Rừng lưu trữ một lượng lớn các-bon và đóng vai trò lớn trong chu trình các-bon của thế giới cũng như hy vọng của con người trong việc giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu.
Rừng mưa nhiệt đới, “lá phổi của hành tinh”, từng được cho là lá cờ đầu về cô lập các-bon. Nhưng một nghiên cứu mới đã củng cố thêm bằng chứng cho thấy các loại rừng khác có thể hiệu quả hơn trong việc hút CO2 ra khỏi khí quyển. Cụ thể, nghiên cứu phát hiện ra rằng các khu rừng ôn đới non trẻ có thể là các bể chứa các-bon hiệu quả hơn so với các khu rừng nhiệt đới đã già.
Các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu lâm nghiệp Birmingham (BIFoR) ở Anh đã lập mô hình lưu trữ các-bon trong các khu rừng già cỗi và thứ sinh trong giai đoạn từ năm 1981 đến 2010 bằng cách sử dụng dữ liệu gần đây về tuổi rừng cũng như bộ dữ liệu mới nhất về thay đổi đất đai toàn cầu do Đại học Maryland, Mỹ, thực hiện.
Kết quả được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Hoa Kỳ (PNAS) tiết lộ những khu rừng nguyên sinh già cỗi thu được 950 triệu đến 1,11 tỷ tấn các-bon mỗi năm trong khi những khu rừng trẻ hơn – dưới 140 năm tuổi – lưu trữ từ 1,17 đến 1,66 tỷ tấn mỗi năm.
Đây không phải là lần đầu tiên những khu rừng tái sinh trẻ hơn thu hút sự chú ý liên quan đến khí hậu. Một nghiên cứu khác của Vương quốc Anh được công bố tháng trước trên Tạp chí Quaternary Science Reviews phát hiện ra rằng giai đoạn thời tiết lạnh đi trong thế kỷ 16 và 17 được gọi là Kỷ băng hà nhỏ do sự tái sinh rừng sau khi hàng triệu người dân bản địa châu Mỹ chết trong quá trình bị châu Âu thuộc địa hóa.
Nhưng tại sao rừng tái sinh lâu năm lại lưu trữ các-bon tốt hơn? Một lý do theo các nhà nghiên cứu có thể là do các khu vực rừng mới bị chặt phá thường thoáng, nhiều ánh nắng và dễ dàng bị các loài phát triển nhanh phủ kín. Những cây này có thể chiết xuất các-bon từ không khí và kết hợp vào sinh khối nhanh hơn những cây trưởng thành vốn vấp phải sự cạnh tranh của nhiều cây mọc cạnh và nhận được ít ánh sáng mặt trời hơn.
Tom Pugh, nhà khoa học tại BIFoR và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết “việc hiểu rõ ở đâu và tại sao sự hấp thụ các-bon này lại xảy ra sẽ giúp chúng ta đưa ra các quyết định đầy đủ thông tin và đúng mục tiêu về quản lý rừng”.
Các khu rừng trẻ hơn bao gồm các khu vực ở miền đông Hoa Kỳ đã bị chặt phá để làm nông nghiệp từ lâu nhưng sau đó bị bỏ hoang khi quá trình thực dân tiến về phía tây vào cuối những năm 1800, sau này chúng đã được đưa vào hệ thống rừng quốc gia và tái sinh.
Tương tự, các vùng rộng lớn của rừng taiga ở Canada, Nga và châu Âu cũng phát triển trở lại sau khi bị tàn phá bởi hỏa hoạn và nạn khai thác gỗ.
Những nỗ lực tái trồng rừng được phối hợp cũng có thể góp phần vào bể các-bon này. Ví dụ, một chương trình lớn ở Trung Quốc gần đây do chính phủ điều hành được tán dương vì đóng vai trò lớn vào việc gia tăng tổng thể độ che phủ cây của thế giới (tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đặt câu hỏi liệu các nỗ lực của Trung Quốc có thể coi là “tái trồng rừng” hay không). Trong khi đó, những nỗ lực cấp quốc gia ở châu Phi đang đua tranh để khôi phục 100 triệu ha đất bị thoái hóa vào năm 2030.
Ngoài việc mô hình hóa quá khứ, các nhà nghiên cứu BIFoR cũng hướng đến tương lai. Họ ước tính rằng theo kịch bản thông thường, tái sinh rừng sẽ thu được khoảng 50 tỷ tấn các-bon. Tiềm năng này sẽ được phân chia khá đồng đều giữa vùng nhiệt đới và ôn đới.
“Tiềm năng hấp thụ còn lại trong sinh khối rừng theo tỷ lệ xáo trộn hiện tại tương đương với năm năm phát thải từ đốt nhiên liệu hóa thạch ở cấp độ năm 2016”, họ viết.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng vẫn còn nhiều điều chưa biết. Đơn cử, quá trình tái sinh rừng sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi các tác nhân từ biến đổi khí hậu như hạn hán và áp lực trực tiếp của con người như xây dựng đường và các đám cháy nhỏ? Nhóm nghiên cứu cũng nói rằng rừng không thể tự xoay chuyển được biến đổi khí hậu.
“Lượng CO2 có thể được rừng hấp thụ chỉ hữu hạn: các chương trình thiết yếu trồng lại rừng sẽ chỉ có hiệu quả nếu chúng ta đồng thời giảm lượng khí thải của chính chúng ta”, Pugh chia sẻ.
Nhật Anh (Theo Mongabay.com)