Năng lượng tái tạo được xem là nguồn năng lượng mới trong thời kỳ cách mạng 4.0. Khai thác nguồn tài nguyên vô giá từ năng lượng mặt trời là hướng đi đúng nhưng Chính phủ giữ quan điểm không đánh đổi môi trường để phát triển các dự án…
Sáng 10.3, tại TP Buôn Ma Thuột, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk năm 2019.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định đây sẽ là cơ hội quý giá đánh giá tình hình, cơ hội, thách thức để địa phương tăng cường phát triển đầu tư trong tương lai và cho rằng, khai thác nguồn tài nguyên vô giá là năng lượng mặt trời ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung là hướng đi đúng trong tương lai.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng mong muốn tỉnh Đắk Lắk cần có quy hoạch làm sao để phát triển ngành năng lượng tái tạo một cách bền vững, hạn chế tác động xấu đến môi trường.
“Quan điểm của Chính phủ là kiên quyết không phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo trên đất rừng” – ông Trương Hòa Bình nói và nhận định Đắk Lắk phải có một quy hoạch tổng thể có tầm nhìn xa gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch sản phẩm quốc gia.
“Chúng ta vừa đầu tư vào công nghiệp có giá trị gia tăng cao nhưng cũng lưu ý tới việc phát triển công nghiệp sử dụng nhiều lao động để giải quyết việc làm cho người lao động trong tỉnh.
Song song với đó, Đắk Lắk cần tăng cường thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn, đồng thời cần cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ; phát triển rừng trồng và chế biến gỗ rừng trồng, gỗ cao su sau khi hết chu kỳ lấy mủ; tăng cường chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng” – Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nói.
Trước đó, tại lễ khánh thành cụm hai nhà máy điện mặt trời Srêpok và Quang Minh tại huyện Buôn Đôn ngày 9.3 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, ngoài cụm nhà máy điện mặt trời Srêpok 1 và Quang Minh, Đắk Lắk cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển các dự án điện năng lượng mặt trời khác để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Trong thời gian hội nghị diễn ra, các nhà đầu tư đã đăng kí sẽ đầu tư hơn 71.000 tỉ đồng với 13 dự án và 19 biên bản ghi nhớ. Phần lớn, các dự án đầu tư tập trung đúng định hướng về phát triển nông nghiệp, hạ tầng đô thị và phát triển các cơ sở giáo dục, y tế và cả năng lượng tái tạo. |