Dự án đập của Trung Quốc ở Guinea có thể giết chết 1.500 cá thể tinh tinh

Các chuyên gia cảnh báo có tới 1.500 con tinh tinh có thể bị giết bởi con đập của Trung Quốc mang tên Koukoutamba – “thủ phạm” sẽ làm ngập khu bảo tồn trọng yếu đối với loài linh trưởng đang bị đe dọa tại Guinea.

Đập Koukoutamba có công suất 294 MW, sẽ được xây dựng ở giữa VQG Moyen-Bafing bởi Sinohydro – công ty xây dựng thủy điện lớn nhất thế giới.

Sinohydro vấp phải sự chỉ trích tương tự về việc xây dựng một con đập ở Indonesia khi chúng đe dọa môi trường sống duy nhất được biết đến của một loài đười ươi mới được phát hiện. Tuy nhiên, mới đây, Giám đốc điều hành Sinohydro đã ký hợp đồng với các đại diện địa phương tại Guinea – những người nóng lòng muốn có một dự án điện mang lại năng lượng và tiền cho một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi.

Dự kiến ​​có tới 8.700 người buộc phải di dời vì lũ lụt từ hồ chứa, và dự án cũng sẽ làm tăng áp lực lên tinh tinh Tây Phi – loài giảm 80% số lượng cá thể trong 20 năm qua và hiện đang được IUCN xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp tức mức độ rủi ro tuyệt chủng cao nhất.

Vùng cao nguyên Guinea là ngôi nhà của quần thể tinh tinh Tây Phi lớn nhất lục địa đen (Ảnh: Anup Shah/Getty Images)

Vùng cao nguyên của Guinea là nơi sinh sống của khoảng 16.500 cá thể tinh tinh Tây Phi và đây cũng là quần thể khỏe mạnh nhất còn lại của loài này ở châu Phi. Tại hầu hết các quốc gia khác, phân loài này bị tuyệt chủng hoặc bị đe dọa nghiêm trọng vì quần thể chỉ còn dưới 100 cá thể.

Khu bảo tồn Moyen-Bafing được thành lập năm 2016 để “bù đắp cho tinh tinh” và được hai công ty khai khoáng gồm Compagnie des Bauxites de Guinée và Guinea Alumina Corporation tài trợ với “điều kiện”: đổi lại giấy phép mở các mỏ khai thác khoáng sản bên trong những lãnh thổ khác của linh trưởng.

Rebecca Kormos, nhà linh trưởng học nghiên cứu loài động vật này hàng thập kỷ cảnh báo việc xây một con đập bên trong vườn quốc gia sẽ có tác động lớn nhất mà một dự án phát triển từng gây ra đối với tinh tinh.

“Tôi hy vọng Sinohydro sẽ xem xét lại việc tham gia vào một dự án có thể khiến loài tinh tinh Tây Phi tuyệt chủng. Khi một loài mất đi, nó biến mất mãi mãi”, cô nói.

Rebecca Kormos ước tính có từ 800 đến 1.500 con tinh tinh sẽ chết vì dự án do sinh cảnh của chúng bị ngập lụt hoặc do xung đột lãnh thổ nếu chúng di chuyển.

Đáng chú ý là tinh tinh không phải là loài duy nhất đối mặt với nguy cơ. Các nhà khoa học gần đây đã phát hiện ra một loại thảo mộc thủy sinh thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp gần thác Koukoutamba.

Kế hoạch xây đập khá nổi tiếng ở Guinea nhưng các nhà bảo tồn nói rằng người dân địa phương không biết rằng điện sẽ không được tạo ra cho họ. “Đây không phải là một trường hợp mà cộng đồng quốc tế coi trọng tinh tinh hơn con người. Ba phần tư năng lượng sẽ được bán cho các nước lân cận và phần còn lại dành cho ngành khai thác mỏ”, Kormos nói.

Gần 150.000 người đã ký thỉnh nguyện thư kêu gọi Guinea dừng việc xây đập và sử dụng năng lượng mặt trời theo như gợi ý của Ngân hàng Thế giới. Nếu con đập vẫn tiếp diễn, các nhà bảo tồn cho rằng Sinohydro nên làm việc với các nhà sinh học để giảm thiểu tác động.

Tuy nhiên, Sinohydro không phúc đáp lời đề nghị này.

Nhật Anh (Theo theguardian.com)

Nguồn: