Một số nhà bảo tồn và chuyên gia du lịch lo lắng về tác động môi trường của số lượng du khách ngày càng tăng trên quần đảo mỏng manh này.
Khi Darwin phát hiện ra Galápagos, quần đảo này được gọi là “thế giới nhỏ bé”. Ngày nay, thế giới nhỏ bé đó trở thành một thương hiệu về thiên nhiên, thu hút ngày càng nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới đến chiêm ngưỡng những sinh vật như chim điên chân xanh, cự đà biển bơi cùng chim cánh cụt xích đạo và những con rùa khổng lồ mà các hòn đảo lấy tên theo.
Theo Observatorio de Turismo de Galápagos, năm 2017 có tới 241.800 người đã đến thăm đảo, tăng từ mức 173.419 một thập kỷ trước đó.
Phần lớn sự tăng trưởng – hơn 90% từ năm 2007 đến 2016 – là từ du lịch trên đất liền: du khách bay đến các sân bay trên đảo Baltra và San Cristóbal, thuê khách sạn và tham gia các tour du lịch tự chọn rẻ hơn đáng kể so với du lịch trên du thuyền đắt tiền vốn là cách truyền thống để ngắm đảo. Với các chuyến bay khứ hồi từ Quito có giá chỉ khoảng 400 USD và giá nhà nghỉ chỉ từ 20 USD một đêm, quần đảo Galápagos không còn chỉ dành cho du khách cao cấp.
Đối với VQG Galápagos, nơi sử dụng một phần phí 100 USD mà du khách phải trả (6 USD với người Ecuador) để giám sát 97% quần hòn đảo chưa có người ở, du lịch mang lại nguồn kinh phí rất cần thiết. Nhưng điều đó không có nghĩa là các nhóm bảo tồn – có cả UNESCO, cơ quan coi tăng trưởng du lịch là một trong những mối đe dọa chính đối với quần đảo – không được báo động về việc thiếu một ngưỡng hạn chế lượng du khách từ đất liền. Nhiều người tới đảo có nghĩa là áp lực nhiều hơn đối với cơ sở hạ tầng hiện có, xâm lấn vào sinh cảnh của động vật và nguy cơ cao đưa vào các loài động thực vật xâm lấn.
“Chỉ đơn giản là không bền vững khi du lịch từ đất liền tăng trưởng không ngừng trong trong môi trường mong manh này”, Jim Lutz, chủ tịch Hiệp hội các nhà điều hành du lịch Galápagos quốc tế, đã bày tỏ tình cảm tương tự trong một lá thư gửi Bộ trưởng Du lịch Ecuador hồi tháng 2 năm ngoái.
Trên đất liền
Nhiều du khách hơn đồng nghĩa với việc dân số thường trực của quần đảo (hiện có khoảng 30.000 người) cũng phình to. Khoảng một nửa số cư dân đó – nhiều người từ đại lục Ecuador, bị lôi kéo vào đây bởi doanh nghiệp du lịch – đang ở Puerto Ayora, trên đảo Santa Cruz.
Theo một cách nào đó, thị trấn giống như bất kỳ vùng nhiệt đới nào khác, với các quán cà phê và cửa hàng bán áo phông, thậm chí có một chút cảnh tiệc tùng khi mặt trời lặn.
“Vấn đề là các đảo thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản cho các dịch vụ như ráct thải, năng lượng, nước”, Ulf Torsten Hardter, một người quản lý môi trường chuyển sang làm hướng dẫn viên, tỏ ra lo ngại.
Ông Hardter, người gốc Đức, đến quần đảo vào năm 2006 để xây dựng một trung tâm tái chế chất thải rắn với WWF. Ngày nay, trung tâm đó xử lý tất cả rác thải nhựa và hữu cơ của Santa Cruz. Theo ông, rất nhiều người đổ tới thì cần thêm các cách xử lý có trách nhiệm với môi trường đối với mọi thứ từ xử lý chất thải rắn đến nước uống.
Cảnh quen thuộc trên đảo là du khách tiếp xúc trực tiếp với nhiều loài như con sư tử biển, bồ nông và chim chúc. Việc thiếu động vật ăn thịt và công chúng tò mò đã khiến những con vật này trở nên dạn dĩ. Trong VQG, du khách được yêu cầu cách xa những con vật vài mét nhưng không mấy ai tuân thủ.
Còn trên đại lộ Avenida Baltra có nhiều quầy hàng bán món xúp marinero và gỏi ceviche, cùng các ki-ốt của những công ty du lịch phục vụ khách hàng có ý thức về chi phí. Hầu hết các tour được quảng cáo là đặc biệt thân thiện với môi trường nhưng thật khó để xác minh thân thiện đến mức nào.
Đôi khi, về bản chất thì những lựa chọn này lại ít có ảnh hưởng nhất. Bạn có thể ghé thăm những con đường mòn trong rừng rậm vùng cao, đồn điền cà phê hoặc miệng núi lửa đôi có tên Los Gemelos, tất cả chỉ ngay bên ngoài thị trấn. Giá dao động từ một vài USD cho một chuyến đi bằng taxi đến vài trăm USD cho một ngày du ngoạn trên biển bằng thuyền máy hoặc du thuyền cỡ nhỏ. Hoặc bạn có thể thuê một chiếc xe đạp với giá khoảng 15 USD để khám phá một con đường lát đá cắt ngang qua một cảnh quan bán khô hạn để vào rừng. Cách thị trấn buồn tẻ Bellavista vài dặm, bên ngoài một con đường đất trong một trang trại tư nhân, có những đường hầm dung nham được dòng magma điêu khắc qua nhiều năm tuôn trảo.
Ngủ ở đâu?
Nơi bạn qua đêm là một chỉ báo khác về sự thay đổi và các lựa chọn được phân tầng cho du khách. Mặc dù Observatorio de Turismo de Galápagos tuyên bố rằng hiện tại có những hạn chế về số lượng và quy mô của các khách sạn xây mới, số phòng lưu trú đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua – từ 65 đến hơn 300 – với giá từ mức cho khách du lịch bụi đến hơn 900 USD/đêm. Nhiều khách sạn có các tính năng thân thiện với môi trường, hoặc ít nhất là họ tuyên bố thế, ví như các tấm pin mặt trời cung cấp nước nóng cho nhà tắm và chiếu sáng khu vườn.
Bên kia vịnh, một trong những khách sạn lâu đời nhất trên đảo là Finch Bay, tạo cảm giác như một lát cắt của Malibu và rất coi trọng các dịch vụ thân thiện với môi trường. Một nhà máy khử mặn nước biển tại chỗ, một nhà kính cung cấp cho nhà bếp và tất cả cá được mua từ người dân địa phương. Năm 1989, công ty mẹ Finch Bay thành lập dự án trung tâm tái chế mà ông Hardter làm việc nhiều năm sau đó.
Renato Vasconez, quản lý chất lượng tại Finch Bay, nói rằng tất cả nước thải của khách sạn đều được xử lý trước khi xả ra môi trường. Một hệ thống lọc mới sẽ tăng hơn nữa khả năng xử lý khi hoàn thành vào cuối năm nay (khách sạn cung cấp nước uống được cho khu lân cận mà chính quyền chưa thể hỗ trợ).
Bãi biển liền kề Finch Bay Bay toàn cát trắng nhưng đó là do nhân viên dọn dẹp mỗi ngày. Vasconez chia sẻ: “Bạn không tưởng tượng được chúng tôi thấy bao nhiêu rác đâu. Vi nhựa là tệ nhất. Các bãi biển trên Galápagos là chỗ công cộng nên người ta cứ xả rác. Tôi thường thấy những con cốc biển chết mắc trong lưới đánh cá. Những điều đó khiến tôi rất tức giận”.
Dưới nước
Một chiếc thuyền là cần thiết để đến các hòn đảo gần đó, vì vậy ngay cả khách du lịch từ đất liền cũng có thể đi thăm thú trên những con tàu được điều hành bởi các công ty như Lindblad hoặc Quasar Expeditions. Giá không hề rẻ – một tuần có thể tốn tới cả nghìn USD – nhưng lợi thế là bạn được các nhà tự nhiên học hàng đầu làm việc trên các tàu du lịch giới thiệu những thông tin đậm chất chuyên môn.
Các nhà cung cấp như Quasar cũng không sử dụng đồ nhựa, hỗ trợ VQG và các tổ chức như Quỹ Charles Darwin hay tổ chức Galápagos Scouts vốn sở hữu những nhà nghiên cứu làm việc để bảo tồn các loài thu hút khách nước ngoài. Lindblad tài trợ cho công việc tương tự và việc đó thì một số nhà khai thác nhỏ hơn không thể đủ khả năng.
“Những quần thể sinh vật biển này đang suy giảm. Nếu Ecuador muốn Galápagos tiếp tục là một địa điểm độc đáo thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới, mang đến hàng trăm triệu USD mỗi năm và hỗ trợ hàng chục ngàn người, thì họ phải đưa ra quyết định. Bằng không, Galápagos có nguy cơ từ một địa điểm độc nhất vô nhị trở thành một nơi rất bình thường như nhiều nơi khác đã bị phá hủy vì lợi ích ngắn hạn”, Keith Enric Sala, thành viên chương trình Explorer-in-residence của tạp chí National Geographic, nói.
Nhật Anh (Theo nytimes.com)