Đầu tư cổ phiếu xanh

Cổ phiếu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, theo tiêu chí xanh, bền vững đang được nhà đầu tư quan tâm.


Cuối năm 2018, giá trị đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt  Nam đạt gần 33 tỉ USD. Trong đó, có không ít nguồn tiền đến từ các quỹ đầu tư dựa trên tiêu chí xanh, phát triển bền vững. Điển hình là Tundra Vietnam Fund, thuộc Tundra Fonder (Thụy Điển), IFC thuộc World Bank, các quỹ thuộc Dragon Capital… Thậm chí, các quỹ đầu tư theo chỉ số (ETFs) cũng xem xét đầu tư dựa trên tiêu chí xanh.

Tundra Fonder là quỹ đầu tư theo tiêu chí bền vững với quy mô khá lớn của Thụy Điển, chuyên đầu tư vào các thị trường cận biên và mới nổi. Ở Việt Nam, Tundra lập quỹ đại diện Tundra Vietnam Fund, với giá trị tài sản ròng (NAV) tại thời điểm cuối tháng 1.2019 là 88,3 triệu USD. 8/10 cổ phiếu đầu bảng của Tundra Vientam Fund đều trong VN30.

Trong khi đó, IFC đã đầu tư hàng chục tỉ USD cho các dự án về năng lượng, giao thông, môi trường, cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển. Cách thức đầu tư của IFC thường quan tâm đến khía cạnh “xanh”.

Chẳng hạn nguồn tài chính của IFC hướng tới tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường – xã hội, quan tâm hiệu quả sử dụng tài nguyên, cải tiến chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe,  đảm bảo phát triển bền vững.

IFC từng kết hợp với Armstrong (Singapore), tổ chức chuyên đầu tư vào những dự án năng lượng sạch ở Đông Nam Á, để rót vốn vào Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEC) – thuộc Tập đoàn TTC. Armstrong hiện đầu tư trên 50 dự án và sở hữu các nhà máy có tổng công suất 92MW, chưa tính công suất trên 300MW từ các dự án đang triển khai. Chiến lược đầu tư của Armstrong là tuân thủ nghiêm ngặt về môi trường, xã hội và quản trị quy trình đầu tư, nhằm mang lại những lợi ích rõ ràng và giảm rủi ro cho tất cả các bên liên quan.

Sắp tới đây, theo chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Hải, chuyên gia cao cấp, thuộc Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), quỹ Finance in Motion sẽ vào Việt Nam. Đây là công ty quản lý quỹ nổi tiếng thế giới, có tổng tài sản đang quản lý gần 2 tỉ euro và tổng giá trị đầu tư đã giải ngân là 4 tỉ euro. Finance in Motion đang bắt đầu chuyển hướng sang thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam sau thời gian tập trung đầu tư ở những thị trường khác.

Động thái của quỹ này thường theo 2 bước. Đầu tiên là hợp tác với tổ chức tín dụng của nước sở tại để ưu tiên giải ngân cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các lĩnh vực xanh. Tiếp đó, Finance in Motion sẽ xem xét tham gia góp vốn, mua cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán hoạt động trong các lĩnh vực xanh. Với khẩu vị như vậy, cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong phát hành cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh để thu hút dòng vốn xanh đã tăng lên.

Ông Vũ Quang Thịnh, CEO Dynam Capital, công ty quản lý quỹ của Vietnam Holding, từng đánh giá, những quỹ đầu tư bình thường, khi rót vốn vào một doanh nghiệp, đều quan tâm đến ESG (phát triển bền vững). Bởi nếu như 10 năm trước, chỉ 200 quỹ cam kết coi ESG là yếu tố ưu tiên để đưa ra quyết định đầu tư thì hiện nay, con số đã lên tới hàng chục ngàn quỹ.

Các quỹ đầu tư đặt ra tiêu chí ESG xuất phát từ tâm lý người dân đang ngày càng trở nên có ý thức hơn về vấn đề xanh hóa, phát triển bền vững và có nhu cầu cao trong việc sử dụng năng lượng xanh. Tại nhiều quốc gia và khu vực như Mỹ, châu Âu, “xanh” còn được nâng lên thành một triết lý tạo cảm hứng, là động lực tích cực, quy định các doanh nghiệp phải tuân thủ. Trong xu hướng đó, Việt Nam cũng không ngoại lệ và tiêu chí xanh được giới chuyên gia xác định sẽ là xu hướng lựa chọn đầu tư trong tương lai.

Về phía Việt Nam cũng đã nhiều lần đề cập: kinh tế xanh là con đường giúp phát triển bền vững. Vì thế, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia thúc đẩy tài chính bền vững, cùng với  Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia và Mông Cổ ở châu Á. Theo đó, Việt Nam yêu cầu các ngân hàng phải đánh giá, báo cáo các rủi ro môi trường và xã hội tác động lên hoạt động cho vay và đưa ra những ưu đãi về cho vay dự án xanh.

Trong các lĩnh vực năng lượng, tái tạo, Việt Nam càng có nhiều động lực để dấn bước. Bởi theo Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie, Việt Nam đang có lợi thế rất lớn về năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời). Trong khi đó, theo nghiên cứu chính thức từ IFC, tại châu Á vẫn còn hơn 400 triệu người sống trong tình trạng thiếu điện và hơn 55% người trong số đó không được truy cập internet. “Nhiều tổ chức của Mỹ rất muốn đầu tư vào Việt Nam ở lĩnh vực khí hóa dầu, năng lượng tái tạo, an ninh năng lượng”, ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Mỹ, từng cho biết. Trước mắt, Superblock, công ty năng lượng mặt trời lớn nhất Thái Lan, đã có kế hoạch đầu tư 1,76 tỉ USD để xây dựng các trang trại điện gió có tổng công suất 700MW ở Việt Nam.

Về phần Chính phủ Việt Nam muốn điện mặt trời trở thành nguồn năng lượng tái tạo chính trong tương lai, với công suất lắp đặt tăng từ 6-7MW vào cuối năm 2017 lên 850MW vào năm 2020, tương ứng 1,6% tổng sản lượng điện của cả nước.