Chiều 1/3, UBND tỉnh Bến Tre đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Viện Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia đồng bằng Danube và Cơ quan Dự trữ sinh quyển đồng bằng Danube (Rumani) về thực hiện Dự án “Thành lập thí điểm Khu bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái và Trung tâm tri thức phát triển du lịch sinh thái tại đồng bằng sông Mekong”.
Mục đích để ký kết thỏa thuận hợp tác là nhằm mục đích xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho tỉnh Bến Tre và tuyên bố chung về khu dự trữ sinh quyển ở khu vực ven biển tỉnh Bến Tre. Trong đó nhấn mạnh đến việc tăng diện tích khu vực được bảo vệ, tăng số lượng khách du lịch, tiện ích phục vụ du lịch, và tăng tỷ lệ người dân địa phương tham gia vào bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái.
Bên cạnh đó, căn cứ vào sự cần thiết phải hoàn thành kế hoạch dài hạn nhằm khôi phục, phục hồi sinh thái của các vùng kinh tế suy thoái ở tỉnh Bến Tre, đưa chúng về điều kiện tự nhiên để bảo tồn đa và phát triển. Đồng thời, nghiên cứu tính khả thi trong thực hiện dự án, nhằm định hướng nhân rộng, liên kết cả vùng ĐBSCL và hướng đến các nước thuộc đồng bằng sông Mekong.
Thỏa thuận hợp có hiệu lực kể từ ngày ký và có thời hạn 10 năm, gồm các nội dung chính như: Các bên đồng ý đóng góp, trong giới hạn khả năng của mình để phát triển, dự thảo nghiên cứu khả thi và thực hiện các bước cần thiết đến khi trình dự án, nhằm mục tiêu phát triển kế hoạch phát triển bền vững của tỉnh Bến Tre, trong các lĩnh vực: môi trường và BĐKH, kinh tế, du lịch, nông nghiệp sinh thái, giáo dục và các lĩnh vực có liên quan thông qua lập kế hoạch, thiết kế và phát triển.
Các bên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành Dự án “Thành lập thí điểm khu bảo tồn đa dạng sinh học cho phát triển du lịch sinh thái bền vững và Trung tâm thông tin phát triển du lịch ở đồng bằng sông Mekong”; và nghiên cứu khả thi trước khi thực hiện Dự án để vạch ra chiến lược phát triển bền vững cho tỉnh Bến Tre và tuyên bố chung về khu Dự trữ sinh quyển ở khu vực ven biển tỉnh Bến Tre…
Về mục tiêu cụ thể, gồm các nội dung chính như: Đánh giá đa dạng sinh học, bắt đầu với khu vực ven biển thuộc các huyện Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại; Kế hoạch phục hồi sinh thái và môi trường tự nhiên tại khu vực kinh tế suy thoái ở Bến Tre, gồm cả các khu vực tự nhiên xung quanh với mục đích bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái.
Theo đó, trong tương lai, Khu dự trữ sinh quyển Bến Tre sẽ được đề xuất thành 08 khu vực để phục hồi sinh thái: Sân Chim Vàm Hồ, Bảo Thuận, Bảo Thạnh (huyện Ba Tri); Thừa Đức, Thới Thuận (huyện Bình Đại); Thạnh Hải, vùng phía Đông và Tây xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú.
Ngoài ra, xây dựng 05 Trung tâm thông tin du lịch cho du khách với các thông tin về bảo tồn đa dạng sinh học, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn ở TP. Bến Tre, với một tòa nhà hiện đại, kiến trúc thu hút với nét đặc trưng tiêu biểu của vùng, và nơi đây sẽ là trụ sở của Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Bến Tre trong tương lai. Đồng thời, xây dựng 04 Trung tâm du khách tại các địa điểm ven biển tỉnh Bến Tre.
Theo thỏa thuận được ký kết, cuối năm 2019 hoàn thành báo cáo khả thi và dự toán kèm theo. Năm 2020, hoàn thành báo nghiên cứu khả thi gửi các cơ quan Trung ương, cụ thể như: Bộ TN&MT, Bộ VHTT&DL, Bộ NN&PTNT cùng một số Tổ chức Quốc tế. Kể từ năm 2020 trở đi, sẽ thực hiện Dự án, xây dựng tài liệu và chiến lược phát triển bền vững tỉnh, trình tài liệu đến MAB-UNESCO cho việc công nhận Khu dự trữ sinh quyển Bến Tre.
Trước đó, từ ngày 22/02 – 28/02/2019, đoàn chuyên gia của Viện Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia đồng bằng Danube, Khu Dự trữ sinh quyển đồng bằng Danube cùng với Tổ xây dựng Dự án của tỉnh Bến Tre cũng đã có chuyến khảo sát, tham quan thực tế tại Bến Tre và một số tỉnh khu vực ĐBSCL để tiến đến xây dựng nội dung Thỏa thuận hợp tác và chuẩn bị nghiên cứu khả thi Dự án trên.