Theo một báo cáo mới được công bố gần đây của Liên hợp quốc cho thấy, nồng độ carbon dioxide (CO2) có trong bầu khí quyển của chúng ta đã chạm ngưỡng cao kỷ lục trong vòng 3 triệu năm qua. Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cũng cho biết, hiện tại nồng độ CO2 trong khí quyển tương đương với mức 145% so với năm 1750 – thời kỳ bắt đầu cách mạng công nghiệp.
Những kỷ lục liên tục bị phá vỡ nên đó chính là hồi chuông cảnh tỉnh đối với nhân loại chúng ta trước những nguy cơ ô nhiễm không khí và môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu. Một hy vọng mới vừa được các nhà khoa học Australia triển khai có thể sẽ là giải pháp tích cực trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu đó chính là việc biến ngược CO2 thành than đá.
Đảo ngược quá trình đốt than đá
Không khí toàn cầu ngày càng nóng lên, biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính ngày càng nghiêm trọng khiến nhân loại đang đứng trước những nguy cơ vô cùng nguy hiểm. Quá trình công nghiệp hóa, quá trình đốt các nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ… tạo ra khí CO2 và khí nhà kính. Để hạn chế những hậu quả có thể xảy ra, nhiều quốc gia đã triển khai các dự án trồng rừng nhằm “lợi dụng” quá trình quang hợp của cây xanh để giảm khí CO2 trong không khí.
Tuy nhiên, chúng ta không thể kiểm soát hết được khí CO2 thải ra môi trường bởi có tới 90% lượng khí thải CO2 thải ra môi trường đều từ các loại nhiên liệu hóa thạch. Và các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne -RMIT (Australia) đã có một giải pháp thật tuyệt vời khi đã tìm ra được cách biến ngược CO2 trong không khí trở thành tinh thể carbon. Hay nói cách khác, các nhà khoa học Australia có thể đảo ngược quá trình biến CO2 trở lại thành than đá. Giải pháp này được đánh giá bước đầu cho hiệu quả cao và giá thành lại rẻ.
Chôn CO2 vào trong lòng đất
Công trình nghiên cứu này của các nhà khoa học tại RMIT không phải là lần đầu tiên con người tìm cách xử lý CO2 mà không cần đến cây xanh. Trước đây, các nhà khoa học đã từng biến CO2 thành dạng lỏng rồi chôn nó xuống lòng đất. Tuy nhiên, giải pháp đó có nhiều nguy cơ xảy ra nếu như CO2 bị rò rỉ trong lòng đất và sẽ tạo ra một thảm họa cực kỳ nguy hiểm cho khí hậu và môi trường Trái đất. Nhưng với phương pháp này, các nhà khoa học tại RMIT đã làm cho chúng ta yên tâm hơn bởi CO2 sẽ được chuyển ngược lại về thể rắn, có thể chôn xuống lòng đất.
“Cỗ máy thời gian không cho phép chúng ta quay ngược về quá khứ. Nhưng việc biến ngược CO2 thành than đá và chôn chúng xuống đất quả thật là giống như việc đảo ngược quá trình gây ô nhiễm vậy”, Tiến sĩ Torben Daeneke, thành viên nghiên cứu của RMIT cho biết. Nhưng “ở thời điểm hiện tại, CO2 chỉ có thể trở về thể rắn ở nhiệt độ rất cao, nên tính ứng dụng của nó không cao. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ sử dụng thêm kim loại lỏng để làm chất xúc tác có thể biến CO2 trở thành than đá ngay ở nhiệt độ phòng, hiệu quả rất cao mà giá thành vô cùng rẻ”, ông Daeneke cho biết thêm.
Theo đó, kim loại lỏng được các nhà khoa học tại RMIT sử dụng làm chất xúc tác cho quá trình biến ngược CO2 thành than đá đó là gali, indium, thiếc và cerium. Hỗn hợp sau đó sẽ được đưa vào một ống thủy tinh, nối với một sợi dây điện, cuối cùng CO2 nguyên chất được đưa thẳng vào trong. Kết quả quá trình này sẽ thu được lớp carbon nổi trên bề mặt hỗn hợp, sau đó được loại bỏ dần và quá trình cứ thế tiếp tục diễn ra. Thật tuyệt vời hơn là sản phẩm cuối cùng được tạo ra là lớp màng carbon và oxy nguyên chất. Carbon có thể được chôn ngược xuống lòng đất hoặc sử dụng để chế tạo vật liệu từ sợi carbon.
Điều đặc biệt nữa là phương pháp này còn mang lại lợi ích to lớn hơn nữa vì carbon có thể giữ lại điện, tạo thành tụ điện và có thể trở thành tiềm năng ứng dụng to lớn đối với các phương tiện giao thông hay động cơ trong tương lai. Giải pháp biến ngược CO2 thành than đá của các nhà khoa học RMIT đang được giới khoa học đánh giá có tính thực tế rất cao, bởi nó đáp ứng đúng nhu cầu thực trạng môi trường, khí hậu của hành tinh chúng ta hiện nay, nhất là trong thời kỳ nền kinh tế công nghiệp đang ngày càng phát triển như vũ bão.