Ngày 6/3, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp cùng Mạng lưới các tổ chức Phi Chính phủ Việt Nam và Quốc tế về biến đổi khí hậu (VNGO&CC) và Nhóm công tác của các tổ chức Phi Chính phủ về biến đổi khí hậu (CCWG) đã tổ chức Lễ ký Bản ghi nhớ Hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.
Tại buổi lễ, ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, ông Văn Ngọc Thịnh – Giám đốc quốc gia Tổ chức WWF tại Việt Nam, đại diện CCWG và bà Vũ Thị Bích Hợp – Chủ tịch VNGO&CC đã đại diện các bên cùng ký vào Bản ghi nhớ. Đây là cơ sở để Cục Biến đổi khí hậu và hai mạng lưới tổ chức phi chính phủ cùng chia sẻ thông tin, trao đổi các mối quan tâm và tăng cường quan hệ, cùng triển khai các hoạt động chung hàng năm.
Theo bản ghi nhớ, các Bên sẽ tăng cường hợp tác nhằm nhằm nâng cao nhận thức, năng lực giữa các cơ quan về biến đổi khí hậu; phối hợp chia sẻ các thông tin về dự án ứng phó BĐKH cũng như những kinh nghiệm và bài học thành công của các NGO thực hiện ở cấp cơ sở từng địa phương; phối hợp thúc đẩy hợp tác quốc tế; tăng cường thảo luận, cùng xây dựng các dự án ứng phó BĐKH ở địa phương phù hợp với mục tiêu các bên.
Các cơ quan sẽ thường xuyên liên lạc, thảo luận về các hoạt động hợp tác, đề xuất sáng kiến hợp tác mới và xây dựng, phối hợp triển khai theo các nội dung thỏa thuận, có báo cáo định kỳ để đánh giá hiệu quả quá trình hợp tác.
Theo ông Phạm Văn Tấn, công tác ứng phó biến đổi khí hậu đòi hỏi sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Trên phạm vi toàn cầu, đã có Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris, Nghị định thư Kyoto, và mới đây, Hội nghị COP 24 (Ba Lan) đã thông qua bản hướng dẫn chi tiết thực hiện Thỏa thuận Paris. Đây là những căn cứ quan trọng để Việt Nam triển khai các hoạt động ứng phó ở bình diện quốc gia.
Việt Nam đã có kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris với 68 nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức… Với vai trò cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện các điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu đã từng bước xây dựng và triển khai thực chính sách và hành động ứng phó BĐKH tại Việt Nam. Đối với các tổ chức NGO, Cục đã từng ký Thỏa thuận hợp tác với VNGO-CC và CCWG trong các năm 2011-2014.
Một trong những thành công lớn của hoạt động hợp tác này là đã đưa ra được những ấn phẩm về sinh kế bền vững với BĐKH, tiêu chí đánh giá các điển hình ứng phó BĐKH, đóng góp của các tổ chức xã hội dân sự vào xây dựng NDC của Việt Nam 2015, cũng như xây dựng, hình thành các quan điểm của Việt Nam tại các hội nghị quốc tế lớn…
Từ hiệu quả hoạt động của giai đoạn trước, phía chính phủ Việt Nam đồng ý để các bên tiếp tục ký biên bản ghi nhớ hợp tấc mới nhằm kế thừa và phát huy các kết quả đã đạt được. Ông Tấn nhấn mạnh, quan hệ hợp tác này là nhu cầu tất nhiên, bởi phía cơ quan xây dựng chính sách, giám sát, triển khai hoạt động nhưng không thể chi tiết hóa, đi sâu vào những nơi cộng đồng dễ bị tổn thương. Trong khi đây là thế mạnh của NGO.
Thông qua sự hợp tác của Cục BĐKH và 2 mạng lưới, những chính sách,hoạt động, chủ trương của Chính phủ cũng được triển khai nhanh hơn tới cộng đồng. Qua phản hồi lại, phía các cơ quan chính phủ cũng nhìn nhận thấy những vấn đề hạn chế và nghiên cứu làm thế nào để hoạt động ứng phó BĐKH bám sát thực tế, gần gũi với các cộng đồng hơn. Đồng thời, phía các tổ chức NGO cũng được cập nhật những định hướng, chủ trương lớn của Nhà nước để lồng ghép vào kế hoạch hoạt động của mình.
Đại diện CCWG, ông Văn Ngọc Thịnh cho rằng, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã cho thấy những bước tiến lớn về đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu ứng phó BĐKH. Trên cơ sở định hướng công tác ứng phó BĐKH của Chính phủ, của Bộ TN&MT, CCWG sẽ hoạch định, lồng ghép các hoạt động của các tổ chức thành viên để xây dựng một chương trình toàn diện để hợp tác với Cục Biến đổi khí hậu. Trọng tâm là giảm phát thải các bon, giảm rác thải đại dương, bảo vệ đa dạng sinh học ven biển, hỗ trợ sinh kế thích ứng với BĐKH. Đây cũng là cơ sở để các NGO dựa vào đó xây dựng các hoạt động của mình.
Đồng tình với quan điểm này, bà Vũ Thị Bích Hợp kỳ vọng Bản ghi nhớ sẽ là khởi đầu cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các bên, đặc biệt là đóng góp xây dựng NAP và thực hiện Thỏa thuận Paris trong thời gian tới.
Trong năm 2019, Cục Biến đổi khí hậu tiếp tục xây dựng Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP), rà soát cập nhật NDC và chuẩn bị cho các chính sách về BĐKH của Việt Nam triển khai Thỏa thuận Paris, cũng như tham gia vào nỗ lực đàm phán BĐKH toàn cầu vào COP 25. Các bên sẽ cùng trao đổi, chia sẻ thông tin để triển khai các công việc này.