Các nhà khoa học Anh đã giải mã được “cơn khủng hoảng tuyệt chủng toàn cầu” đã và đang diễn ra, khiến 953 loài động – thực vật biến mất khỏi trái đất.
Nhóm nghiên cứu từ University College London (UCL, trường thành viên của Đại học London, Anh) thống kê toàn cầu từ năm 1500 đến nay, có tới 953 loài động – thực vật đã hoàn toàn biến mất khỏi trái đất.
Nguyên nhân lớn nhất gây ra sự tuyệt chủng này khá bất ngờ: do sự xâm lăng của các sinh vật ngoại lai. Chúng gây nên sự biến mất của 300 loài (31% các loài bị tuyệt chủng), trong đó các sinh vật xâm lăng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho 126 trường hợp và chịu trách nhiệm một phần cho 174 trường hợp còn lại.
Nguyên nhân gây tuyệt chủng xếp hàng thứ 2 là việc sử dụng các tài nguyên sinh học trên toàn thế giới, chịu trách nhiệm cho 18,8% các loài bị tuyệt chủng.
Sinh vật ngoại lai là những động thực vật được đem đến từ miền đất khác, dần dần sinh sôi, xâm lăng và đàn áp sinh vật bản địa và sau một thời gian dài khiến sinh vật bản địa “bốc hơi” khỏi trái đất.
Theo giáo sư Tim Blackburn, thành viên nhóm nghiên cứu, có rất nhiều con đường đưa sinh vật ngoại lai vào cuộc xâm lăng. Với động vật, đó có thể là những con vật vô tình trốn trên tàu thuyền của con người và đi đến miền đất mới. Tương tự ở thực vật, cuộc xâm lăng bắt đầu khi con người đem cây trồng từ vùng đất này sang vùng đất khác, để phục vụ nông nghiệp hay làm cảnh và khiến chúng dần lấn át thực vật bản địa.
Nhóm nghiên cứu tin rằng trong tương lai, cần có một hành lang an toàn sinh học để ngăn chặn phần nào các cuộc xâm lăng, khi đó mới có thể giải quyết cơn khủng hoảng tuyệt chủng, vốn đe dọa không ít đến sự cân bằng sinh thái toàn cầu.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Frontiers in Ecology.