Việc giết chết các loài lớn đang đẩy chúng đến sự tuyệt chủng

Theo một nghiên cứu mới, đại đa số các loài lớn nhất thế giới đang bị đẩy đến bờ tuyệt chủng, với việc giết chết những động vật nặng cân nhất để lấy thịt và các bộ phận cơ thể là nguyên nhân hàng đầu của sự suy giảm.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy cùng với việc mất sinh cảnh, ô nhiễm và các nguy cơ khác gây ra mối đe dọa đáng kể cho các loài lớn, còn được gọi là megafauna, thì đặt bẫy có chủ ý và vô ý, săn trộm và giết mổ là các tác nhân đơn lẻ lớn nhất trong sự suy giảm.

Một phân tích 362 loài megahauna cho thấy 70% trong số này đang suy giảm, với 59% được IUCN phân loại vào nhóm bị đe dọa. Nguyên nhân suy giảm chủ yếu trong tất cả các lớp động vật là do bị con người giết trực tiếp. Một loạt các yếu tố khác như thâm canh nông nghiệp, độc tố và các đối thủ cạnh tranh xâm lấn cũng góp phần vào sự suy giảm này.

Một con voi cái châu Phi khổng lồ (Loxodonta africana) vung vòi trong ánh hoàng hôn để thể hiện một tín hiệu hung dữ. Ảnh: Buena Vista Images/Getty Images

Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Conservation Letters, tình hình này củng cố thêm “bằng chứng rằng con người sắp gây ra thảm họa tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu”, và rằng “giảm thiểu việc giết chết trực tiếp các loài động vật có xương sống lớn nhất thế giới là một chiến lược bảo tồn ưu tiên có thể cứu được nhiều loài trong số những loài mang tính biểu tượng này cũng như các chức năng và dịch vụ mà chúng cung cấp”.

Con người gây ra cái chết của những sinh vật lớn bằng nhiều cách khác nhau, từ đặt bẫy khỉ đột núi và săn trộm voi để lấy ngà cho đến tàn sát kỳ nhông khổng lồ Trung Quốc – loài có thể dài tới 1,8m và được coi là đặc sản ở châu Á.

Theo William Ripple, tác giả nổi tiếng và là giáo sư sinh thái học thuộc Đại học bang Oregon, “có lúc việc giết chóc là hợp pháp, có lúc bất hợp pháp và có lúc là vô tình, chẳng hạn như khi đánh cá. Nếu xu hướng này tiếp tục, chúng ta sẽ mất nhiều loài megahauna và thế giới sẽ trở thành một chốn nghèo nàn. Chúng ta đang khiến các loài này giảm dần”.

Bên cạnh giá trị mặc định của những sinh vật to lớn như tê giác, cá mập và hổ, nhiều loài có vai trò sinh thái quan trọng là động vật ăn thịt ở đầu lưới thức ăn hoặc bằng cách rải hạt giống đi khắp sinh cảnh.

Nghiên cứu cũng cho thấy việc giết mổ ở quy mô công nghiệp để sản xuất thực phẩm, cùng với việc săn bắn được quy định chặt chẽ, không phải là nguyên nhân để đổ lỗi cho sự mất mát của các loài, mặc dù các nghiên cứu khác đã chỉ rõ tác hại môi trường khủng khiếp do nông nghiệp đại chúng gây ra.

“Đó là một vấn đề phức tạp. Đôi khi, những động vật lớn bị giết để lấy chiến lợi phẩm, đôi khi là săn bắn và đánh cá để sống, đôi khi là săn trộm bất hợp pháp – đó là tổng hòa”, Ripple nói. “Con người đã trở thành những kẻ săn mồi siêu hạng mà thậm chí không hề dính dáng đến những thứ chúng ta đang giết. Nhiều động vật lớn trong số này có tỷ lệ sinh sản thấp nên một khi bạn thêm vào áp lực đó, chúng sẽ trở nên dễ bị tổn thương”.

Cuộc khủng hoảng trong thế giới tự nhiên đã được đặt ra bởi nghiên cứu gần đây, cho thấy chỉ có 4% động vật có vú trên thế giới, tính theo trọng lượng, là hoang dã, 96% còn lại được tạo thành từ con người và gia súc. Kể từ năm 1970, các quần thể động vật có vú hoang dã, cá chim và động vật lưỡng cư, đã giảm trung bình 60%.

Các nhà bảo tồn kêu gọi một cuộc đại tu triệt để, trong đó cần phải chấm dứt nạn phá rừng hàng loạt và để dành một phần ba hoặc thậm chí một nửa thế giới cho tự nhiên. Những thách thức chưa rõ ràng do biến đổi khí hậu và dân số loài người tăng nhanh cũng sẽ hiện hữu nếu sự mất mát vẫn xảy ra.

“Chúng ta cần các hiệp ước quốc tế có hiệu quả, cần phải cùng nhau hành động để cứu những loài này. Chúng ta đã đạt được tiến bộ với một số loài, chẳng hạn như cá voi thông qua Ủy ban Cá voi Quốc tế. Chúng ta cần các chính phủ hợp tác với nhau cho các megahauna khác”, Ripple nói.

Nghiên cứu này “góp củi về rừng vào câu chuyện hỗn độn rằng chúng ta đang giết các loài đến tuyệt chủng”, Erle Ellis, nhà sinh thái học thuộc Đại học Maryland và không tham gia vào nghiên cứu, cho biết.

Nhật Anh (Theo Theguardian.com)

Nguồn: