Phụ nữ Đà Nẵng thành công với nhiều mô hình bảo vệ môi trường

Bằng nhiều mô hình thiết thực như thu gom rác tái chế, thu mua túi ni lông, làm sản phẩm tái chế từ rác, trồng rau sạch… chi hội phụ nữ Thành Vinh 4 (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) đã góp phần cải thiện môi trường, làm cho đường sá thêm xanh, sạch; đồng thời tạo được công ăn việc làm cho một số chị em, hỗ trợ nguồn vốn cho chị em kinh doanh, khởi nghiệp.

Các hội viên đi thu gom rác của từng nhà

Thu gom rác tại nguồn

Sáng chủ nhật hàng tuần, trong xóm nhỏ thuộc Chi hội phụ nữ Thành Vinh 4 lại xôn xao tiếng cười nói của các chị em phụ nữ đi thu gom rác. Mỗi nhà một giỏ nào chai nhựa, vỏ bia, giấy vụn… bỏ sẵn ở cổng, các hội viên chỉ việc mang bao tải đến thu gom đưa về kho. Tuần nào cũng thế, dù nắng hay mưa, dù bận rộn đến đâu các hội viên vẫn thay nhau thu gom rác thải đều đặn làm cho xóm nhỏ thêm xanh, sạch, đẹp.

Mô hình thu gom rác thải tái chế được Chi hội phụ nữ Thành Vinh 4 triển khai cách đây 1 năm. Nhà nào cũng thu gom phân loại rác hàng ngày, rác tái chế được bỏ riêng vào giỏ và sáng chủ nhật hàng tuần giỏ được  mang ra bỏ sẵn trước nhà để các hội viên đi thu gom mang về kho và bán phế liệu. Nhờ có công tác thu gom rác tái chế mà rác thải sinh hoạt của các gia đình cũng được phân loại tại nguồn hàng ngày. Đường làng ngõ xóm sạch sẽ, không còn chai nhựa, vỏ lon vứt bừa bãi gây mất thẩm mỹ. Sau khi thu gom về kho các chị cùng nhau phân loại chai nhựa, vỏ lon, giấy vụn bán cho thu mua ve chai. Số tiền bán được từ rác tái chế (trung bình từ 500.000- 1.000.000 đồng/tháng) đều được đóng vào quỹ chi hội để giúp đỡ các chị em đang gặp khó khăn, hỗ trợ hội viên kinh doanh…

Rác được phân loại để bán cho thu mua phế liệu

Cô Phan Thị Hoa – Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Thành Vinh 4 cho biết: Để giảm thiểu sử dụng túi ni lông, Chi hội còn triển khai mô hình mua lại túi ni lông đã sử dụng từ các hộ gia đình. Các chị em trong hội đến từng nhà để thu mua, mang về rửa sạch phân loại  bán cho công ty môi trường. Ngoài ra Chi hội cũng tận dụng các áp phích quảng cáo để cắt may thành những chiếc giỏ tiện lợi, phù hợp cho các chị em đi chợ. Vừa tiết kiệm tiền lại vừa bảo vệ môi trường.

Bên cạnh mô hình thu gom rác thải, Chi hội phụ nữ Thành Vinh 4 còn thành lập nhóm làm đồ dùng học tập từ rác tái chế. Mô hình này được hình thành từ ý tưởng cuả cô Nguyễn Thị Hà giáo viên mầm non về hưu. Cô Hà cho biết: Khi còn là giáo viên mầm non, cô thường làm đồ chơi cho các bé, nên khi thấy các hội viên trong chi hội thu gom được nhiều chai nhựa và bìa các tông, cô mới nảy ra ý định làm lọ đựng bút từ rác. Cô trình bày ý tưởng với chi hội được chi hội đồng tình và cho thành lập nhóm làm đồ dùng học sinh từ rác tái chế.

Các lọ đựng bút làm từ rác tái chế sắp hoàn thành

Nhóm của cô Hà có 3 người, sau khi rác được thu gom về, những chai nhựa cùng kích cỡ và bìa các-tông sạch được các cô chọn lựa để riêng ra để làm vật liệu. Đến nay, sản phẩm của các cô đã được ký gửi tại 2 nhà sách với giá 15 – 20.000 đồng/ lọ, và đã thu về gần 1 triệu đồng. Nhìn những lọ đựng bút xinh xắn, mới tinh không ngờ được rằng nó được tái sản xuất từ rác bằng những đôi bàn tay khéo léo.

Tận dụng đất hoang trồng rau sạch

Hưởng ứng mô hình sống xanh – trồng hoa và cây xanh vì thành phố Đà Nẵng bền vững về môi trường, Chi hội phụ nữ Thành Vinh 4 đã tận dụng 80 m2 đất dự án bỏ hoang để trồng rau sạch.

Lô đất bỏ hoang lâu năm cây cối um tùm vừa mất mỹ quan đô thị lại là nơi cư trú cho các sinh vật truyền bệnh: chuột, gián, ruồi muỗi… Để  cải tạo cảnh quang khu đất, tạo không gian xanh sạch đẹp cho khu phố, chị em phụ nữ Thành Vinh 4 đã biến  lô đất hoang thành vườn rau sạch với đủ các loại rau làm phong phú thêm cho bữa ăn gia đình.

Một góc vườn rau sạch của chị em phụ nữ Thành Vinh 4

Chi hội đã cắt cử 3 hội viên không có công ăn việc làm ổn định chịu trách nhiệm chăm sóc vườn rau thường xuyên: trồng, bón phân, tưới nước, nhổ cỏ… Mỗi chị được chi hội hỗ trợ mỗi người 2 triệu đồng/ tháng.

Chị Nguyễn Thị Phượng – người được giao chăm sóc vườn rau cho biết: Từ ngày biết tận dụng đất trống, chị em ở đây không chỉ có sân chơi thể thao mà còn có cả một vườn rau sạch, vừa thư giãn vừa có rau sạch để ăn. thay vì phải đi chợ mua thì chị em hái rau về ăn với giá chỉ 4 ngàn đồng/bó gây quỹ mua giống, mua phân… giúp quay vòng sản xuất.

Ngoài 3 chị được cắt cử chăm sóc thường xuyên, các hội viên trong chi hội cũng thường tập trung chăm sóc vườn rau sau các buổi tập luyện thể thao. Giờ đây, lô đất trống không chỉ hết ô nhiễm mà còn tạo thu nhập cho hội viên, các chị em có được không gian sinh hoạt thú vị.

Nguồn: