dân không biết đi đường nào, đi bằng gì…
Phát huy năng lực phương tiện công cộng
Lý giải cho đề xuất trên, trong buổi làm việc giữa bí thư Thành ủy Hà Nội với Sở GTVT, ông Vũ Văn Viện (Giám đốc Sở GTVT) cho biết: “Nghị quyết của HĐND TP đã đưa ra nguyên tắc “hạn chế phương tiện cá nhân tại các tuyến phố có đủ điều kiện” và theo lộ trình. Vì vậy, không phải là đợi đến năm 2030 Hà Nội cấm đồng loạt xe máy tại nội thành mà căn cứ vào lộ trình của đề án, tuyến phố nào đủ điều kiện sẽ hạn chế phương tiện cá nhân”.
Lãnh đạo Sở cũng cho rằng tiến hành cấm xe máy sớm trên hai tuyến phố này để người dân có thể sử dụng phương tiện BRT Kim Mã – Yên Nghĩa hay đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Tạo điều kiện phát huy năng lực của hai loại phương tiện vận tải hành khách công cộng mới này.
“Mặc dù mạng lưới xe buýt đã có đủ nhưng người dân vẫn chưa bỏ thói quen đi xe máy. Mỗi người đi một xe lúc nào chẳng tiện hơn. Nhưng cái tiện của mình cũng phải tiện cho cả xã hội nữa. Mong TP sớm thực hiện lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, cũng là vì lợi ích chung của xã hội” – ông Viện nói.
Theo Sở GTVT, BRT đang chuyên chở 13.000-18.000 khách/ngày, bình quân khoảng 70 khách/lượt xe. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, cho hay BRT vẫn còn không gian rất lớn để hút thêm lượng hành khách sử dụng.
Còn ông Nguyễn Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đường sắt Hà Nội, cho rằng năng lực vận tải của đường sắt Cát Linh – Hà Đông dự kiến chạy 114 chuyến/ngày, tương đương năng lực vận tải khoảng 160.000-180.000 hành khách/ngày.
“Đây là tuyến đánh dấu mở đầu phương thức giao thông công cộng mới và giữ vai trò chủ đạo trong tương lai của Hà Nội. Nhưng để phát huy hiệu quả của nó thì đẩy mạnh sự kết nối của tuyến này với buýt, đồng thời cần thiết hạn chế xe cá nhân”. Ông Trường nói và cho biết hiện mới có 34 chuyến buýt kết nối dọc ngang với đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Hà Nội đang điều chỉnh lại các tuyến buýt kết nối này để trung chuyển hành khách, kẻ vẽ thêm biển báo, ưu tiên vỉa hè để trông giữ xe máy nhằm phục vụ người dân đi lại bằng đường sắt đô thị một cách hiệu quả.
“Ảnh hưởng việc đi lại của dân”
Đó là ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực GTVT. Trao đổi với PV, GS Từ Sỹ Sùa, giảng viên Trường ĐH GTVT Hà Nội, cho rằng Hà Nội không nên chọn hai tuyến phố Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương để thí điểm cấm xe máy vì đây là trục giao thông chính từ Hà Đông vào trung tâm Hà Nội, có lưu lượng người sử dụng xe máy rất lớn, sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
“Chủ trương hạn chế xe cá nhân là đúng nhưng tiến hành phải phù hợp. Hai tuyến phố trên đều là đường xuyên tâm, độc đạo, có tỉ lệ người sử dụng xe máy rất lớn. Giả sử nếu TP cấm ngay thì chắc chắn hạ tầng giao thông sẽ quá tải, dân đi vào đâu được?” – chuyên gia này nói.
Từ nhà tôi ra đến ga gần nhất của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông mất gần 3 km, từ ga cuối Cát Linh đến chỗ làm cũng mất hơn 2 km. Nếu vận chuyển bằng phương tiện đường sắt thì mỗi ngày tôi phải đi bộ ít nhất gần chục kilomet, khá là bất tiện. Còn đi lại bằng xe máy thì phải len lỏi vào các trục đường nhỏ khác rất xa, dễ tắc đường.
Anh V.H.C (ngụ Xa La, Hà Đông, Hà Nội) Đi lại bằng đường sắt trên cao, BRT hay xe buýt đối với trường hợp của tôi thì khá bất tiện vì phải đi làm cùng với đưa đón con đi học thường xuyên trên hai tuyến đường này. Đây là giải pháp không hợp lý, giống như ép người dân phải sử dụng phương tiện vận tải công cộng. Chị T.T.M (ngụ phường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) |
Theo đó, ông Sùa cho rằng Hà Nội nên chọn những tuyến phố trung tâm tại khu vực Hoàn Kiếm, nơi đường sá chia ô bàn cờ để làm thí điểm cấm xe máy thì hợp lý hơn.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cũng bày tỏ ủng hộ chủ trương cấm xe máy tại hai phố này vì có BRT và đường sắt trên cao sắp đi vào hoạt động. Tuy nhiên, ông Liên cũng cảnh báo nếu thực hiện phải rất thận trọng, có phương án tổ chức, phân luồng giao thông hợp lý, bố trí thêm tuyến buýt kết nối, trung chuyển từ nhà ga đường sắt và điểm chờ BRT…
“Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương đều là tuyến đường hướng tâm, nếu cấm đường này xe máy sẽ tràn sang đường kia hoặc các tuyến phố nhỏ khác. Nếu để tình trạng như vậy xảy ra mà tổ chức giao thông không hợp lý thì ùn tắc giao thông còn nghiêm trọng hơn” – ông Liên phân tích.
Chuyên gia này cũng gợi ý Hà Nội nên chọn một số đoạn có điều kiện phù hợp trên hai tuyến phố Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương (có nhiều đường rộng xen kẽ, có nhiều tuyến buýt trung chuyển…) để thí điểm cấm xe máy thì phù hợp hơn.
Sớm thực hiện lộ trình cấm xe máy
Tại cuộc làm việc giữa bí thư Thành ủy Hà Nội với Sở GTVT ngày 9-3, lãnh đạo Sở GTVT đã đề nghị sớm thực hiện lộ trình cấm xe máy theo đề án kiểm soát phương tiện cá nhân tại nội đô nhằm giảm ùn tắc, ô nhiễm đến năm 2030 (được HĐND thông qua tại kỳ họp thứ 11, năm 2017). Theo đó, Hà Nội dự kiến sẽ chọn hai tuyến phố Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi để thực hiện cấm xe máy vì hai tuyến phố này đã có phương tiện vận tải công cộng đủ năng lực đáp ứng chuyên chở hành khách. Cụ thể, tại phố Lê Văn Lương có tuyến BRT hoạt động từ cuối năm 2016 và tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đi qua phố Nguyễn Trãi dự kiến hoạt động vào tháng 4-2019. |