Hình ảnh một cá thể động vật hoang dã được khẳng định 90% là Sao la – loài động vật vô cùng quý hiếm đứng trên bờ vực tuyệt chủng đã bất ngờ lọt vào bẫy ảnh của giới nghiên cứu khoa học trong Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình.
Ngày 2/3, ông Lê Thanh Tịnh – Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình thông tin với PLVN, quá trình bẫy ảnh trong rừng nguyên sinh của VQG này của lực lượng nghiên cứu khoa học đã bất ngờ thu được hình ảnh nghi là của cá thể Sao la – loài động vật cực kỳ quý hiếm, được xem là đại diện tiêu biểu nhất cho đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Khu vực rừng bẫy ảnh phát hiện cá thể này được khẳng định nằm trong vùng lõi, khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt của Di sản Thiên nhiên thế giới – VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Còn địa điểm cụ thể, ông Tịnh từ chối cung cấp thông tin để đảm bảo cho sự an toàn của loài này trước mối đe dọa của nạn săn bắt động vật hoang dã quý hiếm.
Cụ thể hơn, “hình ảnh thu được của cá thể nghi là Sao la này chụp được bằng bẫy ảnh vào ngày 9/2/2019. Qua quan sát các đặc điểm trên ảnh và so sánh với đặc điểm nhận dạng của loài này, PGS.TS Nguyễn Xuân Đặng – Ủy viên Hội đồng Khoa học, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật – một trong những chuyên gia hàng đầu về động vật rừng của Việt Nam và riêng về Sao la, đã khẳng định rằng, 90% các dấu hiệu từ hình ảnh thu được là loài Sao la. Lực lượng chuyên trách tại VQG chúng tôi cũng đồng quan điểm như thế” – ông Lê Thanh Tịnh khẳng định.
Sao la có tên khoa học là Pseudoryx nghetinhensis, là loài động vật có vú có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất, sống ở vùng rừng núi Trường Sơn. Vào tháng 5/1992, Sao la được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). Đây được xem là phát hiện ấn tượng nhất của khoa học giai đoạn cuối thế kỷ XIX – đầu XX, gây chấn động mạnh đối với khoa học thế giới và sách Đỏ thế giới (IUCN) xếp Sao la vào bậc Cực kỳ nguy cấp (CR).
Tháng 4/2012, Hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) tổ chức tại Quảng Trị. Vấn đề bảo tồn Sao la – loài thú lớn đặc hữu hẹp của hệ sinh thái rừng Trường Sơn – được lấy làm chủ đề chính.
Thời điểm ấy, PGS.TS Nguyễn Xuân Đặng thông tin rằng, tập quán sống của Sao la trong môi trường tự nhiên là hình thành các nhóm nhỏ dưới 10 cá thể, sống rải rác và cách xa nhau. Ghi nhận được Sao la có dấu vết cư trú tại 6 tỉnh trên dãy Trường Sơn (từ Nghệ An – Quảng Nam). “Dẫu vậy, sau 20 năm (1992 – 2012) nghiên cứu và bảo tồn, tình trạng các quần thể Sao la có xu hướng ngày một rất xấu đi. Khảo sát khắp Trường Sơn ban đầu có khoảng 500 cá thể, nhưng 20 năm sau, số lượng Sao la ở Việt Nam chỉ còn hơn 160 cá thể. Tại Vũ Quang (Hà Tĩnh) từ Tình trạng này, 10 năm nữa (2022) loài Sao la bị tuyệt chủng là điều được dự báo” – ông Đặng lo ngại.
Một trong những người đầu tiên nghiên cứu và công bố loài Sao la vào năm 1992 – ông Vũ Văn Dũng (nguyên cán bộ của Viện Điều tra và quy hoạch rừng, Bộ NN-PTNT), nhận định rằng: “Bây giờ rừng Trường Sơn ở khu vực Nghệ – Tĩnh đã chẳng còn một con Sao la nào nữa. Theo tôi là thế, bởi hơn 10 năm rồi chưa phát hiện thêm được dấu vết nào”.
Trở lại với việc phát hiện cá thể động vật hoang dã nghi là Sao la trong vùng lõi rừng di sản Phong Nha – Kẻ Bàng, ông Lê Thanh Tịnh khẳng định: “Chúng tôi đang tích cực triển khai thu thập thêm các bằng chứng cụ thể, rõ ràng hơn nữa để khẳng định sự hiện diện của loài Sao la ở Phong Nha – Kẻ Bàng. Công tác triển khai các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt cũng được tăng cường đồng thời ở khu vực phát hiện nhằm tránh các hoạt động gây hại”.