Việt Nam cần viết nên câu chuyện về bản sắc du lịch với điểm nhấn là phát triển bền vững.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định Việt Nam là nước Đông Nam Á duy nhất nằm trong top 15 quốc gia tăng hạng nhanh nhất. Tuy nhiên, thứ hạng của Việt Nam nằm ở nhóm trung bình dưới so với các nước trong khu vực. Ở hạng 67, Việt Nam xếp sau các nước láng giềng như Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Được kỳ vọng nhưng du lịch Việt Nam thiếu gì để đuổi kịp các nước trong khu vực?
Kể câu chuyện bản sắc
Đông Nam Á vốn nổi tiếng là điểm đến đầy màu sắc với giá cả hợp lý. Các nước trong khu vực đều có những câu chuyện đầy bản sắc riêng. Như Singapore, nước có ưu thế cạnh tranh du lịch lớn nhất khu vực theo WEF, đã chọn quảng bá du lịch thông qua chuyện kể bởi chính người dân đảo quốc này. Với đường bờ biển không mấy hấp dẫn và không nhiều thiên nhiên ưu đãi, các điểm du lịch của Singapore chủ yếu là công trình nhân tạo cùng các khu trung tâm thương mại xa hoa. Để làm mới câu chuyện, chiến lược du lịch của quốc đảo sư tử này lại tập trung vào nguồn lực con người, nhằm vẽ nên một bức tranh hiện đại hoa lệ nhưng cũng giàu tính lịch sử văn hóa.
Thái Lan, quốc gia có doanh thu lẫn lượt khách dẫn đầu Đông Nam Á, là biểu tượng của cuộc sống về đêm cùng với những hòn đảo du lịch, bên cạnh tín ngưỡng tôn giáo của người địa phương. Kể cả những nước đứng sau Việt Nam về du lịch như Campuchia hay Myanmar, cũng có câu chuyện đầy bản sắc riêng với Angkok và Bagan.
Việt Nam cũng có vịnh Hạ Long và Hội An. Miền Trung Tây Nguyên có đủ lợi thế về du lịch của Việt Nam như biển đảo, sinh thái và cả văn hóa. Khu vực này còn sở hữu 11 di sản UNESCO và những bãi biển nghỉ dưỡng đẹp, cùng cả hang động lớn nhất thế giới là Sơn Đoòng.
Đồng quan điểm, báo cáo của WEF đánh giá rất cao ưu thế du lịch theo tài nguyên thiên nhiên và văn hóa của Việt Nam khi chấm cả 2 tiêu chí này đều xếp trên hơn 30 bậc so với xếp hạng chung của Việt Nam. Đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể (nhã nhạc, cồng chiêng Tây Nguyên, hát ả đào…) được xếp vào top 13 toàn thế giới, đây cũng là thứ hạng cao nhất trong khu vực. Tiềm năng về một câu chuyện đầy màu sắc tương phản giữa các siêu đô thị phát triển ào ạt và sắc màu văn hóa truyền thống.
Tuy nhiên, cũng trong báo cáo WEF, Việt Nam lại tụt rất xa trong các tiêu chí như ưu tiên phát triển du lịch và phát triển du lịch bền vững thân thiện với môi trường. Kinh phí phát triển du lịch còn thấp và vấn đề môi trường khi phát triển du lịch nằm ở những thứ hạng thấp trên 136 nước trong báo cáo.
Nhắc lại về du lịch bền vững
Nếu nhìn một cách khách quan, có thể nói Bali là may mắn khi du lịch tại đây bùng nổ sau bộ phim Hollywood, Ăn – Cầu Nguyện – Yêu. Một bộ phim Hollywood khác là Bãi Biển (The Beach) cũng mang đến tiếng tăm cho Phuket. Angkok cũng trở thành điểm đến hấp dẫn nhờ bộ phim Tomb Raider.
Sau khi tiếng tăm đến, vốn đầu tư ào ạt đổ vào các khu vực này và nhiều dịch vụ du lịch ào ạt mọc lên. Cái giá của phát triển phân mảng và tự phát tại các khu vực này là khá đắt như sự kiện vịnh Maya, bãi biển nổi tiếng nhất tại Phuket, phải đóng cửa để phục hồi do lượng khách đổ về quá nhiều. Theo WEF, tuy Indonesia và Thái Lan có thứ hạng cao hơn rất nhiều so với Việt Nam về mức ưu tiên phát triển du lịch, thể hiện nỗ lực phát triển du lịch của quốc gia, nhưng lại nằm dưới Việt Nam về phát triển du lịch bền vững.
Nhưng rõ ràng, nguồn tài nguyên du lịch của Việt Nam đang bị phân mảnh trong quản lý, sự xung đột về lợi ích của các lĩnh vực kinh tế như công nghiệp – du lịch… dẫn đến các tài nguyên du lịch dần mất đi. Một trong những nguyên nhân mà du lịch Việt Nam vẫn chưa ảnh hưởng nặng nề đến môi trường cũng là do việc dịch vụ du lịch rời rạc, nhỏ lẻ và tự phát vẫn chưa đến mức đáng báo động như Thái Lan và Indonesia.
Minh chứng là tiêu xài trung bình của mỗi khách du lịch tại Việt Nam, thấp hơn Indonesia và thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan. Khách du lịch chưa có nhiều chọn lựa tiêu tiền phong phú như tại hai nước này, đặc biệt là tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Tuy nhiên, theo một hướng khác, điều này lại là ưu thế. “Ninh Thuận là mảnh đất mới được khai thác từ đầu, có sẵn quỹ đất sạch, không có xung đột đầu tư đi trước. Do đó, có thể được quy hoạch bài bản để trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong dài hạn”, ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Crystal Bay, một dự án tại Ninh Thuận, cho biết.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh sẽ ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư ở vùng trọng điểm phát triển du lịch phía Bắc, phía Nam và trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm để hình thành hệ thống khách sạn tại khu vực bãi biển Bình Sơn, các khu giải trí phức hợp kết hợp nghỉ dưỡng, các dịch vụ du lịch chuyên đề như du lịch kết hợp đua mô tô trên cát, các môn thể thao biển như dù lượn, lướt ván diều…