2021 – 2030 là thập kỷ về phục hồi hệ sinh thái

Ngày 1/3, Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố Thập kỷ về phục hồi hệ sinh thái là giai đoạn 2021 – 2030 nhằm nhân rộng trên quy mô lớn việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và bị phá hủy để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước và đa dạng sinh học.

Sự suy thoái của hệ sinh thái đất và biển làm giảm phúc lợi của 3,2 tỷ người và làm mất khoảng 10% tổng sản phẩm toàn cầu hàng năm do mất các loài và dịch vụ hệ sinh thái.

Hiện tại, khoảng 20% bề mặt thảm thực vật trên hành tinh cho thấy xu hướng giảm năng suất liên quan đến xói mòn, cạn kiệt và ô nhiễm ở tất cả các nơi trên thế giới. Đến năm 2050, suy thoái và biến đổi khí hậu có thể làm giảm 10% năng suất cây trồng trên toàn cầu và tới 50% ở một số khu vực.

Theo tính toán, việc khôi phục 350 triệu ha đất bị thoái hóa từ nay đến năm 2030 có thể tạo ra 9 nghìn tỷ USD giá trị dịch vụ hệ sinh thái và hấp thu thêm 13-26 tỷ tấn khí thải nhà kính từ khí quyển.

Ảnh minh họa: UNEnvironment.com

Ngoài ra, một nghiên cứu cho thấy hơn hai tỷ ha cảnh quan bị phá hủy và suy thoái của thế giới có tiềm năng phục hồi.

Bên cạnh đó, thập kỷ 2021 – 2030 cũng sẽ đẩy nhanh các mục tiêu phục hồi hiện có ở cấp toàn cầu, ví dụ sáng kiến Bonn Challenge với mục đích khôi phục 350 triệu ha hệ sinh thái bị suy thoái vào năm 2030 – một diện tích gần bằng Ấn Độ. Hiện có 57 quốc gia, chính quyền địa phương và các tổ chức tư nhân cam kết cải tạo hơn 170 triệu ha. Nỗ lực này dựa trên những hành động cấp khu vực như Sáng kiến ​​20×20 ở Mỹ Latinh nhằm khôi phục 20 triệu ha đất bị thoái hóa vào năm 2020 và Sáng kiến ​​phục hồi cảnh quan rừng châu Phi AFR100 hướng đến cải tạo 100 triệu ha đất bị thoái hóa vào năm 2030.

Phục hồi hệ sinh thái được định nghĩa là một quá trình đảo ngược sự xuống cấp của các hệ sinh thái như cảnh quan, hồ và đại dương để lấy lại chức năng sinh thái của chúng, nói cách khác là cải thiện năng suất và năng lực của các hệ sinh thái để đáp ứng nhu cầu xã hội. Điều này có thể được thực hiện bằng cách để các hệ sinh thái bị khai thác quá mức được tái sinh tự nhiên hoặc bằng cách trồng cây và các loại thực vật khác.

Nhật Anh (Theo Unenvironment.org)

Nguồn: