Doanh nghiệp phớt lờ rủi ro khí hậu

Không phòng ngừa rủi ro khí hậu có thể khiến doanh nghiệp phải trả giá đắt.


Phòng lab của Louis Gritzo, đứng đầu bộ phân nghiên cứu của FM Global, được nhiều nhà điều hành cấp cao ghé thăm trong thời gian gần đây. Bởi công việc của Gritzo là giúp các khách hàng của FM Global (trong đó có những tên tuổi nổi tiếng như Disney, Caterpillar, Viện Công nghệ Massachusetts) tăng cường khả năng chống chọi rủi ro khí hậu của các tài sản như trụ sở các doanh nghiệp, nhà máy, công viên chủ đề…  trị giá tổng cộng 10.000 tỉ USD trên toàn cầu.

Khi cơn bão Maria quét qua Puerto Rico vào năm 2017, tòa nhà thuộc hãng dược Mylan (khách hàng của FM Global) là một trong số ít cơ sở vật chất trong vùng không bị ảnh hưởng bởi cơn bão, nhờ mái nhà được gia cố có thể chịu sức gió 150 dặm/giờ cũng như các vật liệu khác có khả năng chống chọi các cú sốc thiên nhiên.

Thảm họa thiên nhiên luôn gây gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Và Trái đất nóng lên khiến cho việc đối phó với thảm họa thiên nhiên trở nên cấp bách hơn.

Với tiến độ giảm khí thải nhà kính quá chậm, doanh nghiệp đang đối mặt với các trận lũ lụt, bão, hỏa hoạn dữ dội hơn so với trước đây. Ngày cũng nóng hơn, ẩm ướt hơn làm giảm năng suất lao động của nhân viên và hiệu suất của máy móc thiết bị doanh nghiệp.

Không chỉ gây ra bão và lũ lụt…, biến đổi khí hậu cũng khiến cho nước bị thiếu ở những nơi cần nó. Mùa hè vừa qua, mực nước thấp tại sông Rhine (Tây Âu) đã khiến cho những chiếc sà lan bị mắc cạn mà BASF, một tập đoàn hóa chất Đức, lại cần sử dụng các sà lan này để chở hàng. Đáng nói, tháng 1 vừa qua, PG&E (California, Mỹ) đã phải nộp đơn xin phá sản trước sức ép bồi thường số tiền lên tới hàng chục tỉ USD do bị nghi dính líu đến hàng loạt vụ cháy rừng lịch sử ở bang này.

“Kinh doanh đã không còn là kinh doanh như mọi khi”, R. Mukundan, CEO Tata Chemicals, nhận định. Một số chủ nợ, nhà đầu tư và các nhà bảo hiểm cũng tỏ ra lo lắng. Những mối lo ngại đó ngày càng nhiều hơn trong 1-2 năm qua, Gritzo cho biết.

Có lý do để phải quan ngại. Vào tháng 8.2018, các chuyên gia phân tích tại công ty quản lý tài sản Schroders đã theo dõi 11.000 công ty toàn cầu niêm yết và ước tính việc tính đúng rủi ro vật chất do biến đổi khí hậu có thể lấy đi trung bình 2-3% giá trị của họ. Một số ngành có thể bị tác động mạnh hơn: dịch vụ tiện ích và dầu khí mất tới 4-4,5%. Một số doanh nghiệp đối mặt với rủi ro mất đi tới 20% giá trị. Đáng nói là theo Andrew Howard, thuộc Schroders, hầu hết doanh nghiệp lại không hề có ý niệm gì về rủi ro này.

Sự thờ ơ đối với biến đổi khí hậu đang hiện diện ở nhiều doanh nghiệp. Một nhà điều hành cấp cao trong ngành dầu mỏ châu Âu cho biết ông lo ngại tuyết trong chuyến đi trượt tuyết nghỉ lễ sắp tới của ông hơn là lo ngại về tình trạng các giàn khoan của công ty ông. Các ông chủ doanh nghiệp cũng có nhiều thứ để phải suy nghĩ hơn, từ chiến tranh thương mại, tấn công mạng cho đến vấn đề trí tuệ nhân tạo. Nhưng các trận lũ lụt, hạn hán, bão… cứ liên tục tái diễn có thể gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh, đặc biệt bằng cách tác động đến các chuỗi cung ứng phức tạp trên toàn cầu.

Khan hiếm dữ liệu là một lý do. Kể từ năm 2015 Peter deMenocal tại Đại học Columbia đã đưa những nhà điều hành doanh nghiệp, nhà đầu tư ngồi lại với các học giả để cùng thảo luận về những tác động do biến đổi khí hậu. Các học giả thì thích nói về xu hướng chung, còn các nhà quản lý rủi ro thì muốn có được thông tin chi tiết về mối đe dọa cụ thể đến các cơ sở vật chất cụ thể trong một thời gian cụ thể.

Họ có xu hướng dùng các công cụ cũ kỹ như bản đồ phân vùng lũ lụt, nhưng với khí hậu đang thay đổi không ngừng, “những cơn lũ 500 năm mới xuất hiện” có thể đến thường xuyên hơn rất nhiều, bằng chứng là những trận lũ lụt diễn ra vào năm 1979, 2001 và 2017 gây khốn đốn cho ngành dầu mỏ của Houston.

Một vài công ty muốn tự mình lấp vào khoảng trống dữ liệu này. Microsoft ám ảm với việc tìm địa điểm thích hợp nhất để đặt các máy chủ đám mây của Tập đoàn sao cho gần với các khách hàng mà không bị “tổn thương” bởi một sự cố gây gián đoạn nào đó. Hay Royal DSM, một công ty hóa chất Hà Lan, tuyển dụng một nhóm nhân sự để xử lý các rủi ro môi trường tại 250 địa điểm của Công ty trên toàn thế giới và cung cấp một bản đồ chi tiết về các mối đe dọa đó.

Các chuyên gia tư vấn môi trường cũng hăm hở vào cuộc để hỗ trợ doanh nghiệp. Acclimatise, một công ty Anh có thâm niên trong ngành, đang tư vấn cho khoảng 40 tập đoàn lớn và hàng chục các tổ chức nhà nước cũng như các tổ chức phi chính phủ. Four Twenty Seven (Mỹ) cũng theo dõi hàng trăm ngàn cơ sở để đánh giá mức độ dễ bị tổn thương trước các rủi ro khí hậu. Năm 2017, Four Twenty Seven đã xếp hạng “mức độ chuẩn bị” của 40 doanh nghiệp lớn nhất của Pháp. Trong đó, 2 nhà sản xuất vật liệu là LafargeHolcim và Solvay xếp hạng thấp nhất.

Các dữ liệu tốt hơn cũng giúp doanh nghiệp phán đoán rủi ro. Nhưng có dữ liệu tốt hơn chưa chắc đã cảnh tỉnh được mọi người. “Trừ phi có sự cố lớn xảy ra khiến doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng rủi ro khí hậu, nếu không việc triển khai chống rủi ro khí hậu cho chuỗi cung ứng sẽ không hiệu quả, nhất là khi không ai khác làm điều đó ngoại trừ bạn”, Howard, thuộc Schroders nhận xét.

Four Twenty Seven không tiết lộ danh tính khách hàng vì doanh nghiệp không muốn nhà đầu tư hay đối tác, khách hàng biết họ dễ bị tổn thương như thế nào. “Thị trường sẽ trừng phạt bạn”, Giám đốc Bền vững một công thực phẩm lớn châu Âu cho biết. Theo vị này, thà chờ thảm họa xảy đến rồi sau đó ghi nhận vào sổ sách như một khoản thiệt hại bất thường.

“90% thời gian các rủi ro được thừa nhận là chỉ sau khi chúng xảy ra”, Rodney Irwin, thuộc Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới về Phát triển Bền vững, nhận định. Theo S&P Global, năm 2017 chỉ 15% các doanh nghiệp trong S&P 500 tiết lộ những tác động lên lợi nhuận do các sự cố khí hậu. Dưới 5% doanh nghiệp đã định lượng thiệt hại, trung bình là 6% lợi nhuận.

Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đang dần tích hợp rủi ro khí hậu vào quá trình xếp hạng. Năm 2017 việc đưa vào các tiêu chí về môi trường và khí hậu đã khiến cho S&P Global phải thay đổi thứ hạng của 106 doanh nghiệp, chủ yếu là hạ bậc. Vào tháng 1, S&P cũng đã hạ bậc xếp hạng của Edison (Mỹ) do rủi ro liên quan với nạn cháy rừng. Moody’s năm ngoái cũng khuyến cáo các vụ cháy rừng đã đe dọa khả năng trả nợ của PG&E.

Tình cảnh của PG&E xuất phát từ những nghĩa vụ pháp lý, không phải tác động trực tiếp đến hoạt động của công ty này. Tuy nhiên, số phận của nó đã khiến cho các CEO phớt lờ rủi ro khí hậu phải rùng mình. Với hàng tỉ USD thiệt hại vượt khỏi hạn mức bảo hiểm của hãng, sau đó bị hạ bậc bởi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, PG&E đã bị tẩy chay khỏi thị trường bảo hiểm. Tín dụng cạn kiệt, cuối cùng công ty này đã phải nộp đơn xin phá sản.

Nguồn The Economist