Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho biết, năm 2018, cả nước có gần 1.700 trường hợp vi phạm liên quan đến động vật hoang dã (ÐVHD) dưới nhiều hình thức. Trong đó, việc quảng cáo, buôn bán trái phép các loài ÐVHD và các sản phẩm, bộ phận ÐVHD là hành vi vi phạm phổ biến nhất, chiếm 64% tổng số trường hợp vi phạm.
Không chỉ bày bán và quảng cáo nhiều loài, sản phẩm ÐVHD ngay tại cửa hàng, quán ăn, nhiều đối tượng đã lợi dụng in-tơ-nét để thực hiện hành vi buôn bán ÐVHD. Chỉ tính riêng trong năm 2018, ENV đã ghi nhận gần 800 vụ vi phạm pháp luật về ÐVHD trên in-tơ-nét, với hơn 1.200 đường dẫn có dấu hiệu vi phạm.
Việc bảo tồn các loài động vật, nhất là ÐVHD, những loài động vật đang có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng đang trở nên vô cùng cấp thiết, không chỉ ở nước ta mà tất cả các nước trên thế giới. Theo Liên minh Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (IUCN), hiện tại ước tính trên thế giới có gần 600 loài động vật được xếp loại có nguy cơ tuyệt chủng trong Sách đỏ, và hơn 100 loài khác không thể xếp loại trước đó, cũng được coi là đe dọa tuyệt chủng.
Vì vậy, hơn lúc nào hết, để bảo vệ ÐVHD trước khi quá muộn, bên cạnh việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong nước và quốc tế để kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các loài ÐVHD và sản phẩm ÐVHD, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về ÐVHD. Cần giúp cộng đồng tìm hiểu thông tin về thực trạng các loài ÐVHD, từ đó cam kết không sử dụng ÐVHD và các sản phẩm từ ÐVHD, đồng thời tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm về ÐVHD. Nhiều người dân sau khi được tuyên truyền, vận động của các cơ quan chức năng đã tự nguyện chuyển giao gần 70 cá thể ÐVHD đang nuôi nhốt cho các trung tâm cứu hộ ÐVHD. Ngày 19-2 vừa qua, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) đã tiếp nhận hai cá thể khỉ mặt đỏ và sơn dương, đều là ÐVHD quý hiếm do người dân giao nộp để chăm sóc, cứu hộ trước khi thả về môi trường tự nhiên.
Bên cạnh đó, cần sử dụng hiệu quả hơn nữa những thông tin tiếp nhận từ đường dây nóng bảo vệ ÐVHD 1800-1522 của ENV. Chỉ tính riêng năm 2018, thông qua đường dây này, Phòng Bảo vệ động vật hoang dã của ENV đã tiếp nhận gần 820 cuộc gọi liên quan đến ÐVHD được người dân thông báo. Trong đó có 65,5% số thông tin được xử lý kịp thời. Nhờ đó đã có hơn 520 cá thể ÐVHD được giải cứu thành công, tăng hơn 15% so với năm trước. Ðiều đó khẳng định sự tham gia tích cực của cộng đồng đã góp phần không nhỏ trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm về ÐVHD tại Việt Nam.
Tuy nhiên những vụ vi phạm về ÐVHD vẫn chưa có dấu hiệu giảm, và hành vi vi phạm ngày càng tinh vi hơn, thực tế này đang đòi hỏi sự chung tay vào cuộc nỗ lực, quyết liệt hơn của cả xã hội và cộng đồng trong bảo vệ ÐVHD.