Sau khi đào hàng tấn vàng, doanh nghiệp nước ngoài bỏ đi mà không chịu hoàn thổ và để lại số nợ cả ngàn tỉ đồng
Ngày 5-3, tại tỉnh Quảng Nam, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đã có buổi làm việc với UBND tỉnh này để bàn một số nội dung về đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam).
Đào hết vàng rồi bỏ đi
Sau buổi họp, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho biết tỉnh đề xuất sớm đóng cửa mỏ nhưng do thiếu kinh phí nên đề án chưa thể phê duyệt.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, kinh phí thực hiện đề án đóng cửa mỏ mất gần 20 tỉ đồng, trong khi Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (Công ty Bồng Miêu) chỉ ký quỹ phục hồi, cải tạo môi trường được 6,4 tỉ đồng. Hiện tại, công ty trên đã phá sản nên hơn 13 tỉ đồng còn lại không biết lấy ở đâu.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam bổ sung dự toán chi ngân sách năm 2019, trình HĐND cùng cấp thông qua làm cơ sở bổ sung kinh phí thực hiện đề án đóng cửa mỏ. Tuy nhiên, Luật Khoáng sản quy định cơ quan nào phê duyệt dự án thì cơ quan đó làm chủ đầu tư đề án nên tại cuộc họp nói trên, tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ TN-MT đề xuất Chính phủ bố trí ngân sách.
Như vậy, đến thời điểm này, Công ty Bồng Miêu đã phá sản nhưng hệ lụy của nó để lại thì chưa biết khi nào mới xử lý xong. Theo ông Nguyễn Đạo, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, nếu có kinh phí thì việc đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, hoàn thổ đã được thực hiện từ năm 2016. Còn hiện tại là những cánh rừng lớn bị đào xới tan hoang; hầm, hố có thể sập bất cứ lúc nào. Càng nguy hiểm hơn khi hiện vẫn có nhiều người tự ý vào bên trong khai thác, mót vàng. Tình trạng khai thác vàng trái phép cũng khiến những dòng sông, dòng suối bị đầu độc trong khi chính quyền không thể nào truy quét hết.
Còn theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, đến nay số tiền nợ thuế hơn 108 tỉ đồng (tính tới tháng 10-2017) của Công ty Bồng Miêu coi như mất trắng. Hơn 100 chủ nợ của doanh nghiệp (DN) này với số tiền hơn 800 tỉ đồng cũng khó đòi được xu nào! Trong khi đó, kết quả kiểm kê cho thấy tài sản tại công ty có giá trị chỉ hơn 34,8 tỉ đồng. Tài sản này gắn liền trên đất tại mỏ vàng nên chỉ có giá trị khi tiếp tục phục vụ để khai thác vàng, còn nếu thanh lý thì giá trị rất thấp.
Kỳ vọng nhiều, thất vọng lớn
Câu chuyện mỏ vàng Bồng Miêu là một bài học lớn về công tác quản lý, cấp phép khai thác tài nguyên quốc gia. Bởi trước đó, người ta từng kỳ vọng rất nhiều khi để DN nước ngoài khai thác mỏ vàng lớn nhất nước này.
Còn nhớ, vào năm 1992, Công ty Olympus Pacific Minerals Việt Nam (sau này là Công ty TNHH Besra Việt Nam) được cho phép phối hợp với 2 công ty trong nước thăm dò, khai thác mỏ vàng Bồng Miêu. Dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến 40 triệu USD, mang đến nhiều kỳ vọng về lợi ích kinh tế. Năm 2006, Công ty Bồng Miêu xây dựng xong và đưa vào hoạt động nhà máy tuyển luyện vàng với dây chuyền khai thác, sản xuất vàng theo công nghệ hiện đại.
Theo báo cáo của Bộ TN-MT, tổng diện tích khu vực khai thác tại mỏ vàng Bồng Miêu là 385 ha, gồm 230 ha khai thác lộ thiên, 100 ha khai thác hầm lò và 28 ha bãi thải; công suất khai thác 180.000 tấn quặng/năm với hàm lượng vàng trung bình 2,8 g/tấn quặng. Từ năm 2005 đến năm 2013, Công ty Bồng Miêu khai thác được 829,952 tấn quặng vàng nguyên khai. Từ tháng 11-2013 đến tháng 8-2014, DN này ngừng hoạt động khai thác nhưng đến ngày 30-9-2014 thì hoạt động trở lại. Tuy nhiên, từ thời điểm đó cho đến khi dừng khai thác hẳn vào năm 2016, Công ty Bồng Miêu chưa báo cáo sản lượng khai thác.
Cho đến nay, Công ty Besra là DN nước ngoài duy nhất được phép khai thác và xuất khẩu vàng tại Việt Nam, với quyền kiểm soát cả 2 mỏ vàng lớn nhất Việt Nam, đều ở Quảng Nam là Bồng Miêu và một nhà máy nữa ở mỏ vàng Đắk Sa, huyện Phước Sơn. Dù vậy, sau khi đào bán hơn 6,9 tấn vàng với giá trị hơn 5.000 tỉ đồng và đóng được khoảng 700 tỉ đồng tiền thuế, Công ty Besra chây ì đóng thuế rồi vô tư rời đi, để lại những hệ lụy mà người dân và chính quyền sở tại phải gánh lấy.