Không có tư liệu sản xuất, đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã buộc lòng đốt phá rừng để làm nương rẫy. Rừng bị phá, chính quyền phải bị động xử lý hậu quả. Vụ phá rừng thuộc vành đai biên giới xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai – khu vực Đồn Biên phòng Ia O bị đốt phá ngày 7.3 là minh chứng mới nhất. Gia Lai kiến nghị Trung ương bố trí vốn 505 tỉ đồng để tạo sinh kế cho người dân, nhưng chưa được phản hồi.
Nghèo vẫn hoàn nghèo
Ngày 8.3, UBND tỉnh Gia Lai và Cục Kiểm lâm đã có văn bản 656 và 112 chỉ đạo Đồn Biên phòng địa bàn, Chi cục kiểm lâm và huyện Ia Grai kiểm tra việc phá rừng tại xã Ia O, khu vực thuộc Đồn biên phòng Ia O quản lý. Vụ phá rừng được xác định là nhằm làm rẫy, trồng điều. Rẫy điều của người dân nằm bên cạnh, bây giờ đốt phá để cơi nới, mở rộng diện tích. Diện tích bị phá khoảng 0,8ha.
Khu vực bị đốt phá thuộc đường nhánh 4, khu vực Phà Sáu, xã Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai), cách Đồn biên phòng Ia O (Bộ Chỉ huy Biên phòng Gia Lai) chỉ vài kilômét. Hiện trường, rừng mới bị triệt hạ với các vết cưa còn khá mới. Những cây gỗ bị cưa cắt ngang, đổ gục. Một số cây bị bọng ruột hoặc kém giá trị được đốt bỏ. Cả một vạt rừng bị san phẳng, lửa thiêu rụi. Lửa cháy đến đâu, cây rừng cháy đen đến đó. Cây bị cưa ngã, lửa đốt cháy thành than, cây sống bị lửa táp chết đứng. Vụ việc được Bộ đội Biên phòng và Hạt Kiểm lâm phát hiện, lập biên bản giao về UBND xã Ia O (huyện Ia Grai) xử lý. Xã Ia O ban đầu tuy chưa tìm được người phá rừng nhưng đã mời một số hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số lên răn đe, giáo dục.
Ngày 28.2, Ban Quản lý rừng phòng hộ (viết tắt BQL) Ia Grai và Đồn Biên phòng Ia O phát hiện Ksor Cháy (trú làng Klong, xã Ia O) đang chặt phá rừng tại tiểu khu 344. Bị phát hiện Ksor Cháy bỏ chạy. Diện tích bị phá khoảng 0,35ha. Trước đó, ngày 14.1, BQL Ia Grai và Đồn Biên phòng Ia O phát hiện Puih Choi (trú làng Klong, xã Ia O) cũng đốn hạ 0,45ha diện tích rừng cũng tại tiểu khu 344. Cả hai vụ việc đều được chuyển sang Hạt Kiểm lâm và UBND xã Ia O xử lý. Biện pháp mà chính quyền đưa ra là “yêu cầu trồng lại rừng, không cho sản xuất trên diện tích bị lấn chiếm để tái tạo lại rừng và tuyên truyền, vận động người dân không phá rừng, lấn chiếm đất rừng”.
Cần bài toán tạo “kế sinh nhai”
Tại huyện Chư Prông, Hạt Kiểm lâm huyện qua kiểm tra, phát hiện có 7 điểm phá rừng với diện tích bị phá hơn 7,3ha, quy hoạch rừng sản xuất.
Kơ Pa Hloi (31 tuổi, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông) khai vào tháng 1.2019, đã vào rừng thuộc lâm phần UBND xã Ia Mơ quản lý, rồi dùng dao, rìu phá rừng với mục đích lấy đất sản xuất.
Đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) Tây Nguyên vì miếng cơm manh áo, vì nghèo khổ đã phải “làm liều” đốt rừng làm nương rẫy. Không ít người bị mời lên làm việc, cho hay: “Biết đốt rừng, lấn chiếm đất là vi phạm pháp luật, nhưng vì không có nghề nghiệp và bản năng sinh sống nên phải làm”.
Bí thư Huyện ủy Ia Grai – ông Nguyễn Hữu Quế – phân tích, hiện nay, dân số đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tăng lên, nhu cầu tách hộ rồi mở rộng sản xuất là có thật, trong khi diện tích đất có giới hạn. Thứ hai, tổ chức sản xuất theo mô hình tiên tiến, ứng dụng khoa học công nghệ ở vùng sâu vùng xa rất hạn chế, do vậy để đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm, người nghèo đồng bào dân tộc thiểu số thường hay phải phát nương, phát rẫy, phát rừng lấn chiếm để mở rộng diện tích, trong đó có một số diện tích là phù hợp với quy hoạch loại bỏ đất rừng.
“Sắp tới, chính quyền sẽ đẩy mạnh người dân chuyển đổi theo hướng chăn nuôi (bò, dê, heo…) chứ không hẳn là nhu cầu trồng trọt”, ông Quế cam kết.
Các Đồn Biên phòng “vướng” khó khăn khi đang xây dựng mối quan hệ gắn kết với thế trận lòng dân trong công tác bảo vệ biên giới, trường hợp xử lý nghiêm thì đồng bào dân tộc thiểu số không hợp tác; trường hợp “du di, bỏ qua” người dân sẽ dễ dàng tái phạm. Đây là “bài toán khó” mà các Đồn Biên phòng trình bày với cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai.
Trong diễn biến liên quan, Phó Chủ tịch Kpă Thuyên UBND tỉnh ký báo cáo 101 gửi Ủy ban Dân tộc thực hiện đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng Dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2020” của Thủ tướng Chính phủ thì số tiền mà tỉnh này cần Trung ương hỗ trợ là trên 500 tỉ đồng. Tổng số hộ cần hỗ trợ là 20.472 hộ. Theo đó, có 1.341 hộ cần hỗ trợ đất; 356 hộ cần hỗ trợ đất sản xuất; 6.026 hộ cần hỗ trợ chuyển đổi nghề, 5.958 hộ cần chuyển đổi ngành nghề (chăn nuôi)…
Tuy vậy, theo Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai: “Báo cáo được gửi từ ngày 22.8.2018, nhưng đến nay vẫn chưa thấy Trung ương phản hồi”. Một khi các tỉnh Tây Nguyên không được hỗ trợ các dự án tạo kế sinh nhai, thì rừng sẽ còn bị xâm lấn bởi người dân.