Theo các địa phương nơi xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi, tình trạng lợn chết bị người dân vứt xuống sông, không được tiêu huỷ đúng cách khiến cho công tác dập dịch gặp rất nhiều khó khăn.
Ngày 3.3, theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi – Thú y, Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình, sau xã Đông Đô (Hưng Hà), Lô Giang (Đông Hưng), đến nay dịch tả lợn châu Phi tiếp tục bùng phát tại các xã Tây Đô, Duyên Hà (Hưng Hà), Dục An, Đông Hải (Quỳnh Phụ).
Toàn tỉnh Thái Bình đã tiêu hủy trên 613 con lợn các loại, của hơn 54 hộ chăn nuôi ở ở 19 thôn, 6 xã thuộc 3 huyện Hưng Hà, Đông Hưng, Quỳnh Phụ với tổng trọng lượng lợn đã tiêu hủy là hơn 37.245 kg.
Ông Đặng Túc Thành – Phó Cục trưởng, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình cho biết, qua kiểm tra, các ngành chức năng đã vào cuộc tích cực, song nguy cơ phát sinh, lây lan bệnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do nhận thức về phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi còn chủ quan, lơ là và thiếu trách nhiệm. Đáng lo nhất là tình trạng người dân vẫn còn vứt xác lợn chết bừa bãi ra môi trường khiến cho công tác kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch rất khó khăn.
Ông Lê Xuân Thùy – Bí thư Đảng ủy xã Bắc Sơn (Hưng Hà) cho biết: “Từ ngày 17.2 đến nay, ngày nào chúng tôi cũng thu vớt được lợn chết mà người dân vứt trên sông Tà Sa theo dòng nước trôi về địa bàn xã. Có ngày, cán bộ xã vớt và xử lý chôn lấp gần 20 con lợn chết”.
Tình trạng này này không những làm cho cán bộ địa phương phải căng mình kiểm tra, giám sát trên các tuyến đường bộ và trên sông thuộc địa bàn mà còn ấn chứa nguy cơ phát sinh bệnh dịch cho đàn gia súc của người dân trong xã là rất lớn.
Theo ông Thuỳ, người dân giấu bệnh dịch và xử lý lợn chết không theo quy định sẽ là mối nguy cơ lớn nhất khiến cho công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi của các cấp, các ngành trong tỉnh gặp khó khăn.
Để khoanh vùng dập dịch, tỉnh Thái Bình đã lập 50 chốt kiểm soát dịch bệnh tại các xã có dịch và vùng bị uy hiếp; Hằng ngày thực hiện việc rắc vôi, phun thuốc tiêu độc, khử trùng. Trong đó, 17,9 tấn hóa chất, hơn 402 tấn vôi bột đã được tỉnh sử dụng phun, rải tại địa bàn có dịch và vùng bị uy hiếp.
Nhằm ngăn chặn mầm dịch phát sinh ra từ tỉnh Thái Bình, lây lan từ các tỉnh ngoài vào, tỉnh Thái Bình lập chốt kiểm soát tại cầu Tân Đệ, cửa ngõ nối với tỉnh Nam Định; chốt kiểm soát tại Cầu Nghìn, Cầu Hiệp (huyện Quỳnh Phụ); chốt tại Triều Dương, La Tiến (Hưng Hà).
Một trong những khó khăn của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch hiện nay là số đông hộ chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ (không kể trang trại, toàn tỉnh hiện có gần 7.500 gia trại và 75.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ), mật độ chăn nuôi cao, môi trường ô nhiễm, gây khó khăn cho công tác giám sát, lấy mẫu xét nghiệm…
Một số địa phương có dịch có các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua nên việc kiểm soát ổ dịch gặp khó khăn. Ngoài ra, UBND tỉnh Thái Bình tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện nhiều biện pháp khoanh vùng và dập dịch.
Trong đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tham gia phòng chống dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Chủ động xây dựng phương án để ứng phó khi dịch xảy ra trên diện rộng hơn.