Không thể quan sát bằng mắt thường, song “sự chết chóc” dưới lòng các đại dương là thực trạng đang diễn ra với cấp độ ngày càng nghiêm trọng do hệ sinh thái biển toàn cầu đang bị hủy hoại bởi các đợt nắng nóng trên bề mặt đại dương.
Trong nghiên cứu đầu tiên đánh giá tác động của các đợt nắng nóng trên bề mặt các đại dương đăng tải trên tạp chí Biến đổi Khí hậu tự nhiên số ra ngày 4/3, các nhà nghiên cứu cho biết số ngày nóng ở khu vực biển đã tăng hơn 50% kể từ giữa thế kỷ 20.
Qua 19 năm theo dõi gần đây, có tới 18 năm, nhiệt độ trên bề mặt Trái Đất ghi nhận mức cao kỷ lục và đây chính là nguyên nhân gia tăng tần suất xuất hiện của các cơn bão lớn, hạn hán, các đợt nắng nóng và ngập lụt trên toàn thế giới.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu, ông Dan Smale, trong khi các đợt nắng nóng trong không khí có thể tàn phá mùa màng, rừng cây và làm giảm số lượng các loài động vật, các đợt nắng nóng tại khu vực biển có thể hủy hoại các hệ sinh thái dưới lòng đại dương.
Nghiên cứu đưa ra một loạt các dẫn chứng cụ thể cho thấy mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng do nhiệt độ môi trường biển tăng cao: Đợt nóng kéo dài 10 tuần tại vùng biển Tây Australia năm 2011 đã tàn phá hệ sinh thái nơi đây khiến một số loài cá có giá trị thương mại buộc phải “di trú” đến những vùng nước mát lạnh hơn; một nghiên cứu của Liên hợp quốc, từng cảnh báo 90% san hô ở khắp các đại dương có thể chết ngay cả khi thế giới kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp – một mục tiêu mà theo đánh giá của các nhà khoa học là bất khả thi.
Theo tính toán của giới khoa học, các đại dương hấp thu tới 90% nhiệt lượng nóng lên của Trái Đất, do đó, nhiệt độ trong lòng các đại dương đều tăng gấp bội phần so với mức tăng nhiệt trong bầu khí quyển Trái Đất. Do đó với thực trạng biến đổi khí hậu hiện nay, các đợt nắng nóng trên bề mặt các đại dương sẽ tiếp tục gia tăng với tần suất dày đặc hơn, kéo dài hơn và hệ lụy đằng sau đó sẽ ngày nghiêm trọng.